Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các đơn vị thi công trên công trường xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.
Dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) làm đại diện chủ đầu tư với mục tiêu tăng khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện Quốc gia, khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số, góp phần giảm chi phí vận hành hệ thống điện Quốc gia; Giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Vị trí tuyến xây dựng công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng chính bố trí bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu: Nhà máy thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Công trình có quy mô 2 tổ máy với tổng công suất 480MW; tổng mức đầu tư: 9.220 tỷ đồng; nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty CP Xây dựng 47 – Lilama10; tiến độ hiệu chỉnh: tổ máy 1 phát điện tháng 6/2025; tổ máy 2 vào tháng 7/2025; hoàn thành công trình vào tháng 8/2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị tham gia thi công Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.
Về tình hình thực hiện dự án đến nay: dự án khởi công vào tháng 1/2021, từ tháng 11/2021 đã tạm dừng thi công do sạt hố móng nhà máy, dự án tiếp tục được thi công trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã xử lý sạt trượt mái dốc đảm bảo ổn định và an toàn. Kết quả tính toán đánh giá và quan trắc liên tục cho thấy việc thi công công trình không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu gồm: Đập Thuỷ điện Hoà Bình, Tượng đài Bác Hồ... Toàn bộ kết quả quan trắc trong quá trình thi công do Viện Vật lý Địa Cầu thực hiện cho thấy chỉ số rung chấn nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế.
Công trường đang tập trung thi công đào hố móng các hạng mục Nhà máy và kênh xả; cửa lấy nước và kênh dẫn vào; đào và gia cố tạm hầm phụ; Hầm tiêu nước mở rộng và các hạng mục phụ trợ, lán trại với mục tiêu đảm bảo hoàn thành phát điện 2 tổ máy trong năm 2025. Dự án đã áp dụng các công nghệ mới trong việc quản lý chất lượng, kiểm soát an ninh trong công trường, bao gồm áp dụng nhật ký điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử trong công tác quản lý thi công hiện trường để liên tục cập nhật số liệu, hình ảnh tình hình thực tế thi công, sử dụng hệ thống camera thông minh để kiểm soát người và phương tiện ra vào công trường.
Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, bàn giao cho nhà thầu đáp ứng điều kiện thi công. Hàng tháng, Ban Quản lý dự án và nhà thầu đều tổ chức lấy mẫu quan trắc chất lượng không khí, nước, bụi và tiếng ồn do cơ quan chuyên ngành thực hiện; kết quả đến nay cho thấy chất lượng nước, không khí, tiếng ồn đều nhỏ hơn giới hạn cho phép của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn của Việt Nam.
Dự án được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ gói thầu Tư vấn môi trường xã hội; qua các đợt kiểm tra, giám sát hiện trường tư vấn Artelia của AFD đã đánh giá công trường tuân thủ các quy định về ESHS theo tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà tài trợ và luật pháp Việt Nam, đã thực hiện biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng về môi trường đối với khu vực xung quanh (xử lý nước thải, tưới nước rửa đường, bố trí cầu rửa xe, xe ra vào công trường được phủ bạt…).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị thi công trên công trường.
Về kế hoạch tiến độ thi công tiếp theo, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung để thi công công trình đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/2025, phát điện tổ máy 2 vào tháng 7/2025. Để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, EVN kiến nghị tỉnh Hoà Bình tiếp tục quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện cho Tập đoàn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công công trình; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các đơn vị của ngành điện (EVN, EVNNPC, Công ty Điện lực Hòa Bình) trong công tác lập Phương án phát triển mạng lưới cấp điện và có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch; đối với Đường đây 500/220kV Nho Quan – Phủ Lý – Thường Tín: đề nghị UBND huyện Lạc Thủy sớm bố trí đất tái định cư cho người dân trên địa bàn thị trấn Chi Nê để bàn giao hành lang tuyến cho chủ đầu tư tổ chức thi công kéo dây…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi Ông Tượng.
Tại công trường, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể tiến độ thi công dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà bình mở rộng; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo tháng 10/2021 của Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra sự cố sạt trượt trên công trường, chủ đầu tư đã cho dừng thi công để đánh giá tình hình khách quan, trung thực dựa trên số liệu khoa học, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý sự cố. Đây là sự trưởng thành của đội ngũ thực hiện dự án thi công trong nước, cũng là kinh nghiệm hay vì khi thi công thì có lúc không thể dự báo hết các vấn đề, điều này cũng cho thêm chúng ta bản lĩnh khi thi công, khi có vấn đề xảy ra, bình tĩnh xử lý. Chúng ta đã nhanh chóng khắc phục sự cố, điều phối lại các công việc, khẳng định sự trưởng thành.
Theo Thủ tướng, công trình này sau khi hoàn thành góp phần cho cân đối an ninh năng lượng quốc gia, cần phải bảo đảm chất lượng công trình, an toàn thi công đặt lên hàng đầu, triển khai các hệ thống quan trắc; phải cố gắng bảo đảm tiến độ thi công, cố gắng bố trí "3 ca 4 kíp", bù lại 1 năm phải dừng lại; tính toán lại tiến độ, cố gắng rút ngắn tiến độ 6 tháng; bảo đảm giữ gìn môi trường sinh thái; các đơn vị phối hợp chặt chẽ, chú ý các vấn đề địa chất, không để xảy ra các trục trặc; bảo đảm an toàn lao động, rút kinh nghiệm từ thế hệ đi trước. Hiện nay khả năng thi công phải tốt hơn trước, bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định; chăm lo bảo đảm đời sống cán bộ công nhân trên công trường. Tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ Công thương, EVN giải quyết tốt các vấn đề trên tinh thần chung tay, chung sức đồng lòng. Thủ tướng cũng đề nghị, cùng với dự án này, EVN phải quan tâm thúc đẩy phát triển các nguồn điện khác để bảo đảm an ninh năng lượng, môi trường, xã hội.
Cũng tại buổi đến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà động viên các đơn vị đang thi công trên công trường.