Phập phồng trong cơn khát
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc công ty Thuỷ điện sông Ba Hạ (Phú Yên), cho biết, từ tháng 10/2012 đến nay, ở Phú Yên hầu như không mưa. Lưu lượng nước về hồ chỉ 15-35 m³/giây, bằng 30 – 40% của các năm trước khiến mực nước hồ chỉ quanh mức 101,2 m, cách mực chết 0,2 m, dung tích hữu ích còn lại trong hồ chỉ khoảng 7 triệu m3 nước. Trong khi đó, do nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hệ thống thủy nông Đồng Cam và cánh đồng lúa huyện Sơn Hòa nên nhà máy phải vận hành 6-8 h/ngày. Cứ theo mức vận hành này thì mỗi ngày mực nước hồ sẽ giảm 3 cm. Ông Tuần rất lo lắng vì nếu trời tiếp tục không mưa thì chỉ chẳng mấy chốc là hồ Thủy điện Ba Hạ sẽ hết nước. Theo ông Tuần, năm 2012, lượng điện sản xuất của Công ty Thuỷ điện Sông Ba Hạ hụt 100 triệu kWh so với kế hoạch. Năm 2013, kế hoạch phấn đấu của công ty là 696 triệu kWh, nhưng đến hết tháng 4 mới đạt 55 triệu kWh. Tất cả chỉ còn trông chờ vào đợt lũ cuối tháng 5.
Tại khu vực hồ thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, mực nước cũng đã xuống rất thấp. Mực nước tại hồ Đa Nhim ngày 30/4 chỉ cách mực nước chết 7m với dung tích hữu ích hơn 33 triệu m3 nước, tương đương 59 triệu kWh; dung tích hữu ích hồ Hàm Thuận còn trên 91 triệu m3 nước, tương đương 58,5 triệu kWh.
Thủy điện Đại Ninh cũng không khá hơn với lượng nước về từ đầu năm đến nay chỉ đạt trung bình 3,35 m3/s, bằng 50% so với cùng kỳ nhiều năm (6,91 m3/s). Hiện mực nước hồ Đại Ninh cũng cách mực nước chết 6 m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 3,53m. Dung tích hữu ích còn lại trong hồ chỉ còn 51,5/251,73 triệu m3. Theo ông Đặng Văn Cường – Phó GĐ công ty Thủy điện Đại Ninh, có khả năng năm 2013 công ty chỉ đạt sản lượng phát điện 945 triệu kWh (kế họach được giao là 1.032 triệu kWh).
Vẫn phải xả nước
Để đáp ứng nhu cầu điện mùa khô và cả năm 2013, Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện, thực hiện không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất và dân sinh; cân đối khả năng phát điện và cấp nước tưới trong vụ hè thu; không bảo dưỡng, sửa chữa ngoài kế hoạch được duyệt. PVN và Vinacomin có nhiệm vụ cung cấp khí và than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo phát điện tối đa trong các tháng cao điểm mùa khô. |
Với mục tiêu khai thác hiệu quả các hồ thủy điện trên tinh thần ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất, EVN đã khảo sát từng lưu vực sông ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và thống nhất phương án xả nước chống hạn. Hiện Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đã cam kết sẽ chạy máy tối thiểu từ nay đến ngày 15/5, xả nước cho vùng hạ du Ninh Thuận khoảng 7 – 9m3/s, Từ 16/5 đến 15/6 phải xả ít nhất 17 – 18m3/s. Tại Bình Thuận sẽ chạy máy với lưu lượng tối thiểu từ 25 – 30m3/s từ đầu năm đến ngày 4/5; từ ngày 15/5 – 15/6 sẽ chạy máy tối thiểu 35m3/s. Theo ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc công ty, việc chạy máy với sản lượng thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến máy móc, thiết bị, nhưng trong tình hình này, không có sự lựa chọn nào khác.
Phú Yên là một trong những khu vực bị hạn rất nặng nên từ lâu Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã phát điện liên tục 5-8 giờ/ngày để cấp nước cho hạ du. Theo kế hoạch, từ ngày 15/5 đến 5/6, Nhà máy sẽ phối hợp với Thủy điện Sông Hinh xả nước tối thiểu 40 m3/s để phục vụ sản xuất. Các hồ Đại Ninh sẽ xả từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 để cấp nước cho Bình Thuận, hồ Đơn Dương xả từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Thủy điện Đăk Mil 4 sẽ xả liên tục từ 15 - 30/5. Các nhà máy thuỷ điện còn lại huy động theo theo tình hình thuỷ văn thực tế và kế hoạch tích nước cho phát điện đến cuối mùa khô năm 2013.