Sự kiện

Thủy điện Sơn La: Lời hẹn cuối năm

Thứ hai, 13/9/2010 | 17:36 GMT+7

Bọt nước trắng xóa tung cao tới vài mét ở cuối những dòng nước ngầu đỏ đang cuồn cuộn đổ ra từ 6 cửa xả của Công trình Thủy điện Sơn La. Dòng sông Đà hung dữ từng được thuần phục dưới bàn tay con người ở công trình Thủy điện Sông Đà năm nào, giờ lại đang khuất phục thêm một lần nữa ở công trình thủy điện Sơn La.


Tất cả vì dòng điện của Tổ quốc

Thời điểm này, không còn tiếng gầm rú náo nhiệt của những chiếc máy xúc, máy gạt, xe lu hay xe ben có tải trọng vài chục tấn cùng khoảng 12.000 lao động lúc cao điểm, nhưng vẫn có thể cảm thấy không khí rất khẩn trương trên công trường. Đập thủy điện Sơn La, với chiều dài khoảng 1.000 m, đang sững sững vươn tới cao trình + 228,1 m so với mực nước biển. Con sông Đà hung dữ lại thêm lần nữa khuất phục trước bức tường thành sừng sững do bàn tay con người dựng lên, tại địa phận xã Ích Ong, huyện Mường La.

Cùng với lực lượng lao động của Tập đoàn Sông Đà đang ngày đêm thi công để đạt tới độ cao đã định, những bàn tay tài hoa đến từ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) mà chủ lực là Công ty cổ phần Lắp máy 10 (Lilama 10) cũng bước vào giai đoạn cao điểm, đưa những cỗ máy khổng lồ vào ví trị đã định, tạo dựng trái tim và chức năng cho một công trình thủy điện.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, công việc lắp đặt các cấu kiện chính của tổ máy số 1 với yêu cầu an toàn, chính xác đang diễn ra khẩn trương.
Ngoài kế hoạch đưa tổ máy số 1 vào phát điện thương mại vào ngày 25/12/2010, EVN và những “bàn tay vàng” của Lilama đang phấn đấu hết sức mình cho mục tiêu phát điện tổ máy 2 vào tháng 4/2011, tức là ngay trước cao điểm mùa khô năm 2011. Để làm được điều này, hiện các thiết bị của tổ máy 2 cũng được nhà cung cấp là Alstom Hydro tập kết gần đủ tại Sơn La.

Trước đó, hợp đồng cung cấp các thiết bị chính và phụ trong gian máy của cả 6 tổ máy ở Dự án Thủy điện Sơn La (tổng giá trị 186 triệu euro) đã được EVN và Alstom Hydro ký kết vào tháng 10/2007 tại Paris, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Pháp. Do việc chế tạo thiết bị chính được bắt đầu có phần chậm hơn so với thi công xây dựng trên công trường, nên phía Alstom Hydro đã phải nỗ lực đáng kể trong việc cung cấp thiết bị, đảm bảo mục tiêu phát điện mà phía Việt Nam mong muốn.

Một chuyên gia của Alstom nhớ lại, nếu như ở các công trình thủy điện tương tự chỉ có 2-3 phiên họp kỹ thuật giữa Alstom Hydro với các bên liên quan, thì ở dự án này có không dưới 6 phiên họp. Đặc biệt, sự có mặt của một số kỹ sư trưởng đến từ Alstom Hydro ở Pháp để kết nối công việc thiết kế, chế tạo từ Pháp, Thụy Sỹ và Thiên Tân (Trung Quốc), rồi vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng có khối lượng lên tới 250 tấn về tới công trường đúng hẹn đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo phát điện đúng kế hoạch đã định.

Không chỉ có sự khẩn trương trong khuôn viên công trình chính, những cột điện 500 kV đã “giăng tơ” ngang những đỉnh núi, vươn mình vượt sông dọc theo cung đường từ Hòa Bình lên Sơn La, chờ mang dòng điện mới đi tới khắp mọi miền đất nước.

Công trình của lao động Việt Nam

Hôm tôi có mặt ở đây, cả công trường bận rộn và hồi hộp chờ thời điểm thả roto của tổ máy số 1. Đây cũng là một dấu mốc rất quan trọng đối với công trình thủy điện này.

Vừa chăm chú theo dõi các công nhân trẻ kiểm tra lại lần cuối các công việc chuẩn bị cho thả roto ngày hôm sau, bác Trần Văn Giai, từng đảm nhiệm vị trí Đội trưởng Đội roto trên công trường thủy điện Sông Đà ngày xưa, rồi tới thủy điện Yaly của Lilama 10 cho hay, roto của Nhà máy Thủy điện Sơn La có trọng lượng 1.000 tấn, nặng hơn rất nhiều so với con số 670 tấn ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Chính vì vậy, các công việc chuẩn bị phải rất kỹ càng, chính xác và không cho phép sai số.

Chiếc cần cẩu di động nặng hơn 1.000 tấn, sản phẩm của Công ty Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), trước khi có mặt tại gian máy này đã phải trải qua phép thử chính xác, khắc nghiệt, không cho phép sai số, bởi đây cũng là sản phẩm lần đầu tiên được sử dụng tại một dự án lớn như Thủy điện Sơn La. Đó là phải hạ từ chiều cao cả chục mét xuống 1 hòn gạch bình thường ở bên dưới, sao cho gạch không vỡ, nhưng không thể rút ra được. Phép thử này nhằm đảm bảo việc di chuyển chính xác của cần cẩu để roto vào vị trí đã định, mà không gây ra bất cứ một vết xước nào. Sở dĩ phải cẩn thận như vậy là bởi cái giá phải trả sẽ không chỉ là hàng triệu đô-la để có được roto mới, mà còn là những thiệt hại khó lường cho nền kinh tế khi thiếu nguồn điện.

Chính vậy mà quãng đường đi ngang khoảng 20 m và thêm khoảng chục mét theo phương thẳng đứng trước khi roto vào vị trí vĩnh viễn mất khoảng 2 tiếng rưỡi dịch chuyển, cùng với thời gian căn chỉnh. Để roto vào lòng stato theo đúng các dấu đã định, với khoảng cách giữa 2 thiết bị không quá 2,5 cm, cả trăm chiếc gậy nhẵn nhụi có chiều dài gần 4 m, bề ngang 7 cm với độ dày 2 cm đã được thợ lắp máy Lilama 10 chuẩn bị làm nhiệm vụ cọc tiêu, giữ đúng khoảng cách.

“Giờ có sự hỗ trợ của công nghệ, của kỹ thuật số, nên đỡ nhiều thời gian cho công nhân trong quá trình thi công”, người thợ già tâm sự. Biết là vậy, nhưng để chuẩn bị cho việc thả roto vào đúng vị trí, các tình huống xấu cũng được EVN, Lilama 10 lên phương án để ứng phó, thậm chí mang cả máy phát điện tới dự phòng bị cắt điện đột ngột.

Có mặt tại vị trí Tư lệnh, Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê, người mà dấu chân đã trở nên thân thiết với biết bao công trình thủy điện trải dài từ Bắc vào Nam, không giấu vẻ rạng rỡ khi việc thả roto tổ máy 1 diễn ra thuận lợi. Có lẽ, ông và tất cả mọi người có mặt trong gian máy vào thời khắc roto “hạ cánh” êm ả xuống stato, chính xác vào các dấu đã định đều âm vang trong đầu ý nghĩ “đầu xuôi, đuôi lọt”. Niềm vui của vị Tư lệnh già còn nhân lên nhiều lần khi kể cho tôi nghe về nội lực của người Việt Nam đã được phát huy và trưởng thành rất nhiều trên công trình thủy điện Sơn La. Đã thế lại làm chững chạc nữa!

Không chỉ lớn về quy mô,  Thủy điện Sơn La còn là công trình đầu tiên mà chỉ trừ thiết bị chính là trong nước chưa làm được, còn lại tất cả các khâu quan trọng như quy hoạch dự án, chủ trì thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thực hiện xây đập hay lắp đặt thiết bị của nhà máy chính, rồi chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục gian máy, đều được đảm nhận bởi người lao động đến từ EVN, Sông Đà, Lilama, Cơ khí Quang Trung...

Sự có mặt của các chuyên gia nước ngoài trên công trường này nằm ở vai trò tư vấn, làm thuê cho các bên Việt Nam, khác hẳn vai trò chủ trì chính như ở hồi xây dựng Thủy điện Hòa Bình hay Yaly trước đây. Sức vươn lên của nhân lực Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, nếu như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có quy mô 1.920 MW, Lilama huy động khoảng 3.000 lao động dưới sự chỉ huy, hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô để lắp đặt thiết bị, thì ở Thủy điện Sơn La, chỉ còn khoảng 1.400 lao động của Lilama, với vị trí chỉ huy thi công do người Việt Nam đảm nhận.

Ngắm nhìn hồ thủy điện Sơn La đỏ ngầu, đang dâng cao dần trong mùa tích nước đầu tiên, sẵn sàng cho việc vận hành của tổ máy 1 vào cuối năm 2010 và tổ máy 2 vào tháng 4/2011, tôi thầm tính, với một tổ máy 400 MW, mỗi tháng có thêm 250 triệu kWh điện được bổ sung cho hệ thống điện của cả nước. Nghe thì chưa thấy “to” lắm so với con số hơn 70 tỷ kWh điện tiêu thụ của năm nay, nhưng nhớ lại ước tính của các chuyên gia về việc phát điện sớm tổ máy 1 hai năm so với tiến độ ban đầu sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 1 tỷ USD, đồng thời giảm bớt được tình trạng thiếu điện trong mùa khô, thì mới thấy hết công lao của các doanh nghiệp và người lao động đang ngày đêm miệt mài lao động trên công trường thủy điện Sơn La, vì dòng điện của Tổ quốc.

Theo: Báo Đầu tư