Sự kiện

EVN tiếp nhận quản lý lưới điện hạ áp : Người dân nông thôn hưởng lợi

Thứ tư, 25/8/2010 | 15:07 GMT+7

Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để ngành Điện quản lý là chủ trương của Chính phủ, Bộ công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực nông thôn. Để phản ánh kết quả thực hiện và hiệu quả của công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tới bạn đọc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

PV: Thưa ông, theo chỉ đạo của EVN thì đến tháng 6 – 2010, sẽ phải kết thúc việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để các đơn vị ngành Điện trực tiếp quản lý, bán điện đến từng hộ dân, vậy kế hoạch đó đã được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đã triển khai tiếp nhận lưới điện hạ áp ở tất cả các địa phương trên cả nước để tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn. Phương thức tổ chức triển khai theo từng bước với nhiều chương trình khác nhau, căn cứ vào khả năng thực hiện, khả năng tài chính trong đầu tư và cải tạo lưới điện sau khi tiếp nhận của EVN. Các chương trình tiếp nhận bao gồm toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn; lưới điện các nông, lâm trường; lưới điện thủy nông; tiếp nhận dần lưới điện hạ áp nông thôn...

Cùng với các chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn bằng các nguồn vốn của EVN và thông qua các tổ chức tín dụng cả trong nước, ngoài nước trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Kết quả, đến tháng 6/2010, các CTĐL đã tiếp nhận LĐHANT do các tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn bàn giao tại 3.703 xã, với 4,1 triệu hộ sử dụng điện ở nông thôn. Tính đến nay, EVN đã tiếp nhận lưới điện tại 7.948/8.877 xã (đạt 89,6% kế hoạch), đồng thời bán điện trực tiếp khoảng 10 triệu hộ nông thôn (bằng 73% số hộ nông thôn có điện). Hiện nay, số xã chưa bàn giao LĐHANT còn khoảng 1.854 xã, trong đó có 654 xã được UBND tỉnh xác định là đủ điều kiện bán lẻ theo quy định và khoảng 1.200 xã trong dự án REII. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành tiếp nhận LĐHANT tại những xã còn lại của các địa phương chưa bàn giao trong năm 2010, rất cần có sự đồng thuận cao, sự kiểm tra và chỉ đạo sát sao từ phía chính quyền các cấp và các sở ban ngành có liên quan tại địa phương thì mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chính phủ đã chỉ đạo. 

PV: Ông có thể cho biết, những khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Rất khó khăn vì nhiều tổ chức điện nông thôn địa phương được hưởng lợi từ cơ chế giá điện (ngành điện lỗ nhưng hộ nông thôn không được hưởng trợ giá của Chính phủ) nên không muốn bàn giao.

Tại các tỉnh/thành phố, Sở Công Thương là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát các đơn vị bán lẻ điện trong việc thực hiện giá bán điện. Trường hợp phát hiện các đơn vị không đáp ứng đủ điều kiện quy định thì có trách nhiệm tiến hành đình chỉ hoạt động của các tổ chức vi phạm, báo cáo UBND cấp tỉnh thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực để bàn giao cho các CTĐL bán điện trực tiếp đến hộ. Tuy nhiên, nhiều Sở Công Thương chậm triển khai, thậm chí, có tổ chức tuy đã đã xác định là không đủ điều kiện kinh doanh điện nông thôn nhưng không thực hiện bàn giao cho CTĐL. Đối với các đơn vị này, CTĐL vẫn phải tiếp tục áp giá bán buôn điện nông thôn bậc thang và không thể ngừng cấp điện do ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh đó, còn có khoảng 800 xã trong dự án REII đã hoàn thành và bàn giao cho các tổ chức quản lý điện nông thôn, trong đó có rất nhiều đơn vị không đủ điều kiện bán lẻ điện theo giá bậc thang. Một số UBND tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 1100/BCT-NL ngày 27/01/2010 yêu cầu UBND cấp tỉnh phải thông báo cho tổ chức bán điện nông thôn ở các xã có dự án REII về giá trị vốn đầu tư vào lưới điện sẽ chuyển giao cho Tổ chức này; các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn cách tính toán, phân tích phương án kinh doanh (phân tích dòng tiền, phương án trả nợ, chi phí quản lý, kỹ thuật vận hành, khả năng xử lý sự cố khi gặp bão lũ, ....); đánh giá tính bền vững khi về lâu dài giá bán điện sẽ không còn bù lỗ. Qua đó, giúp các tổ chức bán điện và xã viên ý thức được rủi ro và khó khăn sau khi tiếp nhận vốn và tài sản lưới điện được đầu tư trong dự án để từ đó có quyết định bàn giao lưới điện cho CTĐL quản lý.

PV: Vậy hiệu quả nổi bật của chương trình tiếp nhận lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn là gì, thưa ông? 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành Điện đầu tư, tiếp nhận, quản lý lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn đã mang lại hiệu quả to lớn cho người dân sử dụng điện, doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội, cụ thể:

Đối với hộ sử dụng điện nông thôn thì được hưởng thụ trực tiếp chính sách giá điện của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được thực hiện triệt để, không phải mua điện thông qua các tầng nấc trung gian. Các hộ gia đình sẽ không phải đóng góp hàng năm vào các khoản chi phí cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua sắm công tơ khi có nhu cầu được cấp điện, bởi sau khi tiếp nhận, EVN có trách nhiệm đầu tư lưới điện với chất lượng tốt và an toàn, điện áp luôn ổn định. Lưới điện được cải tạo sẽ giải quyết được tình trạng mất an toàn cho người và động vật như đã diễn ra ở nhiều địa phương trước đây.

Đối với ngành Điện, thành công nhất là kiểm soát được hệ thống lưới điện nông thôn, dễ dàng trong việc cung ứng điện, giảm thiểu tổn thất điện năng. Trước đây khi các Tổ chức quản lý điện địa phương quản lý lưới điện, tổn thất điện năng có những xã lên đến trên 40%, nhưng sau khi tiếp nhận ngành Điện sẽ dần phải đưa về theo chỉ tiêu của Nhà nước (giảm xuống dưới 10%). Ở góc độ kinh tế, giảm tổn thất điện năng giúp EVN có thêm nguồn điện để cung cấp cho nhu cầu xã hội, giảm áp lực thiếu điện vẫn diễn ra, thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ.

Hiệu quả đối với Nhà nước và toàn xã hội là, lưới điện nông thôn thuộc loại đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả về chính trị - văn hóa - xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài, nâng cao dân trí, cùng với sự phát triển giao thông, cung cấp nước sạch, ..., điện sẽ góp phần thúc đẩy sự tập trung dân cư ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm bớt sự gia tăng dân số và giảm sức ép di dân vào các đô thị.

Cải tạo lưới điện nông thôn ở Bình Định

PV: Thưa ông, đâu là vấn đề nảy sinh sau khi tiếp nhận? Biện pháp xử lý các phát sinh đó?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Công tác thay thế và tổ chức kiểm định lại toàn bộ số lượng công tơ điện với số lượng lớn, trong khi nguồn công tơ hiện nay đáp ứng không đủ. Đây là vấn đề phải thực hiện theo Pháp lệnh Đo lường và yếu tố quyết định để giảm tổn thất điện năng (TTĐN) lưới điện hạ áp (tỷ lệ 25% sau tiếp nhận là quá cao). Các Công ty phải có kế hoạch khẩn cấp để hạ thấp chỉ tiêu này bằng việc đầu tư thêm bàn kiểm định công tơ; tập trung nhân lực và mua thêm công tơ mới để thay thế, vì hầu hết công tơ cũ mới tiếp nhận đều không đạt tiêu chuẩn.

Do hầu hết lưới điện của địa phương được đầu tư từ lâu, không được chủ tài sản cải tạo, sửa chữa thường xuyên nên lưới điện rất cũ nát. Do đó, khi tiếp nhận, các CTĐL phải cần một lượng vốn lớn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, thay thế các công tơ cũ, nát, không đảm bảo chất lượng... Vì vậy, đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận thực hiện của các đơn vị. Ngoài ra, khi tiếp nhận LĐHANT, do lưới điện hầu hết đã cũ, nát nên TTĐN tăng cao.

Sau khi tiếp nhận LĐHANT, một khối lượng lớn đường dây, trạm biến áp và khách hàng tăng thêm, đòi hỏi phải tuyển dụng thêm số lượng lao động nhất định để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh điện. Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm bán cho các hộ tiêu thụ điện nông thôn không những không tăng mà còn giảm (do lượng điện TTĐN trên lưới hạ áp khi bán lẻ không tính vào thương phẩm của EVN). Do đó, đã làm ảnh hưởng đến năng suất lao động của các CTĐL khi xây dựng kế hoạch tiền lương năm.

Chi phí trực tiếp của CTĐL để tổ chức quản lý vận hành, khi lượng khách hàng tăng đột biến; số lượng công tơ điện quản lý tăng lên; tăng thêm khối lượng km đường dây hạ áp cũng như chi phí và tổ chức lực lượng nhân viên quản lý điện cũ của địa phương tham gia tổ hoạt động dịch vụ bán lẻ điện năng do số lượng người tham gia, tổng chi trả tiền công dịch vụ, tổng kinh phí trang bị, đào tạo.

Các CTĐL còn phải chịu sức ép từ các chính quyền địa phương về việc tiếp nhận cả lực lượng lao động đang khai thác, mà đa số những người tham gia hoạt động kinh doanh điện của các tổ chức điện nông thôn đều không đáp ứng được yêu cầu về học vấn và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ.

PV: Vậy EVN có đề xuất và kiến nghị gì với Nhà nước và địa phương?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sau tiếp nhận, nhu cầu bức thiết về vốn để đầu tư cải tạo là rất lớn, vì vậy, đề nghị Chính phủ bố trí các nguồn vốn vay ưu đãi cho EVN thực hiện Chương trình. Mặt khác, việc tiếp nhận LĐHANT, các CTĐL phải đầu tư một lượng vốn lớn để cải tạo, nâng cấp lưới điện, thay thế các công tơ hỏng, không đảm bảo chất lượng, tăng thêm các chi phí về quản lý, vận hành lưới điện, trong khi sản lượng điện tiêu thụ của các hộ dân nông thôn sau khi tiếp nhận hầu như không tăng so với trước khi tiếp nhận, do đó, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị. Đề nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội khi xây dựng kế hoạch tiền lương trước năm 2011, cho phép các CTĐL chỉ cần đảm bảo lợi nhuận, còn từ năm 2011 trở đi, sau khi đã hoàn thành chương trình tiếp nhận, các CTĐL sẽ xây dựng kế hoạch đơn giá tiền lương theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

EVN cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan tại địa phương rà soát lại các tổ chức quản lý điện nông thôn không đảm bảo yêu cầu bán điện theo quy định (cụ thể là Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 05/2009/TT-BCT và 08/2010/TT-BCT Quy định về giá bán điện của Bộ Công Thương), cần sớm bàn giao lưới điện cho các CTĐL bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thái Linh