Sự kiện

Công ty CP Dịch vụ Sửa chữa nhiệt điện miền Bắc (NPS): Khẳng định thương hiệu trên thị trường dịch vụ kỹ thuật bảo trì, sửa chữa điện

Thứ hai, 23/8/2010 | 10:43 GMT+7

Năm 2009 là năm Công ty CP Dịch vụ Sửa chữa nhiệt điện miền Bắc gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thị trường dịch vụ hạn hẹp, đa số các nhà máy nhiệt điện trong tổng sơ đồ VI đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành hoặc đang chạy bảo hành. Mặt khác, do thiếu nguồn gay gắt, các nhà máy thủy điện phải tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn phát nhiệt điện phải huy động tối đa để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, do vậy, một số tổ máy của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) - khách hàng chính của Công ty, chưa tách thiết bị để đại tu theo kế hoạch, nên Công ty không thực hiện được một số hợp đồng đã ký với PPC. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty cũng còn thiếu, trụ sở làm việc cũng như các phân xưởng, xí nghiệp còn phải thuê, mượn. Năm vừa qua, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của NPS…

Ông Nguyễn Hữu Hằng - Giám đốc Công ty cho biết: Để vượt lên khó khăn, ổn định và tạo đà cho phát triển lâu dài, Công ty đã tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, tích cực thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Uông Bí; đồng thời, tăng cường rà soát công tác đấu thầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong đầu thầu và gia công chế tạo cơ khí như hợp tác liên danh có tính chiến lược với Công ty TNHHNN MTV Chế tạo cơ khí Hà Nội. Để cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao và vật tư kỹ thuật đặc chủng, Công ty thực hiện các thoả thuận đã ký, liên danh hợp tác với các đối tác nước ngoài như Hitachi, Sumimoto, Nishinipon (Nhật Bản), Power Machine, Daltex (Liên bang Nga), Fang Chung Thiết Linh (Trung Quốc)…; Tiếp tục triển khai mở rộng thị trường dịch vụ kỹ thuật bảo trì sửa chữa với các công ty phát điện trong và ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như: Công ty Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt địên Cao Ngạn…; xây lắp điện cho Nhà máy Xi măng Hạ Long và các chủ đầu tư khác; bên cạnh đó chú trọng tổ chức kiện toàn và ổn định Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa Uông Bí để thực hiện công tác dịch vụ kỹ thuật sửa chữa thường xuyên, khắc phục sự cố các thiết bị của dây chuyền Uông Bí mở rộng 1; thành lập Phòng Kinh doanh & Đầu tư, Văn phòng đại diện Công ty tại Hà Nội để tập trung, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh trong công tác đấu thầu.

Vượt qua khó khăn, thắng thầu nhiều công trình lớn

Với các giải pháp phù hợp và sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, Ban Giám đốc và nỗ lực cao của CBCNV, năm 2009, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 63 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng, bảo toàn vốn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật sửa chữa thường xuyên với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Uông Bí được thực hiện tốt với giá trị gần 40 tỉ đồng. Đây là những hợp đồng mang tính chủ lực và quan trọng, được Công ty quan tâm đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật kịp thời, có chất lượng, đáp ứng phương thức vận hành của thiết bị, ổn định nguồn điện.

Trong công tác sửa chữa lớn, Công ty đã tham gia đấu thầu có hiệu quả, thắng thầu 40 hợp đồng với các công ty: CP Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà máy Xi măng Hạ Long, Công ty Super Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, Công ty Hoá chất và Phân đạm Bắc Giang… đưa tổng doanh thu của Công ty không ngừng tăng cao.

Trong công tác đầu tư xây dựng, Công ty đã sửa chữa, cải tạo xong cơ sở làm việc tại khu Đồi cao để chuyển văn phòng của Công ty từ khu nhà của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại tới nơi mới; Hoàn thiện đề cương kỹ thuật và khái toán kinh phí dự án xây dựng dây chuyền đúc sản lượng 6.000 tấn/năm; đang thương thảo hợp đồng dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư và triển khai lập đề cương quy hoạch nhà xưởng khu Huyndai.

Công ty còn đầu tư góp vốn trung hạn (20% vốn điều lệ) vào Công ty CP Phụ gia bê tông Phả Lại (Phalami). Công ty này đã đi vào sản xuất từ tháng 8/2009, kinh doanh có lãi, trả cổ tức 12% và đang làm các thủ tục mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch nhẹ. Trong đầu tư dài hạn, Công ty góp vốn (bằng 4,3% vốn điều lệ) vào Công ty CP Hùng Lợi (HPC). Công ty này đang làm đường, lắp đặt hệ thống điện, đánh giá tác động môi trường và vay vốn, chuẩn bị khởi công dự án.       

 
Một số kiến nghị

Giám đốc NPS Nguyễn Hữu Hằng cho rằng: Kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty trong năm 2009 vẫn còn thấp, chưa được như mong muốn, ngoài các nguyên nhân khách quan còn do năng lực và kinh nghiệm của Công ty còn hạn chế do mới thành lập theo mô hình mới của EVN. Vì thế, theo đề án thành lập Công ty tháng 4/2007 đã được HĐQT Tập đoàn EVN phê duyệt, Công ty mong muốn được Tập đoàn quan tâm chỉ đạo đại điện phần vốn của EVN tại các Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh và một số nhà máy khác, tạo điều kiện để Công ty được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thường xuyên và sự cố. Do thiết bị của Nhiệt điện Phả Lại đã qua nhiều chu kỳ sản xuất, việc trùng tu, đại tu không tách thiết bị để thực hiện đúng thời gian do yêu cầu của hệ thống, nên công việc sửa chữa thường xuyên, sự cố luôn xảy ra với tần suất tăng 1,8 lần so với các năm trước, CBCNV của Công ty phải tăng thời gian làm việc trong các ca mới đáp ứng yêu cầu. Riêng các trường hợp giải quyết sự cố trong ca 3 tăng nhiều lần so với trước. Từ thực tế này, NPS đề nghị PPC điều chỉnh lại đơn giá nhân công trực tiếp trong Hợp đồng sửa chữa thường xuyên năm 2010 bằng việc bổ sung áp dụng K điều chỉnh của lực luợng sửa chữa thường xuyên của NPS bằng với K điều chỉnh của lực lượng vận hành sản xuất điện của PPC.

Giải pháp chiến lược

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 với tổng doanh thu ước khoảng 95 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 3 tỷ đồng, cổ tức 6% và tạo đà cho bước phát triển bền vững những năm tiếp theo, NPS tiếp tục giữ vững thị trường dịch vụ kỹ thuật bảo trì, sửa chữa thiết bị điện đã có với Nhiệt điện Phả Lại và Uông Bí mở rộng 1, tăng cường mở rộng, phát triển thị trường với các công ty phát điện trong và ngoài EVN; tiếp tục liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước để đào tạo bổ sung nguồn nhân lực và mở rộng hoạt động của Công ty sang các lĩnh vực công nghiệp khác.

Để khẳng định vị thế và phát triển thương hiệu trên thị trường dịch vụ kỹ thuật bảo trì, sữa chữa thiết bị điện, Giám đốc Nguyễn Hữu Hằng khẳng định: Công ty tiếp tục duy trì kiểm soát việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn IS0 9001:2000 và hoàn thiện hệ thống quy trình kỹ thuật chuẩn phục vụ công tác chuyên môn; hoàn thiện việc xây dựng phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn IS0/IEC 17025:2005; rà soát, hoàn thiện bổ sung, sửa đổi các quy chế khoán chi phí theo hướng tăng cường phân cấp cho các đơn vị cơ sở. Tập trung giải quyết các thủ tục đầu tư, cấp phép để lắp đặt dây chuyền đúc bi và tấm lót máy nghiền than sản lượng 6.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng; tập trung quy hoạch, sửa chữa nhà xưởng khu Huyndai để sớm chuyển máy móc thiết bị từ PPC về; bổ sung mua sắm trang thiết bị cần thiết để mở rộng dịch vụ kỹ thuật.

Với những giải pháp phù hợp đã được HĐQT và Ban Giám đốc đưa ra, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực cao của CBCNV, chắc chắn, Công ty CP Dịch vụ sửa chữa điện miền Bắc sẽ khẳng định được vị thế, trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường dịch vụ kỹ thuật, bảo trì và sửa chữa điện. 

Lê Thu