Sự kiện

Dự án năng lượng nông thôn II đang về đích

Thứ tư, 1/9/2010 | 11:04 GMT+7

Sau 5 năm triển khai thực hiện rất nhiều khó khăn ban đầu ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch, Dự án năng lượng nông thôn II đã đi được ¾ chặng đường và đến nay đang bước vào giai đoạn nước rút.


 
Đóng điện xã Canh Liên, tỉnh Bình Định thuộc dự án RE II

Ngày 17/06/2005, Nước CHXHCN Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế ký hiệp định tín dụng phát triển Dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) sử dụng nguồn vốn vay 220 triệu USD của Ngân hàng thế giới để đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới điện nông thôn, nâng cao năng lực quản lý điện hạ thế, nhằm cải thiện dịch vụ, chất lượng cung ứng điện năng cho khu vực nông thôn. Là Dự án có rất nhiều chủ đầu tư: các Tổng Công ty điện lực miền làm chủ đầu tư phần trung áp, các tỉnh làm chủ đầu tư phần hạ áp (22 tỉnh).

Tổng Công ty điện lực miền Trung được giao làm chủ đầu tư phần trung áp của 6 tỉnh gồm Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; với qui mô 804 km đường dây trung áp, 1.223 TBA, tổng dung lượng 188.157 kVA trải rộng trên địa bàn 235 xã. Tổng vốn đầu tư 406 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB 283 tỷ đồng. Đến nay khối lượng thi công toàn dự án đạt trên 96%, đã đóng điện 222 xã.

Những khó khăn đã vượt qua:

Dự án bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2005, trong quá trình triển khai Dự án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, đầu tiên là do cùng 1 dự án trên địa bàn 1 tỉnh nhưng lại có 2 chủ đầu tư nên đòi hỏi phải có sự phối hợp để đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa phần trung áp và hạ áp dẫn, việc này làm cho thời gian khảo sát thiết kế kéo dài. Rồi dự án triển khai trong thời điểm khủng khoảng kinh tế (cuối năm 2007 đến đầu 2009), sau khi đấu thầu ký hợp đồng thi công xây lắp thì xảy ra bão giá, các nhà thầu trì hoãn không triển khai thi công, chờ đợi có sự điều chỉnh giá (do theo thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ xây dựng) nhưng không được WB chấp thuận cho phép điều chỉnh. Ban QLDA phải chấm dứt 33 hợp đồng và tổ chức đấu thầu lại theo đơn gía điều chỉnh để giải quyết tình trạng biến động giá giá nguyên vật liệu trong quá trình thực hiện hợp đồng. Còn nhiều khó khăn vướng mắc khác như tuyến đường dây vướng lộ giới giao thông, điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của các địa phương, Nhà thầu quá tải, ... nhưng phải nói rằng khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hầu hết các xã của dự án REII là những xã đã có điện nên các chính quyền xã không còn mặn mà trong việc vận động người dân chủ động giải phóng mặt bằng. Việc lập phương án đền bù và phê duyệt phương án đền bù của hầu hết các huyện quá chậm; lưới điện trung áp qua nhiều địa bàn, nhiều khu vực dân cư hành lang tuyến hẹp, địa hình phức tạp, việc đào móng trụ gặp sự cản trở của người dân… nên phải điều chỉnh khiến dự án chậm tiến độ. Một nguyên nhân nữa đó là người dân không nhiệt tình hợp tác thậm chí tự ý trồng cây, xây dựng, cơi nới nhà cửa dưới hành lang tuyến. Người dân đã nhận tiền đền bù cây, đất thuộc phạm vi đường dây và hành lang tuyến đi qua, nhưng họ không chịu giải phóng, bàn giao lại mặt bằng (theo quy định của phương án đền bù là người dân sau khi nhận tiền đền bù phải tự chặt cây cối, tận thu sản phẩm, giao lại mặt bằng cho dự án). Có một thực tế là tiền đền bù cây cối thuộc dự án chỉ xấp xỉ bằng tiền công thuê người chặt cây, thậm chí có những hạng mục thấp hơn tiền thuê công chặt nên người dân lấy nhiều lý do để không thực hiện.

Ban QLDA xác định trách nhiệm chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc về chủ đầu tư. Vì vậy ngay từ khi giao tuyến cho các nhà thầu Ban quản lý dự án đã cử cán bộ phối hợp với UBND các huyện, hướng dẫn UBND các xã trong vùng dự án thực hiện kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng, 1 số xã ở tỉnh Phú Yên cán bộ Ban QLDA phải trực tiếp chi trả tiền đền bù cho dân và chặt cây. Ban đề xuất Tổng Công ty điện lực miền Trung có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có tham gia dự án tập trung xử lý các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác thuộc phạm vi địa phương, để nhà thầu thi công đúng tiến độ. Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết. Tỉnh Quảng Bình 100% xã đã phê duyệt phương án đền bù và chi trả tiền đền bù, chỉ còn lại 1 vài nhánh rẽ đường dây chờ phê duyệt bổ sung giá trị đền bù phần hành lang tuyến; tỉnh Thừa Thiên Huế còn 1 phương án bồi thường về đất đai cho các hộ dân 5 xã huyện Phong Điền. Tỉnh Quảng Nam còn 1 xã chưa duyệt phương án đền bù và đang chi trả tiền đền bù cho 8 xã huyện Núi Thành và Tiên Phước. Tỉnh Quảng Ngãi còn chờ phê duyệt phương án đền bù bổ sung một số nhánh rẽ TBA ở 16 xã. Tỉnh Bình Định còn 3 xã huyện An Lão đang tiến hành giải phóng rừng. Tỉnh Phú Yên chỉ còn vướng hành lang tuyến ở một vài vị trí cột điện.

Các vướng mắc còn lại trong đền bù giải phóng mặt bằng đã được các địa phương cam kết phối hợp giải quyết trong đợt kiểm tra đánh giá tiến độ Dự án của đoàn Ngân hàng thế giới, Bộ công thương, EVN (từ ngày 16-20/08/2010).

Tiến độ về đích:

Những khó khăn vướng mắc đã cơ bản được giải quyết vấn đề còn lại ở nhà thầu thi công xây lắp. Trong thời gian vừa qua Ban QLDA yêu cầu các Nhà thầu cam kết tập trung nhân vật lực để thi công hoàn thiện các công việc còn lại để đóng điện các công trình. Tại tỉnh Quảng Bình khối lượng thi công đạt 98%; trong 30 xã thì có 22 xã đã đóng điện 100%, 5 xã đóng điện 1 phần còn lại 22 trạm biến áp Nhà thầu đang hoàn thiện công tác lắp đặt và hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật để đóng điện trước ngày 15/09/2010. Tỉnh Thừa Thiên Huế 29/29 xã đã đóng điện, khối lượng thi công đạt 96% tuy nhiên vẫn còn 33 TBA chưa đóng điện, trong đó 27 TBA đã thi công hoàn thành đang hoàn thiện lắp đặt và lập hồ sơ kỹ thuật để nghiệm thu đóng điện trong tháng 09/2010. 6 TBA còn lại đang gấp rút thi công để hoàn thành trước 30/09/2010. Tỉnh Quảng Nam thi công đạt 96% khối lượng, đóng điện 44/51 xã, còn 7 xã và 40 TBA chưa đóng điện, hiện đang chi trả tiền đền bù dự kiến đến ngày 30/09/2010 sẽ đóng điện 24 TBA, 11 TBA sẽ đóng điện trong tháng 11/2010, các TBA còn lại sẽ đóng điện trong tháng 12/2010. Tỉnh Quảng Ngãi khối lượng thi công đạt trên 95%, đã đóng điện 72/72 xã, nhưng vẫn còn 118 TBA chưa đóng điện, hiện Ban QLDA ứng tiền trước chi trả cho các hộ dân trong khi chờ địa phương phê duyệt phương án đền bù bổ sung để các Nhà thầu hoàn thiện công tác lắp đặt đóng điện trước 30/09/2010. Tỉnh Bình Định khối lượng thi công đạt 98% đóng điện 20/23 xã, còn 3 xã với 7 TBA đang giải phóng rừng và cũng sẽ hoàn thành đóng điện trước 30/09/2010. Tỉnh Phú Yên đóng điện 31/31 xã, khối lượng thi công đạt 98% còn lại 16 TBA các nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện để đóng điện trước 30/09/2010

Như vậy tất cả các tỉnh của dự án sẽ lần lượt về đích trong năm 2010 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của Hiệp định Dự án kết thúc vào năm 2011.

Và cần một sự đồng bộ để Dự án được trọn vẹn:

Như đã nêu trên, do có 2 chủ đầu tư khác nhau nên thời gian triển khai thi công của phần trung áp và hạ áp của cùng 1 xã khác nhau nên dẫn đến tình trạng phần trung áp thi công xong nhưng phải chờ phần hạ áp và ngược lại. Qua thống kê, hiện tại nhiều TBA đã hoàn thành đóng điện nhưng không có tải, do phần lưới điện hạ áp vẫn chưa thi công xong. Như tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 TBA, tỉnh Quảng Nam 50 TBA. Quảng Ngãi 165 TBA, tỉnh Bình Định 10 TBA, tỉnh Phú Yên 21 TBA. Sự không đồng bộ này gây nên sự lãng phí, không phát huy hiệu quả của Dự án ngay khi hoàn thành, ngoài ra để giữ tài sản khỏi bị mất cắp Tổng Công ty điện lực miền Trung phải đóng điện không tải đường dây và TBA làm tăng thêm tổn thất điện năng trên lưới. Thời gian đến cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ phần hạ áp đồng bộ với tiến độ trung áp để dự án được phát huy hiệu quả một cách trọn vẹn.

Theo: EVNCPC