Sự kiện

Tạo bước đột phá trong phát triển năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 10/9/2010 | 09:56 GMT+7

Được đánh giá là có tiềm năng lớn song nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam mới khai thác đạt khoảng 12.000MW (chiếm 1% tổng công suất điện cả nước).


Tua bin gió ở Bình Thuận

Trong điều kiện nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng lên nhanh chóng, nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa đang ngày càng cạn kiệt do được khai thác và sử dụng mạnh mẽ thì việc phát triển mạnh NLTT không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần đa dạng hoá nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Số liệu từ Trung tâm tư vấn năng lượng cho thấy, ở Việt Nam, các nguồn năng lượng gió có tiềm năng 1.800 MW, mặt trời 4-5 kWh, khí sinh học hơn 150 MW, sinh khối hơn 800MW, rác thải 350MW, địa nhiệt 340MW, năng lượng thủy điện nhỏ dưới 30MW có tiềm năng khoảng 4.000MW/năm. Theo các chuyên gia, ưu điểm của các dự án này là có thời gian xây dựng nhanh hơn so với các dự án điện sử dụng năng lượng truyền thống, có thể tạo ra nguồn điện ngoài lưới tại chỗ, rẻ tiền, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu được đầu tư phát triển đúng hướng, nguồn NLTT này có thể góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề năng lượng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế việc khai thác NLTT ở nước ta còn rất ít, chủ yếu tập trung ở 3 dạng: sinh khối, đun nóng bằng năng lượng mặt trời và khí sinh học. Trong đó năng lượng dạng sinh khối chiếm một tỷ trọng lớn trong việc cung cấp 70% năng lượng cho các hộ gia đình nông thôn, chủ yếu là đun nấu, chế biến nông hải sản. Nhiệt mặt trời tập trung ở khu đô thị và đã lắp đặt được trên 180.000m2 mặt thu – đạt 36 - 54 triệu kwh/năm. Năng lượng sinh học rất hạn chế, năng lượng gió cũng đang dừng ở bước thăm dò. Theo tiến sĩ Đoàn Văn Tuyến (Viện Địa chất), vùng đồng bằng sông Hồng ở độ sâu 3.000 m, nhiệt độ lên tới 140 độ C. Trong khi sản lượng điện thương phẩm ở Hà Nội lên tới 5 tỷ kWh/năm, trong đó gần 1 nửa trong số này số này dùng cho điều hòa. Nếu dùng công nghệ bơm nhiệt đất (giá tương đương lắp điều hòa nhiệt độ) sẽ tiết kiệm được 0,8 tỷ kWh. Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm 800 tỷ đồng/năm mà còn giảm phát thải hơn 250.000 tấn CO2.

Khó khăn từ nhiều phía

Theo Chiến lược phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo sẽ được tăng lên 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, khoảng 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. 100% các hộ gia đình có điện vào 2020, trong đó sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo hướng thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời… Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất cho sự phát triển NLTT hiện nay là giá thành cho sản xuất cao hơn nhiều so với những loại năng lượng hóa thạch truyền thống.

Nguyên nhân là việc đầu tư sản xuất các nguồn năng lượng như điện gió, nhiệt điện, điện mặt trời đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ thuật cao. Hầu hết các thiết bị và linh kiện liên quan đến sản xuất NLTT đều phải nhập khẩu. Việc khai thác còn mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Nhất là các nguồn NLTT phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và mùa vụ (nắng, gió, nước…) trong khi khí hậu Việt Nam khá phức tạp. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các nguồn này còn thiếu, tản mạn, không được cập nhật, thiếu kinh phí đầu tư cho điều tra nguồn sơ cấp. Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển, các giải pháp thực hiện vừa yếu, vừa thiếu, lại chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. Nhất là giá điện bán ra hiện nay còn thiếu thống nhất, sự khó khăn trong xây dựng hệ thống truyền tải ngoài lưới cũng đang là thách thức lớn cho các nhà đầu tư.

Cần cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước

Theo các chuyên gia, để phát triển NLTT, cần có cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá quy định, cơ chế đấu thầu hợp đồng và cơ chế tín dụng thuế… nhằm làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Việc quy định giá cho từng loại NLTT sẽ khuyến khích phát triển những công nghệ NLTT cho những mục tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc biệt ưu tiên về tài chính, công nghệ thiết bị và hợp tác quốc tế cũng như chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT để các thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành NLTT cũng là vấn đề phải được quan tâm ngay từ bây giờ.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng- Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc khai thác NLTT cần sớm được hoạch định mang tính chiến lược ở cấp quốc gia và phải phát triển theo lộ trình cụ thể. Nên khẩn trương thành lập các tổ chức chuyên trách để điều tra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và đánh giá cụ thể các dạng NLTT, phân vùng và khai thác hợp lý. Đặc biệt, cần lồng ghép chương trình sử dụng NLTT với các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, điện khí hóa nông thôn; có cơ chế ưu tiên, giúp đỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu các loại thiết bị năng lượng mới và tái tạo cũng như chuyển giao công nghệ để lắp ráp thiết bị như hệ thống pin mặt trời, điện gió. Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, xây dựng và chạy thử ứng dụng NLTT. Quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về ứng dụng NLTT cũng cần được bảo hộ chặt chẽ.

Các bộ, ngành đã sẵn sàng vào cuộc

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, việc phát triển ngành công nghiệp NLTT ở Việt Nam sẽ góp phần rất lớn vào tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm và đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, góp phần giảm biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đóng góp cho việc hoàn thành mục tiêu sử dụng NLTT. Chính phủ đã, đang tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và khuyến kích các hoạt động của các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nói chung và lĩnh vực NLTT nói riêng trên cơ sở đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện bộ khung pháp lý về phát triển và sử dụng NLTT Việt Nam. Trong đó có dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng mới và tái tạo Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; dự thảo nghị định khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT; Dự thảo nghị định đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, nhiều giải pháp và chính sách đang được đề xuất và soạn thảo như: lập quỹ phát triển năng lượng tái tạo và văn phòng phát triển năng lượng tái tạo; các biện pháp phát triển ưu đãi khuyến khích phát triển năng lượng đối với khu vực tư nhân…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cũng cho biết: “Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất những chương trình, đề tài nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng để đóng góp thêm những kết luận, cơ sở khoa học, căn cứ cho lĩnh vực này. Bộ cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu triển khai các thành tựu công nghệ của Việt Nam hoặc thế giới về năng lượng tái tạo.”

Mới đây, Công ty Cenergy Power, một trong những công ty năng lượng hàng đầu tại Mỹ, đã đưa ra kế hoạch sẽ chuyển giao công nghệ năng lượng mặt trời vào Việt Nam. Thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC) và SN Power, công ty hàng đầu của Na Uy trong ngành công nghiệp năng lượng cũng vừa công bố thỏa thuận chung phát triển các dự án năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam.

Hy vọng rằng, với những chính sách hợp lý, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành và sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn NLTT ở Việt Nam sẽ tạo được bước đột phá trong việc khai thác tích cực và hợp lý hơn, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện trước mắt và trong tương lai, bảo vệ và phát triển môi trường ngày càng bền vững.

Theo: CôngThương