Sự kiện

Thủy điện Sơn La và những cảm nhận

Thứ tư, 1/12/2010 | 13:48 GMT+7

Ngắm nhìn công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La cao sừng sững với gần 5 triệu m3 bê tông như một bức tường chắn ngang dòng sông Đà dữ dội, kề bên những dãy núi trập trùng, với 4 cửa xả nước sâu đang gầm gào, bọt tung trắng xóa, tôi cảm nhận được phần nào sự kỳ vĩ của nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông nam Á. Với công suất lắp máy 2.400 MW gồm 6 tổ máy, diện tích hồ chứa 224 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỉ m3 nước, điện lượng bình quân hàng năm trên 10,2 tỉ kWh, Thủy điện Sơn La không chỉ là niềm tự hào của ngành Điện Việt Nam mà còn là niềm tự hào của cả nước.

Sau 5 năm từ ngày khởi công ( 02/12/2005 ), khắc phục muôn vàn khó khăn thử thách, tập trung sức người sức của, đến nay khối lượng đồ sộ các công việc xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La đang hoàn tất. Đã cơ bản hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình; cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng tiến độ xây dựng, đã hoàn thành cung cấp thiết bị chính các tổ máy số 2 và số 3; đổ bê tông đầm lăn đập dâng 2.682.550/2.682.550 m3 đạt 100 % khối lượng thiết kế; đổ bê tông thường công trình chính 2.126.500/2.151.800 m3; lắp đặt thiết bị và chi tiết đặt sẵn 40,59/75,98 tấn; di dân tái định cư, thu dọn lòng hồ và dự án các công trình giao thông tránh ngập cơ bản hoàn thành, đảm bảo yêu cầu tích nước hồ chứa. Hiện hồ chứa đã tích nước đến cao độ 189 mét đủ điều kiện phát điện tổ máy số 1. Ngày 18/11/2010 tổ máy số 1 chạy không tải thành công...

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết: Căn cứ sơ đồ khởi động tổ máy số 1 và tình hình thi công trên công trường, tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La đủ điều kiện phát điện lên lưới điện quốc gia dự kiến vào khoảng từ ngày 15 đến 25/12/2010 ( trước 2 năm với tiến độ Quốc hội đề ra ).

Đối với các nhà máy thủy điện khác, việc phấn đấu hoàn thành tiến độ đã là may bởi có không ít nhà máy thủy điện thông thường chậm tiến độ một vài năm. Điều đó càng trân trọng gấp nhiều lần khi Nhà máy Thủy điện Sơn La không chỉ hoàn thành tiến độ mà còn vượt tiến độ 2 năm. Theo tính toán của các chuyên gia, việc phát điện tổ máy số 1 với công suất 400 MW sớm hai năm so với tiến độ ban đầu không chỉ làm lợi cho đất nước khoảng 2 tỉ USD mà còn góp phần khắc phục thiếu công suất của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là mùa khô năm 2011. Có được thành quả nêu trên , trước hết là sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự nổ lực vượt bậc của Chủ đầu tư là EVN, Tổng thầu Tập đoàn Sông Đà cùng các nhà thầu. Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình Thủy điện Sơn La luôn bám sát công trình, chỉ đạo điều hành các Bộ, ban, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dồn sức xây dựng. Tiếp đến là sự đóng góp sức lực, trí tuệ của hàng ngàn kỹ sư và công nhân Việt Nam trong 5 năm qua cùng với việc ứng dụng những công nghệ hiện đại đã và đang ngày đêm khẩn trương xây dựng. Điều đáng quý  của Thủy điện Sơn La không chỉ ở quy mô lớn nhất mà là công trình đầu tiên tất cả các khâu quan trọng như quy hoạch dự án, chủ trì thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thực hiện xây đập hay lắp đặt thiết bị của Nhà máy, chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục gian máy đều được đảm nhận bởi người lao động đến từ EVN, Sông Đà, Lilama, Cơ khí Quang Trung... Sau khi phát điện tổ máy số 1, các bên liên quan sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ phát điện 5 tổ máy còn lại. Dự kiến toàn bộ nhà máy được hoàn thành cuối năm 2012. Được biết: Sau khi phát điện tổ máy số 1, hầu hết lực lượng xây dựng chuyển đi xây dựng công trình khác, chỉ còn lại lực lượng lắp máy.

Đến với vùng đất Tây Bắc này tôi còn cảm nhận thêm điều thú vị khác, đó là lượng nước sử dụng để phát điện các tổ máy của Thủy điện Sơn La tiếp tục được dùng để phát điện các tổ máy Thủy điện Hòa Bình. Và trong tương lai không xa, với 5 bậc thang thủy điện gồm các Nhà máy thủy điện: Hòa Bình ( 1.920 MW ), Sơn La ( 2.400 MW), Lai Châu ( 1.200 MW), Huổi Quang ( 520 MW) và Bản Chát (180 MW), sông Đà đã và đang trở thành nguồn cung cấp thủy điện lớn nhất nước và thực sự là một kho vàng trắng, khiến mỗi giọt nước trước khi chảy ra biển phải 5 lần phát ra điện.

Thủy điện Sơn La hoàn thành và đi vào vận hành giúp Sơn La không còn heo hút, cheo leo, cách trở mà còn là cơ hội ngàn vàng không chỉ cho Sơn La mà cho cả vùng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Tư