Sự kiện

MBA 500 kV “made in Việt Nam”: Biến “không tưởng” thành hiện thực

Thứ sáu, 26/11/2010 | 15:16 GMT+7

Xưởng chế tạo máy biến áp 110 – 500 kV (Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh) sáng ngày 7/10/2010 nhộn nhịp, tưng bừng chào đón các đại biểu về dự Lễ gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long – máy biến áp 500 kV, đối lập hẳn với không khí nghiêm trang, “không phận sự miễn vào” của những ngày lao động thường nhật...

Là phóng viên ngành Điện, đã không ít lần tác nghiệp tại Công ty CP Thiết bị Điện Đông Anh (EEMC), nhưng đây là lần đầu tiên tôi và đồng nghiệp được “mục sở thị” xưởng chế tạo máy biến áp 500 kV của đơn vị, được ngắm nhìn tổ máy 500 “mới tinh tươm”. Một chút tự hào, xen lẫn… hồi hộp, vì để vào được gian chính của xưởng, chúng tôi phải đi qua một vài “lớp cửa” khá dày. Thú vị nhất là khi bước vào một khoảng không gian chỉ chừng 1m2, ban đầu cứ ngỡ là thang máy, nên chúng tôi thoáng giật mình khi đột nhiên thấy hệ thống gió khởi động ù ù. Khi gió ngừng thổi, cánh cửa kế tiếp mở ra toàn bộ không gian xưởng – sạch sẽ, bóng loáng, không một chút bụi, điều hòa mát dịu. Sau này khi trao đổi, trò chuyện với những người công nhân ở đây, chúng tôi được biết, đó là một trong những quy trình để đảm bảo cho môi trường trong xưởng sạch sẽ tối ưu, độ ẩm theo tiêu chuẩn - điều kiện để đảm bảo tuổi thọ cho máy.

Tiền đề từ những… hạt bụi

Nhắc đến những hạt bụi làm tôi nhớ đến bài viết đầy trăn trở của kỹ sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt, khi chị đảm nhiệm việc sửa chữa sự cố MBA 500 kV của Nhà máy Thủy điện Ialy cách đây 5 năm. Không ai có thể ngờ nguyên nhân chính là do những hạt bụi silicagel bé nhỏ. Thành công trong việc sửa chữa MBA 500 kV đã tạo động lực thúc đẩy việc chế tạo máy trong nước bởi hiện trên thế giới chỉ có một số nước chế tạo được MBA 500 kV nên giá thành nhập khẩu rất cao. Mặt khác, khi máy có sự cố thì việc sửa chữa rất khó khăn, phức tạp, phải thuê chuyên gia nước ngoài, thậm chí còn bị yêu cầu chuyển máy sang nước sản xuất để sửa chữa, tốn nhiều thời gian và chi phí lớn.

Một động lực khác là trong nhiều năm qua, CBCNV Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh đã chế tạo thành công hàng ngàn máy biến áp các loại, trong đó có MBA 110 kV và 220 kV, vận hành an toàn tại nhiều địa phương trong cả nước, chất lượng tương đương máy nhập khẩu mà giá thành và chi phí giảm khoảng 20%. Về thị trường, theo Quy hoạch điện VI, dự báo nhu cầu điện tăng cao, hệ thống lưới điện quốc gia cần xây dựng thêm hàng chục TBA 500 kV, kèm theo đó là nhu cầu không nhỏ các MBA 500 KV.

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt giới thiệu MBA 500 kV với các đại biểu.

Biến điều “không tưởng” thành hiện thực

Trên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Việt Nam sản xuất MBA 500 kV là điều “không tưởng” bởi ngay cả ở những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapo, Malaysia… cũng chưa có nước nào chế tạo được. Nhưng tập thể lãnh đạo và CBCNV Công ty quyết tâm làm bằng được. Ý tưởng nghiên cứu và chế tạo MBA 500 kV được quán triệt trong toàn Công ty, tập trung mọi nguồn lực cho công trình. Để triển khai thực hiện công trình đạt hiệu quả, Công ty đã tổ chức, áp dụng các giải pháp đồng bộ bao gồm từ khâu: Lập và hoàn thiện hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ, danh mục các tài liệu nghiên cứu của công trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước về chế tạo MBA 500 kV; cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có trình độ tay nghề cao tới các trạm biến áp 500 kV trong cả nước để tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành trạm, hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu tại Việt nam để hoàn tất các công đoạn từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo sản phẩm. Công ty đã cử nhiều đoàn công tác ra nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm, thuê chuyên gia tư vấn, lựa chọn đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị, vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành, các ngân hàng tài chính, thương mại để thu xếp nguồn vốn. Phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức khảo sát địa điểm xây dựng trạm (NPT là đơn vị mua MBA 500 kV đầu tiên do Công ty sản xuất), chuẩn bị lực lượng kỹ thuật để theo dõi quá trình thử nghiệm vận hành, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà xưởng kho tàng, tập kết vật tư thiết bị, tổ chức sắp xếp lại nguồn nhân lực để thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiến độ đề ra.

Công ty đã thành lập Hội đồng nghiên cứu chế tạo sản phẩm đứng đầu là ông Trần Văn Quang – Tổng giám đốc; Kỹ sư Nguyễn Đức Công - Phó Tổng giám đốc là chủ nhiệm đề tài… Đặc biệt, kỹ sư, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt đảm nhiệm vai trò người thiết kế chính. Để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả trong các dây chuyền sản xuất, Công ty cũng đã tổ chức sắp xếp lại nguồn nhân lực, nhân sự, sắp xếp lại các xưởng biến áp truyền tải, xưởng cơ khí, xưởng khí cụ điện tự động hóa.

Việc đầu tư cho nghiên cứu chế tạo MBA 500 kV rất tốn kém, chỉ tính riêng việc chế tạo một máy biến áp loại này thì số tiền đầu tư cũng đã lên tới gần 80 tỷ đồng, không kể vốn đầu tư ban đầu cho việc nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, công nghệ, kinh phí cho nghiên cứu, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực… Công trình chế tạo MBA 500 kV đầu tiên là công trình Công ty làm chủ đầu tư, nên Công ty đã chủ động vay và huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, phải vay ngân hàng và chịu lãi suất kéo dài. Nguồn kinh phí do Công ty tự lo chiếm tới gần 90% tổng giá trị công trình. Công ty gặp khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Tổ máy 1 đã hoàn thành, trong khi sắp tới Công ty phải sản xuất tiếp 2 tổ máy còn lại để hoàn thiện MBA 500 kV – 3x150 MVA…

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện công trình với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao,  tập thể lãnh đạo, CBCNV Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ thiết bị, làm chủ thiết kế và làm chủ khoa học công nghệ, đã ứng dụng nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công MBA 500 kV đầu tiên tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á. Công trình đã được Hội đồng thẩm định của UBND thành phố Hà Nội nghiệm thu vào ngày 23/9/2010. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển của nền công nghiệp chế tạo thiết bị điện Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Tưởng – UV TV Thành ủy,  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
 
CBCNV Công ty đã có những bước tiến rất dài, từ sản xuất MBA nhỏ, đến máy 110 - 220 kV và bây giờ là MBA 500 kV - sản phẩm MBA 500 kV đầu tiên của Đông Nam Á. Đây không chỉ là niềm tự hào của những người thợ Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh mà còn là niềm tự hào của nền công nghiệp thủ đô. Công ty đã khắc phục được khó khăn về vốn, khó khăn cả về quản lý, kỹ thuật vì quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt. Với sản phẩm này, chúng ta sẽ thực hiện đúng chủ trương hạn chế nhập siêu vì bình thường chúng ta phải nhập với giá trị khoảng 6 triệu đô la Mỹ, nay sản xuất được, giá thành rẻ hơn giá thành nhập 10-15%, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. CBCNV Công ty đã tạo nên kỳ tích lớn, xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ông Trần Văn Quang - Tổng giám đốc EEMC

MBA 500 kV là sản phẩm mới có cấp điện áp cao, các tiêu chuẩn kỹ thuật đòi hỏi rất nghiêm ngặt về trình độ thiết kế, công nghệ, tay nghề. Trên thế giới hiện chỉ có 7 nước chế tạo được MBA 500 kV. Để chế tạo được máy, chúng tôi đã phải đầu tư cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Công ty có đội ngũ người lao động trình độ cao, hoàn thành chế tạo MBA 110 – 220 kV, đã sửa chữa thành công MBA 500 kV, trang thiết bị cùng với dây chuyền sản xuất hiện đại có khả năng chế tạo được các sản phẩm mới có cấp điện áp cao tới 500 kV, có thiết bị thí nghiệm hiện đại thực hiện được các hạng mục của công trình đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6306 và tiêu chuẩn quốc tế IEC 60067 – 2000.

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
 
Qua nghiên cứu các loại MBA 500kV trên thế giới, chúng tôi chọn phương án MBA có kết cấu 2 tụ. Đây là phương án phù hợp nhất với các điều kiện chế tạo, sản xuất MBA 500kV tại nước ta. Để hoàn thành toàn bộ Đề án, chúng tôi đã phải thực hiện tới 705 bản vẽ phục vụ cho việc chế tạo MBA. Khối lượng MBA 500kV đầu tiên do chúng tôi chế tạo nặng tới 650 tấn (nặng hơn máy cùng loại của nước ngoài khoảng vài chục tấn). Tuy nhiên, sau này đi vào sản xuất, chúng tôi sẽ tìm các loại vật liệu nhẹ hơn như tôn cuốn mỏng hoặc các loại thép có kết cấu nhỏ nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Qua nhiều lần thí nghiệm, chạy thử, máy luôn vận hành an toàn, ổn định, đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về kỹ thuật.

Anh Bùi Trọng Thép - Công nhân tổ lắp ráp – EEMC
 
Máy biến áp 500 kV đầu tiên Công ty chế tạo nên có nhiều khó khăn, phải vừa làm vừa nghiên cứu. Khi lắp ráp, cảm thấy có điều gì chưa hợp lý thì chúng tôi tham gia đóng góp ý kiến. Công việc không làm theo ca vì đòi hỏi những công nhân lành nghề, có kinh nghiệm. Không gian làm việc đòi hỏi phải sạch sẽ không bụi bặm. Trước khi lắp ráp, chúng tôi phải lau cồn vật tư. Nếu có việc phải đi ra ngoài hay sau giờ nghỉ trưa thì phải rửa tay, lau sạch sẽ, đeo găng tay trắng, đi tất trắng… vì nếu có mồ hôi, có bụi, sẽ không đảm bảo cách điện, giảm tuổi thọ của máy. Để đạt tiến độ đề ra, những lúc cao điểm, anh em kỹ sư, công nhân làm từ 7h30 sáng đến 10 h đêm. Nhưng lãnh đạo nhà máy rất sâu sát, thường xuyên quan tâm động viên anh em.

Theo: TCĐL số 10/2010