Sự kiện

Ban Quản lý dự án Thủy điện 5: Tâm và Tầm

Thứ sáu, 26/11/2010 | 15:30 GMT+7

Ngày 24/9/2010, tổ máy số 2 của Thủy điện Srêpok 3 đã hoà vào lưới điện Quốc gia. Đó là tổ máy cuối cùng do Ban Quản lý dự án Thuỷ điện 5 làm đại diện cho chủ đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý xây dựng, lắp đặt để đưa vào vận hành thương mại.

 

 

Nhà máy thủy điện Buon Tua Srah

Tướng tài, lính giỏi

Ban Quản lý dự án Thuỷ điện 5 (QLDATĐ 5) có  nhiệm vụ chính là quản lý xây dựng đồng thời 3 dự án thuỷ điện trên các lưu vực sông Srêpok thuộc địa giới tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, địa chất phức tạp và nguồn vốn, phấn đấu đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án. Đến nay, cả 6 tổ máy, có tổng công suất lắp máy 586 MW do Ban QLDATĐ 5 quản lý đã được đưa vào vận hành đúng tiến độ, góp phần làm tăng tổng công suất nguồn điện phát của khu vực Tây Nguyên lên đến hơn 2.200 MW, chiếm hơn 10% công suất hiện hữu đang vận hành của hệ thống điện quốc gia.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà – đó là các yếu tố vô cùng quan trọng để Ban QLDATĐ 5 dựa vào đó để lượng hoá và vạch ra các kế hoạch công tác cụ thể cho từng quý, từng năm, xây dựng đường “găng” cho từng công việc, để phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra.

Khó khăn và thuận lợi là hai tác nhân luôn song hành với nhau. Quan trọng là cách giải quyết mối quan hệ khó khăn – thuận lợi ấy như thế nào. Có chỗ thì “Cái khó ló cái khôn” và cũng có nơi “Cái khó bó cái khôn”. Nhưng điều cơ bản, thành công hay thất bại cũng đều do con người quyết định là chính.

Với Ban QLDATĐ 5, việc đầu tiên nên ghi nhận, đó là một tập thể lãnh đạo vừa có Tâm, lại vừa có Tầm và đoàn kết. Một đội quân vừa có “tướng” tài, vừa có “lính” giỏi. “Tướng” là những người từng trải, đã có thâm niên, kinh nghiệm và có năng lực thực sự về quản lý xây dựng các dự án thuỷ điện, từ Trị An, Thác Mơ,  Ialy, đến Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh, lại được hợp lực với tướng có kinh nghiệm quản lý vận hành từ Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim, hiểu khá tường tận về từng thiết bị công nghệ và quy trình hoạt động trong dây chuyền sản xuất điện năng từ thuỷ điện. Thêm vào đó là đội quân trẻ có đào tạo cơ bản được tuyển lựa, bồi huấn thực tế tại các nhà máy phát điện, cùng với một số cán bộ chủ chốt cấp phòng, phân xưởng cũng đã kinh qua công tác vận hành, sửa chữa tại Đa Nhim, Hàm Thuận – Đa Mi.

“Xây nhà cho chính mình ở”

Vì vậy, họ có đủ kinh nghiệm để “mổ xẻ” và phát hiện được những bất hợp lý trong thiết kế cả phần xây dựng lẫn lựa chọn thiết bị khí thuỷ công, thiết bị cơ điện cho từng dự án. Ban đã cử các cán bộ kỹ thuật tham gia nghiệm thu thí nghiệm mô hình thuỷ lực cho turbin và thí nghiệm xuất xưởng các thiết bị cơ điện quan trọng khác tại các xưởng chế tạo của nhà cung cấp. Đến khi tổ hợp, lắp đặt thiết bị lại tham gia giám sát, nghiệm thu, thí nghiệm khởi động từng phần và hợp bộ các tổ máy.

Quan điểm xây dựng là để cho chính mình quản lý sau này đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc tại tất cả các bộ phận. Cũng vì lẽ ấy, mà cả 6 tổ máy của Ban QLDATĐ 5 khi đã hoà vào lưới điện quốc gia, chuyển sang vận hành thử thách là đã được thí nghiệm hết chương trình, hoàn chỉnh theo đúng thiết kế. Đặc biệt, hệ thống quan trắc của cả ba dự án đã được lắp đặt hoàn chỉnh theo đúng thiết kế, đủ cơ sở để đo đạc các thông số về trạng thái đập dâng nước trước khi tích nước cho hồ chứa, tập hợp các số liệu cho chu kỳ ”Không - 0” và phục vụ quản lý lâu dài. Kết thúc thời gian chạy thử thách, chuyển sang vận hành thương mại có bảo hành, các tồn tại kỹ thuật về phần thiết bị công nghệ là không đáng kể.

Với sự nỗ lực và đóng góp của những người làm thủy điện, Ban QLDATĐ 5 có quyền tự hào vì đã góp phần biến tài nguyên nước của dòng sông Srêpok vùng Tây Nguyên thành nguồn điện năng có ích, góp phần cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân, làm cho Tây Nguyên giàu đẹp và có cơ hội phát triển hơn trong tương lai.

Bài học rút ra từ thành công của Ban QLDATĐ 5:

1: Mô hình tổ chức quản lý tốt.

Ban QLDA, Ban chuẩn vị sản xuất là một. “Xây nhà để cho chính mình ở”, cho nên không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong nội bộ Ban QLDA và Ban chuẩn bị sản xuất.

2: Yếu tố con người.

Công tác cán bộ và sử dụng cán bộ được coi trọng. Cán bộ lãnh đạo vừa có Tâm, lại vừa có Tầm và đoàn kết. Phân cấp rõ ràng và thực hiện phân cấp nghiêm túc.

3: Kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao.

Lợi ích chung của tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân.

Thông tin về dự án do Ban quản lý Dự án Thủy điện 5 quản lý

 

Dự án

Buôn Kuôp

Buôn Tua Srah

Srêpok 3

Ngày khởi công

21/12/2003

25/11/2004

24/12/2005

Số tổ máy

2

2

2

Tổng công suất lắp máy

280 MW

86 MW

220 MW

Tiến độ dự kiến

2008-2010

2009

2009-2010

Tổng khối lượng đất đá đào/đắp (m3) (2).

4.245/2.056

 

7.153/6.584

 

4.010/2.728

 

Tổng khối lượng Bê tông (Tấn) ( 2.)

340.000

 

97.000

 

276.000

 

Tổng khối lượng thiết bị đã lắp đặt. (Tấn) (2).

9.332

4.181

7.930

Tổng mức đầu tư (tỷ VNĐ) (2)

4.990

3.388

4.855

Ngày hoà vào HT điện Quốc gia

 

Tổ máy H1: 29/3/2009

Tổ máy H2: 28/9/2009

Tổ máy H1: 07/9/2009

Tổ máy H2: 21/12/2009

Tổ máy H1: 25/6/2010

Tổ máy H2: 24/9/2010

Điện năng trung bình nhiều năm

1.458,6 triệu kWh

358,6 triệu kWh

1.060,2 triệu kWh

Điện năng đã sản xuất (3)

1.586,084 triệu kWh

236,765 triệu kWh.

357,156 triệu kWh

Theo: TCĐL số 10/2010