Sự kiện

Các hồ thủy điện có thể giảm lũ tốt hơn

Thứ tư, 17/11/2010 | 14:29 GMT+7

Gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng những trận lũ lịch sử xảy ra tại miền Trung thời gian qua có nguyên nhân từ việc xả lũ của các hồ thủy điện. Thậm chí, Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng còn gửi đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do các hồ thủy điện xả lũ gây ra. Để rộng đường dư luận, ngày13/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì Hội thảo.


Đập Thủy điện Ba Hạ

Không thể đổ lỗi cho thủy điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay cả nước đang vận hành 32 dự án thuỷ điện vừa và lớn, 86 dự án thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy gần 8.000MW, chiếm 35% công suất hệ thống điện quốc gia. Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thuỷ điện còn nhiệm vụ cắt và chống lũ trong mùa mưa bão, xả nước chống hạn cho vùng hạ du trong mùa khô. Tùy từng loại hồ chứa, việc vận hành các hồ thuỷ điện được phê duyệt phù hợp với quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch bậc thang thuỷ điện. Nhiều năm qua, các hồ thủy điện đều phát huy tốt công tác điều tiết nước và phát điện. Tuy nhiên, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Vì vậy, không thể khẳng định nguyên nhân gây ra lũ lụt những năm gần đây là do các hồ thuỷ điện. Thậm chí, nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua có thể còn nặng nề hơn.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của các hồ thuỷ điện trong việc phòng, chống lũ, điều tiết dòng chảy. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ lên tiếng: nhiều năm trước lũ đã rất lớn như năm 1999 hoặc 2003, mặc dù khi đó chưa có hồ thủy điện. Vì vậy, không thể cứ lũ lớn là đổ lỗi cho hồ thủy điện được. Ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện- Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng: “Các nhà máy thuỷ điện chỉ có hoặc không tham gia vào quá trình cắt lũ chứ không góp phần làm xấu hơn tác hại của lũ”. Vụ phó vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Đỗ Đức Quân cũng khẳng định, đợt lũ vừa rồi ở miền Trung không phải do thủy điện xã lũ mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ. Sự cố mở cửa xả hồ thủy điện sông Ba Hạ bị dư luận lên tiếng vừa qua thực ra đã được thực hiện nghiêm túc theo quy trình. Sai sót của họ là chưa thông báo kịp cho UBND tỉnh. Đó là sai sót về thủ tục, còn việc xả lũ thì không thể khác được.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân chính gây nên những trận mưa lũ lịch sử vừa qua. Tuy nhiên, xét cho cùng thì “ngẫm hay muôn sự tại… người”. Đó là việc phá rừng lấy gỗ hoặc phá rừng… làm thủy điện mà không trồng lại rừng kịp thời chính là cơ hội để tạo dòng chảy lớn và nhanh gây nên những cơn lũ khủng khiếp. Ông Đoàn Tiến Cường, phó giám đốc Công ty thủy điện Yaly cho biết: mấy năm gần đây mô hình lũ đã thay đổi theo chiều hướng: đỉnh lũ cao hơn, thời gian ngắn hơn, mùa kiệt mực nước xuống rất thấp. Nguyên nhân là rừng bị phá quá nhiều đã ảnh hưởng đến dòng chảy. Ông Phương Hoàng Kim, phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, (Bộ Công thương) khẳng định: mưa lũ diễn biến thất thường và phức tạp thời gian qua cộng với công tác dự báo chưa kịp thời, lượng nước đầu nguồn về lớn và nhanh, địa hình các sông khu vực miền Trung có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên đỉnh lũ xuất hiện nhanh, cửa sông ven biển bị bồi lấp cản trở việc tiêu thoát lũ nên đã cản trở không nhỏ đến nhiệm vụ ngăn lũ của các hồ thuỷ điện ở khu vực này. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các dòng chảy chủ yếu theo hướng Đông – Tây, trong khi các tuyến đường giao thông chủ yếu theo hướng Bắc – Nam cũng là nguyên nhân chặn dòng thoát lũ, làm cho hạ du ngập sâu hơn, lâu hơn. Vì thế, cần có việc quản lý tổng thể, có nhìn khách quan để tìm ra hướng giải quyết triệt để và hiệu quả. Ông Cao Anh Dũng, phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp phàn nàn: mặc dù đã có quy định nhưng việc phối hợp và chia sẻ thông tin còn rất hạn chế. Thậm chí, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Bộ Công Thương cũng rất khó nắm bắt thông tin từ các hồ thủy điện nhỏ. Nhiều hồ chứa đã vận hành nhưng chưa được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực bán ngập. Nhiều đập chưa cắm chỉ giới bảo vệ an toàn đập hoặc đã có chỉ giới nhưng dân vẫn vi phạm làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình. Thông tin dự báo khí tượng thủy văn chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa đảm bảo dẫn đến việc vận hành công trình thiếu chủ động và chưa đạt hiệu quả cao, nhất là việc vận hành chống lũ. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quy định 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ nhưng đến nay mới có 3 quy trình được xây dựng. Có nơi xây dựng phương án phòng chống lụt bão theo kiểu đối phó, chưa đảm bảo nội dung. Các cơ quan phòng chống lụt bão nhiều nơi thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, thiếu phối hợp với chủ đầu tư trong điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi xả lũ. Cá biệt một số cán bộ chuyên trách của cơ quan phòng chống lụt bão địa phương không đủ năng lực, thậm chí không nắm được thông tin về công trình cũng như nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Vẫn có thể giảm lũ tốt hơn

Theo thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, các hồ có thể không cắt được lũ hoàn toàn  nhưng nếu tận dụng qui trình vận hành liên hồ khoa học và thực hiện nghiêm túc thì việc hỗ trợ giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Trâm, tổng giám đốc công ty CP thủy điện A Vương nhắc lại câu chuyện tai tiếng cách đây một năm. Do lưu lượng nước lũ về quá mạnh (4200m3), trong khi thủy điện A Vương chỉ xả lũ có 2600m3 theo đúng quy trình nhưng vẫn chịu sức ép rất lớn của dư luận. Nguyên nhân là nhiều người chưa hiểu nhiều về quy trình vận hành hồ chứa. Ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo tại các địa phương để giải thích cho bà con, hiện nay A Vương còn lập ban giám sát nhân dân, mỗi ngày có hai người cùng trực với thủy điện để tăng trách nhiệm của cán bộ vận hành xả lũ và để công khai quy trình vận hành. Tuy nhiên, theo ông Trâm, mỗi khi xả lũ, chủ hồ phải báo cáo hàng chục đầu mối, mà không phải báo cáo đầu mối nào cũng có người tiếp nhận ngay thông tin. Đó cũng là “nỗi oan” của Thủy điện sông Ba Hạ vừa qua khi họ gửi FAX và gọi điện cho UBND tỉnh Phú Yên để báo cáo xả lũ nhưng không được

Để việc phối hợp vận hành các công trình trên bậc thang có hiệu quả, các đơn vị kiến nghị tiếp tục xây dựng và ban hành quy trình vận hành liên hồ  trên các lưu vực sông. Tuy nhiên, theo ông Thận, khi xét duyệt quy trình điều tiết hồ chứa, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ điều kiện hồ chứa tham gia cắt đỉnh lũ. Bộ Công Thương cần ban hành quy trình mẫu, bao gồm cả các hướng dẫn tính toán. Ông Đào Tấn Cam, giám đốc Sở Công thương Phú Yên đề nghị, cần có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, trong khi “các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác”. Hầu hết các chủ hồ đều mong muốn có thông tin dự báo lũ sớm hơn. Ông Võ Văn Trí, thủy điện Ba Hạ phàn nàn: Thường bản tin dự báo lũ không cho mô hình lũ, đỉnh cao bao nhiêu, xuất hiện thời gian nào, mà chỉ chung chung nên rất khó cho các chủ hồ lập kế hoạch điều tiết hiệu quả.

Bộ Công thương cho biết sắp tới sẽ triển khai tám giải pháp lớn, trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện trên toàn quốc, tiếp tục phối hợp với các bộ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, tăng mạng lưới các trạm đo mực nước trên sông… Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lưu ý các chủ hồ thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt, chính xác quy trình các hồ chứa, phối hợp với địa phương, với các hồ trên cùng lưu vực. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành cho tất cả các công trình thuỷ điện trên toàn quốc. Bộ cũng giao cho Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp kiểm tra, giám sát việc phòng chống lũ bão tại các hồ thuỷ điện, tổ chức diễn tập thường xuyên. Giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang an toàn hồ chứa, rà soát các thủy điện nhỏ, nếu nhà máy nào phát điện ít mà gây ngập lụt nhiều thì loại bỏ. Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường mạng lưới các trạm đo trên lưu vực các sông có công trình thủy điện. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình mưa lũ, rà soát và xem lại tính hiệu quả trong việc phòng chống lũ của các dự án thuỷ điện đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Ngọc Loan