Sự kiện

Chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khởi công Thủy điện Lai Châu

Thứ sáu, 19/11/2010 | 09:53 GMT+7

Thủy điện Lai Châu được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ðây là nhà máy Thủy điện lớn thứ ba sau Thủy điện Sơn La và Hòa Bình, tạo nên hệ thống thủy điện quy mô lớn nhất trong khu vực. Dự án đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, với các mốc tiến độ: Khởi công vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy 1 vào năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2017.


 
Thi công tại bờ phải của thủy điện Lai Châu.

Sẵn sàng cho ngày khởi công

Quãng đường từ Hà Nội lên Thủy điện Lai Châu dài khoảng 640 km đến nay chỉ còn 40 km từ thị trấn Mường Lay vào thủy điện đường xấu, đi lại khó khăn. Ðể chuẩn bị cho ngày khởi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đã tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ việc ăn ở, đi lại cho công nhân. Hiện nay, hệ thống nhà công vụ đã cơ bản hoàn thành, toàn công trường đang hối hả chuẩn bị cho lễ khởi công vào tháng 12 năm nay.

Dẫn chúng tôi thăm công trường, kỹ sư Nguyễn Ðình Hà thuộc ban tổng thầu cho biết, mục tiêu hiện nay là tập trung toàn lực cho công tác chuẩn bị khởi công. Trên công trường hiện có 13 đơn vị thi công thuộc ba nhà thầu là Sông Ðà, Licogi và Trường Sơn, với số kỹ sư, công nhân hơn 1.000 người, cùng 54 máy xúc, 27 máy ủi, 190 xe ô-tô tự đổ loại 22 tấn, 11 máy khoan..., trong đó 19 tổ hợp thi công hố móng bờ phải, sáu tổ hợp thi công mở rộng lòng bờ trái, năm tổ hợp đào bóc đất phủ mỏ đá, còn lại thi công các hạng mục phụ trợ, lán trại, đường thi công. Ðứng ở cao độ 243 m ngay tim đập nhìn sang phía bờ phải, hàng chục xe máy miệt mài làm việc, hệ thống đường công vụ và hạng mục phụ trợ đang dần định hình. Lòng sông tại đây khá hẹp, chỉ khoảng 50 m, một số kỹ sư của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 đang đào đất để khoan thăm dò trên vách núi có độ dốc khá lớn tại khu vực tim đập. Ở Mường Tè mùa mưa thường diễn ra từ tháng 4 kết thúc vào tháng 9 và mùa khô kéo dài khoảng ba tháng, vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để các nhà thầu tranh thủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Ðường đi lên khu vực khai thác đá địa hình cực kỳ phức tạp và quanh co. Kỹ sư Nguyễn Ðình Hà nhiều lúc phải dừng xe để định vị lại đường đi vì hệ thống đường công vụ và đường tự mở lẫn lộn, chỉ cần vài ngày không xuống công trường là nhầm lẫn ngay. Ðội phó đội thi công Xí nghiệp Sông Ðà 907 Trần Văn Hành, phụ trách thi công khu vực mỏ đá 1B cho biết: Khối lượng thi công bóc đất phủ mỏ đá thực hiện trong tháng 10 đạt 252 nghìn m3, bình quân khoảng 5.500 m3 đến 6.800 m3/ngày. Từ tháng 6 đến nay đã đào sâu khoảng 30 m, đá bắt đầu xuất hiện, đây là mỏ đá duy nhất đang được khai thác tại công trường. Với khoảng 80 công nhân tham gia làm việc ba kíp liên tục đến 12 giờ đêm, cộng thêm khối lượng của Xí nghiệp Sông Ðà 909 thì khối lượng bóc phủ không dưới 10 nghìn m3/ngày. Ðơn vị đang phấn đấu hoàn thành khối lượng bóc phủ 800 nghìn m3 đất đá giai đoạn 1 và khoảng 2 triệu m3 giai đoạn 2. Ngoài ra lực lượng thi công của xí nghiệp còn đảm nhận thi công ba đường công vụ. Trong điều kiện thi công ở một địa bàn khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, để bảo đảm đời sống sinh hoạt và sức khỏe cho công nhân, lương thực, thuốc men đều được dự trữ vì nếu khi trời mưa, đường trơn phải đi bộ, vận chuyển thủ công lên mỏ sẽ rất vất vả và không an toàn.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc ban điều hành Công ty 99, thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khẳng định, lực lượng thi công của đơn vị đang đảm nhận việc hạ cốt nền hơn 100 m, đào hố xói, đổ bê-tông cống dẫn dòng. Với đội ngũ kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp đã qua nhiều công trình thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Sơn La, đơn vị luôn cố gắng khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đi lại để hoàn thành công việc được giao. Thuận lợi lớn nhất khi thi công Thủy điện Lai Châu là hầu hết các đơn vị đều đã từng tham gia thi công tại công trình Thủy điện Sơn La, thông thuộc địa hình cũng như thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc, có kinh nghiệm thi công đập bê-tông đầm lăn, kết cấu các tổ máy phát điện giống với Thủy điện Sơn La, những kinh nghiệm quý báu được tích lũy ở các công trình thủy điện sẽ được phát huy.

Những khó khăn cần khắc phục

Là những đơn vị làm nhiệm vụ 'mở đường', đặt nền móng cho một công trình thủy điện lớn xây dựng trên địa hình phức tạp, hiểm trở ở miền Tây Bắc xa xôi, những người thợ xây dựng đã hình dung trước những khó khăn phải vượt qua. Trước mắt là tập trung xây dựng đoạn đường từ thị xã Mường Lay vào công trường, công việc hiện nay vẫn còn ngổn ngang, đường đầy 'ổ voi, ổ trâu', bụi mù trời. Thời điểm chúng tôi lên công trường cũng là thời điểm khánh thành cầu Lai Hà, một trong những cây cầu quan trọng phục vụ việc vận chuyển vật tư, thiết bị thi công, nhu yếu phẩm cho công trường. Cầu Hang Tôm mới đã thông xe nhưng hệ thống đường dẫn hai bờ vẫn còn dở dang, hy vọng từ nay đến ngày khởi công, hệ thống đường vào công trình sẽ được cải thiện.

Giám đốc Ban điều hành Thủy điện Lai Châu Nguyễn Văn Tiến nhận xét: Công tác giải phóng lòng hồ không khó khăn, phức tạp như nhiều nơi khác, nhưng do công trình nằm ở vùng sâu, vùng xa nên cơ sở hạ tầng yếu kém, cần nhanh chóng xây dựng cơ sở hậu cần thông tin liên lạc, phục vụ việc điều hành, chỉ đạo thi công, có thể giao ban trực tuyến, cùng với hệ thống cơ sở y tế, trường học, cửa hàng dịch vụ thương mại, cung ứng vật liệu xây dựng... Do mặt bằng thi công chật chội, lòng sông hẹp, vách núi đá dựng đứng rất nguy hiểm nên việc bố trí triển khai phương án thi công phải tính toán kỹ, không đắp đê quai dọc sông. Từng bước tìm cách khắc phục vận chuyển thiết bị, vật tư thi công sang bờ phải bằng phà, do cầu chính thi công chậm tiến độ hơn hai tháng, trước đó cầu tạm thi công đã bị nước lũ cuốn trôi. Ðại tá Ðào Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành Tổng công ty Trường Sơn tại Thủy điện Lai Châu tâm sự: Tham gia thi công Thủy điện Lai Châu vừa là vinh dự và trách nhiệm to lớn của những người lính thợ Tổng công ty Trường Sơn với tư cách là một trong bốn nhà thầu chính của dự án. Lực lượng của Tổng công ty chủ yếu là các đơn vị từng tham gia thi công Thủy điện Sơn La như: Công ty 472, Công ty 99, Công ty xây dựng 565, Công ty 492. Các đơn vị này sẽ đảm nhận thi công các hạng mục cống dẫn dòng, hệ thống đê quai hạ lưu, đào đắp hố xói, một phần công trình xả lũ... Với điều kiện thi công khó khăn, xa khu dân cư, rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt... như hiện nay, các nhà thầu phải cố gắng khắc phục.

Ðể chuẩn bị cho ngày khởi công, đầu năm 2010 các đơn vị của Tập đoàn Sông Ðà đã lên công trường tổ chức thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, lán trại, ổn định nơi ăn, chốn ở cho người lao động. Phó Giám đốc Ban điều hành tổng thầu Lương Chí Nam, nêu vấn đề: Cần giải quyết vốn cho công trình để bảo đảm chống lũ năm 2011 cho công trình, tránh tình trạng phát sinh gây khó khăn và tốn kém. Do nằm trong sơ đồ quy hoạch thủy điện bậc thang của sông Ðà, chịu ảnh hưởng từ mực nước dâng của hồ chứa Thủy điện Sơn La nên đã tính đến phương án, thi công đê quai giai đoạn 1 mùa kiệt và chống lũ năm 2011. Ngoài ra, phía chủ đầu tư và tư vấn chính cần nhanh chóng hoàn thành thiết kế kỹ thuật công trình, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đào hố móng vai phải giai đoạn 2 và chỉ định nguồn vật liệu đắp đê quai... Ðây là những hạng mục quan trọng cho công tác chống lũ năm 2011.

Ðứng trên phà qua sông nhìn về phía thượng lưu, một lớp bụi mờ từ các đơn vị đang thi công  xen lẫn tiếng ì ầm của xe, máy tạo nên cảm giác khó quên giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp. Rồi đây, sông Ðà lại có thêm một nguồn năng lượng mới, một nốt thăng trong bản trường ca sông Ðà (Lai Châu - Sơn La - Hòa Bình và nhiều thủy điện nhỏ khác), góp nguồn năng lượng cho sự phát triển của đất nước.

Theo: Nhân dân