Sự kiện

Giá điện cần những thay đổi tích cực

Thứ sáu, 19/11/2010 | 15:44 GMT+7

Một trong những nguyên nhân thiếu điện là do các dự án đầu tư nguồn điện không hoàn thành đúng tiến độ; hạn hán gây thiếu nước nên các nhà máy thủy điện phải phát điện cầm chừng; một số các nhà máy nhiệt điện gặp trục trặc hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn duy tu...

 

Cân đối cung - cầu bị phá vỡ

Mặc dù các tổng sơ đồ điện đã dự báo nhu cầu phụ tải trước nhiều năm để đón đầu phát triển hệ thống điện, xây dựng nguồn điện có mức dự phòng hợp lý cho hàng chục năm sau, nhưng từ năm 1996 đến nay, năm nào cân đối cung - cầu điện ở tầm vĩ mô của nước ta cũng bị phá vỡ do thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nguyên nhân thiếu điện được viện dẫn.

Một trong những nguyên nhân thiếu điện là do các dự án đầu tư nguồn điện không hoàn thành đúng tiến độ; hạn hán gây thiếu nước nên các nhà máy thủy điện phải phát điện cầm chừng; một số các nhà máy nhiệt điện gặp trục trặc hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn duy tu... Mặt khác, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân khấm khá hơn kéo theo nhu cầu điện tăng nhanh, tổng phụ tải thường tăng ở mức 15÷17%/năm, có năm tăng trên 20%. Một số ngành sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ điện khổng lồ…
Những nguyên nhân nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các tổng sơ đồ điện; khoảng cách giữa quy hoạch và thực tế khá xa; công tác tham mưu, hoạch định, “đi trước đón đầu” trở nên lạc hậu; cân đối điện bị phá vỡ, nhất là vào mùa nắng hạn.

Điện còn khó khăn trong vài năm tới

Trở lại với tình hình cung ứng điện năm 2010. Theo EVN, những tháng đầu năm nay các hồ thủy điện không tích được nhiều nước nên sản lượng thủy điện thiếu hụt, phải tăng cường mua điện giá cao, song vẫn không đủ điện để cung ứng, buộc phải cắt giảm nhu cầu trong 3 tháng mùa khô.

Mùa nắng đã vậy, mùa mưa năm nay tình hình vẫn không có gì sáng sủa hơn. Theo báo cáo mới nhất của EVN, hiện nay đang ở giữa mùa mưa nhưng các hồ thủy điện vẫn không tích đủ nước; một số nhà máy nhiệt điện lớn lại tạm ngừng hoạt động để duy tu, bảo dưỡng, khiến cho việc cung ứng điện rất căng thẳng. Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, hiện hệ thống điện không có công suất dự phòng nên vào giờ cao điểm buộc phải giảm tải 5-10%. Với tình hình này, kế hoạch phát điện cho năm 2011 rất đáng lo ngại và nguy cơ thiếu điện đến năm 2012 là không tránh khỏi.

Tất cả những nguyên nhân nói trên vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề, là hệ quả của việc thiếu nguồn lực đầu tư cho các công trình nguồn điện. Tất cả là do hệ lụy của cơ chế giá điện bao cấp. Giá điện thấp, nhiệt điện không có nhiều lãi nên khó khuyến khích đầu tư và khai thác tốt công suất hiện có; các dự án đang xây dựng thì kéo dài thời gian. Thủy điện được chú trọng hơn nhưng quá phụ thuộc nguồn nước. Giá điện thấp, lợi nhuận không có làm sao các tổ chức tài chính, ngân hàng tin tưởng EVN để cho vay những khoản vốn khổng lồ để đầu tư cho nguồn điện?

Cần điều chỉnh giá điện, bỏ giá điện bậc thang

Cái vòng “lẩn quẩn” giải bài toán điện ngày càng phức tạp, khó khăn. Hiện tại, giá điện nước ta còn bất cập, nhiều tầng nấc, nhiều loại giá, khó có thể minh bạch để dư luận yên tâm. Giá bán lẻ bị chặn (kể cả bán buôn) và chậm được điều chỉnh so với giá đầu vào của hầu hết các loại nhiên liệu sản xuất điện tăng lên không ngừng, nhưng mỗi khi được điều chỉnh, tỷ lệ tăng không quá 2 con số. Sự bất cập về giá điện không tạo điều kiện tốt cho các đơn vị hoạt động điện lực. Riêng EVN, với chức năng mua tổng, bán lẻ, do bị khống chế giá bán lẻ nên phải lựa chọn giá mua tổng hợp lý. Ngược lại, các đơn vị sản xuất điện cũng có thể ép giá bán buôn cho EVN. Đó là quy luật trong kinh doanh, làm sao tránh được?

Giá bán lẻ điện phức tạp ở chỗ tính theo giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm; tính theo bậc thang bán buôn, bán lẻ; tính theo lĩnh vực tiêu dùng như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...Dù định giá điện dựa trên căn cứ nào đi nữa cũng phải đảm bảo cho các hoạt động điện lực tồn tại và phát triển. Thế nhưng, năm 2008, Kiểm toán nhà nước xác định EVN lỗ 506 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương xác định EVN lỗ 6.500 tỷ đồng. Đây chính là hệ quả của việc định ra giá điện cứng nhắc, rối rắm. Một tập đoàn kinh tế, dù lớn mạnh đến đâu cũng khó có thể tiến bộ trong cơ chế giá đó!

Giá bậc thang là loại giá rối nhất. Hiện chỉ còn vài nước áp dụng giá bậc thang giảm mạnh để kích cầu tiêu dùng do nguồn điện dồi dào. Một số nước thiếu điện phải dùng giá bậc thang tăng cao để khuyến khích tiết kiệm. Tuy nhiên, đa số các nước đều ưu tiên dành nhiều năng lượng điện cho phát triển kinh tế, bởi vậy họ định ra giá điện sản xuất kinh doanh thấp hơn hai, ba lần so với giá điện sinh hoạt. Đó là việc định giá điện của một nền kinh tế tích cực.

Ở nước ta thì lại khác, giá điện sinh hoạt rất thấp, bậc thang cao nhất cũng chỉ có 1.890 đồng/kWh, thấp nhất các nước trong khu vực. Điều đáng nói là Nhà nước định giá điện có hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, đến 100 kWh vẫn thấp hơn 5-10% giá bán bình quân ngành Điện, song lại bao cấp cho hơn 80% số hộ khá và giàu!

Thiếu điện có nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế giá. Vì vậy, xây dựng, điều chỉnh giá điện hợp lý mới giải quyết tận gốc vấn đề. Ngày 25/10 vừa qua, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã rất thẳng thắn khi trả lời giới báo chí, rằng tăng giá điện là xu hướng lâu dài phải làm, không nên để giá bao cấp điện làm méo mó nền kinh tế. Tâm lý chung của khách hàng cũng vậy, họ sẵn sàng chịu giá điện tương xứng với mong muốn được cung ứng điện ổn định, liên tục, có chất lượng.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nhà nước cần nhanh chóng thúc đẩy thị trường cạnh tranh điện lực, xem xét lại giá bậc thang, minh bạch giá cả và sớm điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Tất nhiên, việc điều chỉnh giá điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, song đấy là giải pháp cơ bản tiết kiệm điện, giải quyết bền vững vấn đề thiếu điện đang tồn tại.

Theo: CôngThương