Sự kiện

Thực hiện nghiêm túc Luật Điện lực “Trách nhiệm không của riêng ai”

Thứ sáu, 19/9/2008 | 09:12 GMT+7

Từ ngày 1/7/2005, khi Luật Điện lực chính thức được ban hành, cơ quan có chức năng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng dẫn thi hành Luật Điện lực vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định nhằm tạo lập khung pháp lý cho hoạt động điện lực, đảm bảo tốt nhất sự bình đẳng giữa người bán và người mua điện, giữa các đơn vị tham gia hoạt động điện lực để phát triển ngành Điện một cách bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực. 

Tuy nhiên, trong hơn 3 năm qua, thực tế nảy sinh không ít những vướng mắc đối với ngành Điện trong quá trình thực hiện Luật Điện lực, đặt ra nhiều câu hỏi đối với cơ quan soạn thảo VBQPPL. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Kim Hoàn - Trưởng ban Pháp chế, Cục Điều tiết Điện lực, cơ quan có chức năng soạn thảo các VBQPPL quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực.

PV: Bà cho biết, từ khi chính thức ban hành Luật Điện lực, Cục Điều tiết Điện lực đã thực hiện việc tiếp thu các ý kiến phản hồi trong quá trình xây dựng các VBQPPL như thế nào?

Bà Phạm Thị Kim Hoàn: Việc tiếp thu các ý kiến phản hồi trong quá trình xây dựng các VBQPPL luôn được Cục Điều tiết Điện lực quan tâm và thực hiện đúng trình tự quy định, thông qua các kênh: Tổ chức hội thảo, trả lời bằng văn bản, qua trang web của Bộ Công Thương. Những thông tin phản hồi của các đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực điện lực, của khách hàng sử dụng điện luôn được Cục Điều tiết Điện lực thu thập và xử lý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các VBQPPL.

PV: Như vậy các đơn vị ngành Điện, các Sở Công Thương hoàn toàn có thể góp ý ngay từ giai đoạn dự thảo chứ không phải để đến khi các VBQPPL này được ban hành mới có ý kiến về sự không phù hợp hay những vướng mắc của mình?

Bà Phạm Thị Kim Hoàn: Đúng thế, tuy nhiên, có thể khi nhận dự thảo các VBQPPL điện lực, các đơn vị chưa nhận rõ tầm quan trọng của các nội dung trong đó sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến các hoạt động của mình hay chăng? Thực tế, rất nhiều đơn vị không có văn bản góp ý dự thảo dù Cục Điều tiết Điện lực đã gửi văn bản yêu cầu và chờ đợi quá thời hạn quy định để chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Có Sở Công Thương trong một thời gian dài đã rất mạnh mẽ phản ánh những bức xúc của mình tại các cuộc họp, trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vướng mắc, bất cập của một nghị định của Chính phủ. Nhưng khi Cục Điều tiết Điện lực tiến hành việc sửa đổi nghị định này và gửi dự thảo để lấy ý kiến góp ý thì Sở Công Thương đó lại hoàn toàn im lặng?!

PV: Cùng với việc tiếp thu các ý kiến phản hồi, Cục Điều tiết Điện lực đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Điện lực như thế nào?

Bà Phạm Thị Kim Hoàn: Thực tế, kiểm tra việc thực hiện Luật Điện lực là một trong các nhiệm vụ của Cục Điều tiết Điện lực. Tuy nhiên, hiện tại do nhân lực của Cục Điều tiết Điện lực còn ít, nên chưa thể thực hiện được nhiệm vụ này.

PV: Ngoài vấn đề thiếu nhân sự, được biết, nguồn kinh phí dành cho việc soạn thảo các VBQPPL cũng rất hạn chế. Trong khi đó, khối lượng công việc mà Cục  phải thực hiện là rất lớn. Liệu tất cả những khó khăn này có ảnh hưởng nhiều đến quá trình xây dựng các quy định?


Thủ đoạn dùng que tre buộc đầu kim bằng bạc cắm qua nóc tủ hạ thế, xuyên qua dây nhị thứ vào và ra của Biến dòng (Ti) để lấy cắp điện. Hiện, các quy định xử phạt trộm cắp điện đã khá nghiêm khắc. Vấn đề là việc thực hiện Luật như thế nào

Bà Phạm Thị Kim Hoàn: Trước tiên, phải nói rằng, trong quá trình hoạt động, Cục Điều tiết Điện lực cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương. EVN cũng có sự hỗ trợ nhất định. Thực tế, nếu những khó khăn trên của Cục được giải quyết thì sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất để tập thể những người xây dựng các VBQPPL làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện đúng nhiệm vụ của mình với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm.

PV: Về phía các đơn vị ngành Điện, cũng có ý kiến cho rằng sau một thời gian nhất định, khi những hoàn cảnh và điều kiện khách quan thay đổi thì một số quy định của Luật Điện lực cũng cần phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Riêng quy định về xử phạt đối với các đối tượng trộm cắp điện, nhiều đơn vị đề nghị các quy định cần chặt chẽ hơn, cụ thể hơn. Thời gian qua, số vụ trộm cắp điện đang có xu hướng tăng nhanh, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, song nhiều vụ khá nghiêm trọng được khép lại chỉ với án tù treo thì không thể thực sự có tác dụng răn đe.

Bà Phạm Thị Kim Hoàn: Sự thay đổi, điều chỉnh để các quy định được phù hợp với thực tế là điều hết sức cần thiết và vẫn đang được thực hiện với mục đích văn bản được ban hành có tính khả thi cao nhất. Trách nhiệm chính thuộc về Ban soạn thảo, song cũng rất cần các đơn vị ngành Điện, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Còn về việc xử phạt các đối tượng trộm cắp điện, theo tôi, với quy định của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện: Trộm cắp điện từ 500 kWh trở xuống thì xử phạt hành chính, từ 500 kWh trở lên thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã là cứng rắn và nghiêm khắc. Vấn đề ở đây là việc thực hiện Luật như thế nào. Các đơn vị ngành Điện có đảm bảo hoàn toàn nghiêm túc trong kiểm tra, lập biên bản, đưa ra pháp luật các đối tượng ăn cắp điện? Các cơ quan hành pháp có đảm bảo nghiêm túc, công minh trong quá trình điều tra, xử lý? Chứ không thể từ đó mà kết luận một chiều là: Quy định của Luật chưa chặt chẽ và chưa có tác dụng răn đe. Trước tiên, trách nhiệm của mỗi cơ quan, mỗi công dân là thực hiện đúng Luật cũng như hiểu đúng tinh thần của Luật Điện lực.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo TCĐL số 8/2008