Sự kiện

Để các hộ dân nông thôn hưởng giá điện như thành thị

Thứ hai, 22/9/2008 | 10:22 GMT+7
Khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam hiện có 197/210 xã (93,8%), với khoảng 267.800/277.730 hộ dân (96,5%) có điện. Hiện tại, phần lớn đời sống dân cư ở nông thôn còn nhiều khó khăn, không có thu nhập nào khác ngoài sản xuất nông nghiệp. Đã vậy, trong nhiều năm qua, các hộ dân ở đây còn phải mua điện giá cao hơn so với giá điện sinh hoạt thành thị, càng làm cho đời sống nông dân thêm khó khăn.

Điều bất hợp lý là ở chỗ người dân nông thôn phải góp tiền xây dựng công trình điện và tự mua xà, sứ, dây điện công tơ để kéo điện về nhà thì lại phải mua điện giá cao, trong khi ở thành phố và những khu vực thị trấn, thị tứ, Điện lực bỏ vốn đầu tư toàn bộ, công tơ được mắc tận nhà thì khách hàng lại được hưởng điện giá thấp!

 

Lưới điện do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng, gây tổn thất điện năng và mất an toàn.

Nguyên nhân của tình hình trên là do điện nông thôn được hình thành từ sự góp vốn của nhiều chủ sở hữu. Lúc bấy giờ mặc nhiên hình thành một xu hướng: Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bỏ vốn xây dựng công trình điện thì đương nhiên được quyền tổ chức các hoạt động mua buôn và bán lẻ điện đến hộ dân, nếu có giấy phép hành nghề kinh doanh điện. Và cũng từ đó hình thành nên nhiều tổ chức kinh doanh bán điện trực tiếp đến hộ dân trên địa bàn nông thôn. Phần lớn các xã có 2 tổ chức cùng kinh doanh điện trên một địa bàn, có xã có đến 3-4 tổ chức, thậm chí như xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) có đến 5 tổ chức bán điện đến hộ dân. Đa phần lưới điện nông thôn qua nhiều năm sử dụng đã trở nên cũ nát, xuống cấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây ra tổn thất lớn, mức độ an toàn thấp. Ngoài ra, việc hạch toán chi phí, phân phối thu nhập mỗi địa phương làm theo mỗi cách nên đội giá bán điện lên cao.

Qua khảo sát, Quảng Nam có 157 đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh điện năng. Ngoài nhiệm vụ bán lẻ của Điện lực (26% số hộ), 156 tổ chức còn lại mua buôn của Điện lực và bán lẻ điện năng cho hơn 250.800 hộ dân nông thôn (chiếm 74% số hộ). Theo Quyết 45/2006/QĐ-BCN, ngày 14/12/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), giá bán buôn điện phục vụ sinh hoạt nông thôn là 429 đồng/kWh và Chính phủ cũng đã quy định giá điện sinh hoạt nông thôn phải thống nhất ở mức giá trần 700 đồng/kWh. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ban quản lý đều bán điện với giá “vượt khung”, bởi họ tính cả phần hao hụt điện năng cho các hộ, do đó nhiều nơi đội giá điện cao hơn quy định đến 30-40%.

Theo Quyết định 276/2006/QĐ-TTg ngày 4/12/06 của Thủ tướng Chính phủ, người dân mua điện sinh hoạt phải trả là 605 đồng/kWh (đã có thuế VAT) đối với hộ dân thành thị kể cả các hộ dân nông thôn nằm trong diện bán lẻ trực tiếp của Điện lực Quảng Nam. Đó là giá điện trọn gói cho 1 kWh điện, và người dân không chịu bất kỳ một loại chi phí nào khác.

Trong khi đó, 155 tổ chức và cá nhân bán điện cho hơn 165.000 hộ dân, với giá bán điện bình quân 875 đồng/kWh, tổn thất điện năng bình quân 25%. Như vậy, nếu mua điện từ các tổ chức kinh doanh điện ngoài Điện lực Quảng Nam, các hộ dân nông thôn phải trả cao hơn giá điện so với hộ dân thành phố khoảng 270 đ/kWh.

Tính tổng cộng trong một năm, người dân nông thôn Quảng Nam phải trả thêm phần chênh lệch giá điện, so với giá bán điện sinh hoạt thành phố hơn 40 tỷ đồng. Nếu so với giá mua buôn 430 đ/kWh (đã có thuế VAT) thì các tổ chức kinh doanh điện ở nông thôn có thể có được một khoảng lãi hơn 70 tỷ đồng. Dù tính theo cách nào đi chăng nữa, thì người dân nông thôn cũng đã và đang chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với người dân thành phố. Với sản lượng điện sử dụng hết sức tiết kiệm (bình quân 61 kWh/hộ/tháng), hằng năm, mỗi hộ dân nông thôn phải bỏ thêm khoảng 150 nghìn đến 190 nghìn đồng tiền điện.

Mặc dù hiện nay hầu hết các địa phương đã chuyển đổi xong mô hình quản lý kinh doanh điện năng theo luật định, và trên thực tế có chuyển biến tốt hơn so với trước đây, song người dân nông thôn vẫn phải chịu thiệt thòi khi mua điện từ các tổ chức này. Bởi bên cạnh một vài HTX làm tốt công tác tổ chức quản lý và kinh doanh điện nông thôn, còn lại nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo các quy định kinh doanh điện năng. Khách hàng phải chịu giá điện cao; hạch toán thu chi chưa rõ ràng; lãi từ kinh doanh điện không được dùng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình điện; mọi hoạt động dịch vụ, phục vụ, khách hàng đều phải trả tiền giá cao; năng lực quản lý và trình độ tay nghề của đa số công nhân điện ở nông thôn còn hạn chế; an toàn điện chưa đảm bảo...

Để xoá bỏ chênh lệch bất hợp lý giữa giá mua điện sinh hoạt nông thôn và thành phố, từ năm 2002 đến nay, UBND tỉnh và Công ty Điện lực 3 đã phối hợp chỉ đạo, thống nhất chủ trương cho phép Điện lực Quảng Nam tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp tại các thị trấn, thị tứ và những khu vực đông dân cư nhằm triển khai bán lẻ đến từng hộ dân theo giá bán lẻ Nhà nước quy định. Đến nay, Điện lực đã tổ chức bán lẻ cho hơn 75.500 hộ, trong đó, đã có hơn 15 nghìn hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp từ Điện lực, được hưởng lợi như khách hàng thành phố.

Theo Quyết định 276/2006/QĐ-TTg, ngày 4/12/06 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình điều chỉnh giá bán điện, từ năm 2010 trở đi giá bán lẻ điện được thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm nghìn hộ dân nông thôn còn phải mua điện với giá cao. Vì vậy, các địa phương, các ban quản lý điện nông thôn cần quyết tâm và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Điện lực Quảng Nam tiếp nhận quản lý, vận hành lưới điện hạ áp và tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ dân. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng điện, ở nông thôn cũng như ở thành phố./.

Theo PC3