Sự kiện

Điện cho đồng bào 5 tỉnh Tây Nguyên

Thứ ba, 23/9/2008 | 09:35 GMT+7
Đúng 12h10 phút ngày 29/8/2008, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân thôn Mdhah 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, TBA T47 - hạng mục đầu tiên thuộc chương trình cấp điện 5 tỉnh Tây Nguyên được hòa vào hệ thống điện lưới quốc gia…

Và không bao lâu nữa, chỉ đến cuối năm 2009 thôi, không chỉ bà con các dân tộc thôn Mdhah, huyện Buôn Đôn, mà là hàng trăm ngàn hộ dân khu vực Tây Nguyên sẽ được hưởng lợi từ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Buôn, làng bừng sáng điện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân chắc chắn sẽ được nâng cao…

 

Lễ khánh thành công trình cấp điện xã Kon Pne (tỉnh Gia Lai)

Chăm lo đời sống đồng bào vùng cao…

Với diện tích đất tự nhiên 54.474 cây số vuông, Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đang có 43 dân tộc cùng sinh sống, là khu vực giàu tiềm năng kinh tế, là địa bàn quan trọng trong cả nước về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10/NQ-TW và Chính phủ có quyết định số 168/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở vật chất hạ tầng vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu, mức sống bình quân, điện thương phẩm/người khu vực Tây Nguyên so với toàn quốc là khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo chung cho cả khu vực chiếm 9% số hộ nghèo toàn quốc, tính đến cuối năm 2005, tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới quốc gia mới chỉ đạt 81,9%.

Định hướng phát triển của khu vực Tây Nguyên đến 2010, tốc độ tăng GDP bình quân phải đạt 8,5%/năm, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 12,1%, nông lâm nghiệp tăng 6,9%, dịch vụ tăng 9,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 20-30%. Tích lũy đầu tư từ GDP là 25%, nâng độ che phủ rừng lên 65-70%, bảo vệ và làm sạch nguồn nước, bảo vệ và phát triển đa dạng nguồn sinh học. Trên cơ sở phát triển kinh tế để củng cố và tăng cường an ninh quốc phòng Quốc gia. Theo đó, về phát triển điện lực đến năm 2010 phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng điện 19,8%; điện thương phẩm phải đạt 2.733 triệu kWh (tương đương 492kWh/người), tỷ lệ cấp điện đến các hộ đồng bào phải đạt 95%. Tổng vốn đầu tư cần khoảng hơn 3.168 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu trên, tháng 4/2006 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên  với quy mô đầu tư 5.198 km đường dây trung, hạ áp,  1.242 TBA phân phối với dung lượng  73.084 kVA, Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.094 tỷ đồng, trong đó vốn cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 85% và vốn EVN tự huy động 15%. Cấp điện đến khoảng 1.200 thôn, buôn chưa có điện với hơn 116 nghìn hộ đồng bào thuộc địa bàn 5 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Điểm đặc biệt hơn của dự án so với các dự án trước đây, là ngoài việc đầu tư đường dây trung, hạ thế, trạm biến áp phân phối và công tơ, dự án còn đầu tư cả mạng điện trong nhà cho các hộ dân. Sau khi công trình hoàn thành sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa giáo dục, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với sự phát hệ thống hạ tầng như giao thông, bưu điện, nước sạch, việc đưa điện lưới quốc gia đến từng hộ đồng bào góp phần phát huy chính sách định canh, định cư đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Cơ chế riêng cho dự án

Đây là dự án có tổng mức đầu tư và quy mô lớn, phạm vi cấp điện rộng, đặc biệt địa hình rất phức tạp, hầu hết các thôn buôn trong dự án đều ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà các chương trình cấp điện trước đây chưa vươn tới, hơn nữa yêu cầu về tiến độ của dự án phải hoàn thành là rất gấp. Do đó EVN đã trình và được Thủ tướng chính phủ đồng ý cho áp dụng một số cơ chế riêng.

- Thứ nhất, về phân chia dự án theo tỉnh, Thủ tướng chính phủ cho phép chia thành 5 dự án thành phần theo tỉnh và được phép triển khai như 5 dự án độc lập. Theo từng tỉnh và ứng từng giai đoạn, tỉnh nào hoàn thành thủ tục trước cho phép triển khai ngay các bước tiếp theo không chờ đợi nhau.

- Thứ hai, Thủ tướng uỷ quyền cho EVN phê duyệt Dự án đầu tư các dự án thành phần và được phép uỷ quyền cho các đơn vị trực thuộc (các Công ty Điện lực) thực hiện một số việc của chủ đầu tư; được phép lựa chọn đơn vị có năng lực và kinh nghiệm thực hiện một số công việc như tư vấn lập dự án, tư vấn giám sát thi công, lắp đặt công tơ.

- Thứ ba, về công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do UBND các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Sở ban ngành phối hợp với các đơn vị trực thuộc EVN thực hiện, chi phí bồi thường sẽ do EVN chi trả từ kinh phí của dự án.

Phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch tiến độ

Mục tiêu đề ra của dự án là phấn đấu hoàn thành trong năm 2009, do vậy ngay sau khi có cơ chế đặc biệt của Thủ tướng chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý thực hiện dự án triển khai ngay các bước cần thiết. Theo kế hoạch đã phê duyệt, toàn bộ dự án được chia thành 61 gói thầu xây lắp, trong đó Lâm Đồng: 13 gói, Đăk Lăk, 12 gói, Đăk Nông: 11 gói, Gia Lai: 17 gói và Kon Tum: 8 gói. Theo Ban QLDA năng lượng nông thôn khu vực miền Trung đơn vị quản lý đầu tư 4 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum để tiết kiệm thời gian thực hiện, ngay sau khi có kết quả phê duyệt thiết kế, đơn vị chủ trì tổ chức để các đơn vị tư vấn bàn giao các mốc trung gian cho địa phương thực hiện công tác đền bù GPMB song song với thời gian triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Như vậy sau khi có kết quả đấu thầu, ký hợp đồng nhà thầu thi công xây lắp có mặt bằng để thi công ngay.

Tính đến nay, ngoài hạng mục cấp điện cho thôn Mdhah 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk đã được đóng điện, đã có 30 gói thầu khác đang đồng loạt triển khai thi công, các gói thầu còn lại đang trong giai đoạn xét thầu và thẩm tra phê duyệt thiết kế dự toán. Phần vật tư thiết bị chính bào gồm MBA, dây dẫn trung, hạ thế, tủ điện… của dự án cũng được các Nhà cung cấp gấp rút chuẩn bị giao hàng. Các đơn vị đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tại khu vực Tây Nguyên triển khai các công việc cần thiết.

Một số khó khăn cần được tháo gỡ

Khó khăn lớn nhất mà dự án gặp phải đó là do ảnh hưởng biến động tăng giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công thời gian qua dẫn đến tình trạng vượt tổng mức đầu tư trong giai đoạn thiết kế dự toán ở hầu hết các công trình, một số chi phí khác như giám sát, thiết kế… không thể giải ngân được do phải chờ tổng dự toán được duyệt. Ngoài ra, do quy mô đầu tư trải rộng trên địa bàn các huyện nên công tác thống kê, lập phương án đền bù tốn rất nhiều thời gian và khó có sự chính xác.

Để dự án được triển khai nhanh chóng, đảm bảo được tiến độ đề ra, vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong công tác ĐBGPMB là rất quan trọng, tại Hội nghị kiểm điểm dự án tại 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, đại diện Chủ đầu tư đã kiến nghị:

- Thứ nhất, chính quyền địa phương, mà cụ thể là UBND các huyện khi nhận được tiền đền bù cần sớm tổ chức chi trả để nhân dân yên tâm, tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai công việc được thuận lợi. Trong quá trình kiểm kê đền bù, cần tham khảo ý kiến của các thành viên đặc biệt là đơn vị Điện lực tỉnh và đơn vị thi công để tư vấn về hành lang tuyến nhằm đảm bảo kê khai đầy đủ, chính xác, tránh gây thiệt hại cho nhân dân.

- Thứ hai, sau khi nhận tim mốc từ Ban QLDA, chính quyền địa phương cần thông báo rộng rãi cho nhân dân biết và kiên quyết không cho xây dựng mới các công trình dưới hành lang tuyến. Do tiến độ gấp rút của Dự án nên công tác kiểm kê đền bù, GPMB sẽ triển khai song song với công tác thi công. Việc thi công sẽ triển khai trước khi tiền đền bù được chi trả, do đó địa phương cần tổ chức tuyên truyền thông báo cho nhân dân trong vùng có dự án được biết chủ trương, cách thức thực hiện để nhân dân yên tâm, tạo điều kiện cho đơn vị thi công được triển khai thi công công trình.

- Thứ ba, về cách thực hiện công tác ĐB, GPMB sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, sau khi phê duyệt phương án ĐB, GPMB, Chủ đầu tư sẽ chuyển tiền chi trả phần thiệt hại tài sản trên đất và phần diện tích chiếm đất vĩnh viễn tại các vị trí móng cột, móng néo, TBA. Giai đoạn 2, sau khi đơn vị thi công hoàn tất công tác dựng cột, tuyến đường dây đã được định hình sẽ tổ chức kiểm tra phần thiệt hại tài sản hành lang tuyến và chuyển tiền chi trả bồi thường thiệt hại về hành lang tuyến. Với cách làm này sẽ tránh được các sai sót khi công trình phải chỉnh tuyến và thuận tiện trong việc kiểm kê khối lượng đền bù.

Xuân này, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ được dùng điện, viễn cảnh về một ngày mới với bao điều mong ước đang đến gần trên vùng đất đỏ Tây Nguyên đang thôi thúc chúng ta, những người có trách nhiệm góp phần làm nên thành công của Chương trình cấp điện 5 tỉnh Tây Nguyên.

Theo Công ty Điện lực 3