Sự kiện

LUẬT ĐIỆN LỰC - Những vấn đề còn vướng mắc

Thứ hai, 22/9/2008 | 11:13 GMT+7
Qua 3 năm áp dụng vào thực tế, Luật Điện lực đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh điện năng của nước ta. Những vấn đề phát sinh trong quá trình mua bán điện, ranh giới quản lý và trách nhiệm đầu tư phát triển công trình điện được xác định và giải quyết rõ ràng có sự đồng thuận giữa bên mua và bán điện trên cơ sở của Luật Điện lực, các thông tư, nghị định hướng dẫn dưới Luật. Tuy vậy, vẫn tồn tại một số vấn đề đối với các bên tham gia khi áp dụng  Luật vào hoạt động điện lực.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Kinh doanh & ĐNT Công ty Điện lực thành phố Đà Nẵng: Nên có sự điều chỉnh để Luật thực sự đi vào cuộc sống

Qua thời gian áp dụng Luật Điện lực vào thực tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vẫn còn một số điểm chưa được giải quyết triệt để. Trong việc đầu tư các công trình điện, chưa có sự đồng nhất quan điểm về đầu tư TBA và các công trình 1 pha, 3 pha: Đối với các công trình TBA, ngành Điện đầu tư trong kế hoạch năm, khách hàng đầu tư ngoài kế hoạch năm và có hướng dẫn theo mẫu hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) tại quy trình kinh doanh của EVN, các công trình cấp điện mới (CĐM) 1 pha, 3 pha ngành Điện đầu tư. Trong điều kiện khách quan, có một số khách hàng yêu cầu cho họ tự bỏ vốn đầu tư CĐM khi ngành Điện chưa giải quyết được nhưng ngành Điện chưa chấp thuận chờ xin ý kiến cấp trên, trong khi về công trình TBA thì vẫn cho phép.

Cũng có một số khách hàng có ý kiến về việc tăng hộ sử dụng điện trong trường hợp phải tách hộ khẩu: gia đình gồm nhiều nhân khẩu (có 1 hộ khẩu thường trú) có chia nhà ra ở riêng nhưng chưa tách được hộ khẩu, tuy đủ 4 nhân khẩu nhưng chưa thể cấp hộ sử dụng riêng cho họ mà vẫn phải dùng điện 1 hộ theo quy định của Luật Điện lực, trong khi những người không có hộ khẩu thường trú có đủ 4 khẩu ở thuê là được cấp 1 hộ sử dụng điện…

Trong Luật Điện lực chỉ yêu cầu ngành Điện phải hoàn trả tiền điện do công tơ chạy nhanh, chưa có quy định về trường hợp chạy chậm thì khách hàng phải hoàn trả cho ngành Điện, nhưng trong HĐMBĐ, mục Thỏa thuận khác thì đưa vào nội dung đó, thỏa thuận nhưng không trái với Luật, như vậy có phù hợp với Luật Điện lực? Các văn bản của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực cần làm sáng tỏ các ý kiến của khách hàng sử dụng điện về tách hộ CĐM, kế hoạch đầu tư công trình theo phát triển từng giai đoạn nhất là lúc căng thẳng thiếu nguồn, các thỏa thuận khác nhưng không trái Luật Điện lực, đồng bộ với việc chuyển đổi doanh nghiệp, nguồn vốn bù của Ngân sách Nhà nước; việc triển khai chương trình tiết kiệm điện chậm và chưa cụ thể như việc kiểm toán năng lượng phải có chỗ đứng quan trọng trong việc xác định giá thành sản phẩm chuẩn mực theo tiêu chuẩn thống nhất ở các đối tượng qui định tại Nghị định 102/2003/NĐ-CP ngày 03/09/2003 và có tính chế tài theo qui định đối với cơ quan quản lý nhà nước về điện. Về việc thỏa thuận khách hàng lắp đặt vị trí công tơ cần có quan điểm quản lý công bằng và phù hợp với điều kiện quản lý theo đặc điểm của từng địa phương chứ không đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế, có vậy việc quản lý khách hàng mới thật sự đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Phước Đức - Trưởng phòng Kinh doanh & ĐNT Công ty Điện lực 2: Áp lực chi phí đầu tư đối với bên bán điện là rất lớn

Hiện nay, Công ty Điện lực 2 quản lý khoảng 3,6 triệu khách hàng (tăng 1,3 triệu khách hàng kể từ khi áp dụng Luật Điện lực vào thực tế). Về mặt quản lý, công tác kinh doanh điện năng có nhiều thuận lợi khi giải quyết những phát sinh trong quá trình kinh doanh điện do có đầy đủ khung pháp lý theo quy định của Luật Điện lực. Tuy nhiên, khách hàng tăng nhanh đột biến tạo áp lực cho bên bán điện về nhiều khía cạnh như chi phí đầu tư, nhân công cũng như làm giảm chất lượng dịch vụ khách hàng…

Theo quy định trong Luật Điện lực thì bên bán điện phải đầu tư toàn bộ chi phí vật tư và thi công lắp đặt từ lưới điện hiện hữu đến toàn bộ hệ thống đo đếm điện năng của khách hàng. Vì thế, đối với các công ty điện lực, vấn đề chi phí đầu tư là khó khăn. Chỉ riêng trong năm 2007, toàn Công ty Điện lực 2 phải đầu tư hơn 200 tỷ đồng để  lắp đặt nhánh rẽ cùng hệ thống đo đếm điện cho hơn 400.000 khách hàng ánh sáng sinh hoạt. Khoản chi phí này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và các điện lực trực thuộc, mặc dù chúng tôi đã nỗ lực tiết kiệm các khoản chi phí khác phục vụ cho hoạt động quản lý kinh doanh, áp dụng cơ chế đấu thầu trong mua sắm vật tư thiết bị để có nguồn cung cấp với chi phí thấp nhất và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, giảm tổn thất điện năng so với kế hoạch, thực hiện tốt công tác áp giá đúng đối tượng để tăng doanh thu, giải quyết nhanh các yêu cầu cung cấp điện để tăng sản lượng bán điện... nhằm tăng doanh thu, giảm bớt những khó khăn về chi phí đầu tư phát triển khách hàng.

Trong công tác lắp đặt nhánh điện mới theo yêu cầu của khách hàng, có nhiều trường hợp khách hàng câu phụ được cung cấp điện từ công tơ chính với những quyền lợi về giá điện và đảm bảo cung cấp điện như khách hàng chính. Tuy nhiên, họ vẫn đặt yêu cầu lắp đặt công tơ chính, dẫn đến bên bán điện phải tốn chi phí đầu tư nhưng không tăng được sản lượng điện thương phẩm. Còn theo Điều 60 và 61 của Luật Điện lực, Nhà nước có những chính sách phát triển, đầu tư điện nông thôn, miền núi, hải đảo và cơ chế giá bán điện cho người dân khu vực này. Nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành điều khoản này.

Theo TCĐL số 8/2008