Sự kiện

Luật Điện lực dưới góc nhìn của khách hàng sử dụng điện

Thứ tư, 24/9/2008 | 09:49 GMT+7
Bà Trần Thị Dung – Giám đốc điều hành Công ty TNHH May mặc Tuấn Đạt – TP Tam Kỳ, Quảng Nam: Chúng tôi được cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến Luật Điện lực

Khi ký kết hợp đồng kinh tế sử dụng điện với Chi nhánh điện Tam Kỳ (Điện lực Quảng Nam), chúng tôi đã nghiên cứu kỹ những điều, khoản trong hợp đồng, và thấy rằng những điều khoản này rất phù hợp với điều kiện thực tế của công ty, mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng tôi trong quá trình sử dụng điện. Mặt khác, hợp đồng cũng nêu rõ trách nhiệm của bên cung ứng điện, với những ràng buộc chặt chẽ nhằm đảm bảo cấp điện cho đơn vị chúng tôi hoạt động.

Hằng năm, qua hội nghị khách hàng do Điện lực Quảng Nam và Chi nhánh điện Tam Kỳ tổ chức, chúng tôi được cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến Luật Điện lực. Tuy nhiên, trong nội dung của Luật Điện lực chúng tôi chủ yếu tìm hiểu và nắm chắc một số chương, mục, và các điều khoản có liên quan đến công việc của chúng tôi. Đơn vị cung cấp điện đã thực hiện tốt tất cả các điều khoản đúng như hợp đồng đã ký kết và đảm bảo tất cả mọi quyền lợi cho Công ty như cung ứng điện theo đúng yêu cầu, có chất lượng, khi cắt điện đều có thông báo trước ít nhất 5 ngày thông qua báo, đài địa phương, trên trang Web Điện lực Quảng Nam… Về phía Công ty, chúng tôi luôn chấp hành đầy đủ mọi nghĩa vụ đã quy định. Qua thông tin trên báo, đài cũng như tuyên truyền của Điện lực Quảng Nam, chúng tôi hiểu và thông cảm sâu sắc với thực trạng khó khăn của đất nước về sự cố thiếu điện trong thời gian qua, nhất là trong các tháng mùa khô năm 2008, vì vậy, Công ty đã chấp hành nghiêm túc biểu đồ phụ tải và bản cam kết tiết kiệm điện ít nhất 2% so với nhu cầu tiêu dùng. Công ty chúng tôi lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó điện năng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm nên nhiệm vụ tiết kiệm điện được đặt lên hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Thôn Chân Chim, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội: Nên phổ biến Luật Điện lực sâu, rộng hơn nữa

Là một vùng nông thôn mới được sáp nhập vào Hà Nội, quê chúng tôi còn gặp nhiêu khó khăn trong đời sống, sinh hoạt. Mặc dù đã có điện cách đây hàng chục năm, nhưng hệ thống dây dẫn, cột còn chắp vá rất nhiều. Tôi được biết, nếu hệ thống lưới điện như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điện và làm tổn thất điện năng. Tuy nhiên, tôi và các hộ gia đình sử dụng điện tại đây vẫn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Điện lực, nhất là vể sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với Luật Điện lực, chúng tôi chỉ được biết đến qua tivi, đài phát thanh… và được phổ biến trong một số cuộc họp tại thôn xã, nhưng để nhớ và nắm được luật thì không được nhiều. Chính vì vậy, để Luật Điện lực được phổ cập, trong thời gian tới, các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng cùng các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền Luật Điện lực sâu, rộng hơn nữa đến toàn dân, đưa Luật Điện lực vào cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

Ông Nguyễn Đức Minh – Thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội: Cần nắm Luật Điện lực để hiểu đúng về ngành Điện

Qua một số phương tiện truyền thông đại chúng, tôi biết Luật điện lực đã được ban hành và áp dụng từ năm 2005. Trên thực tế thì tôi cũng chỉ nắm được một số điều cơ bản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng mua điện như: Quyền yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện; Quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về điện lực của bên bán điện… Có nghĩa vụ thanh toán tiền điện đầy đủ, đúng thời hạn; Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện; Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả… Luật đề ra như vậy, song tôi nghĩ tiết kiệm điện là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, đồng thời tiết kiệm điện giúp giảm chi tiêu gia đình. Riêng đối với gia đình tôi, từ trước đến nay, chúng tôi luôn thực hiện thanh toán tiền điện đầy đủ đúng thời hạn. Lịch cắt điện tại khu vực thường được thông báo trước nên cũng không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, tôi thấy khá nhiều người còn mơ hồ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng điện, chưa nắm được Luật điện lực nên hiểu chưa đúng về ngành Điện.

Ông Nguyễn Duy Vượng, Giám đốc Công ty TNHH Yên Phú ( Yên Bái): Hiểu Luật để thực hiện cho tốt

Là một khách hàng dùng điện lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn, mọi hoạt động của Công ty chúng tôi đều phải dùng đến điện. Do đó chúng tôi luôn quan tâm và theo dõi sự ra đời của Luật điện lực qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi biết Quốc hội khoá XI thông qua Luật điện lực, chúng tôi đã tìm hiểu cặn kẽ, trước khi Luật có hiệu lực ngày 1/7/2005 chúng tôi đã nắm chắc toàn bộ nội dung của Luật, sau đó qua Sở Công nghiệp Yên Bái, Điện lực Yên Bái, chúng tôi được tập huấn, phổ biến đã biết thêm những nội dung cụ thể hơn.

Là khách hàng của ngành Điện, Công ty chúng tôi luôn nghiêm túc thực hiện cam kết của mình khi sử dụng điện, chúng tôi ý thức được rằng, hiện tại nguồn điện đang thiếu trầm trọng nên việc giảm tải  trong giờ cao điểm là việc làm bất khả kháng của ngành Điện, nhằm giữ cho lưới vận hành ổn định. Do đó, khi được thông báo giảm tải, Công ty chúng tôi chỉ đạo các Phân xưởng sản xuất thực hiện triệt để ngay. Việc này công ty chúng tôi luôn được Điện lực Yên Bái đánh giá cao.

Về phía Điện lực Yên Bái là đơn vị cung ứng kinh doanh điện rất coi trọng đến quyền lợi khách hàng, khi cần sửa chữa hoặc chuyển nguồn đều thông báo trước 7 ngày theo quy định của Luật để chúng tôi có thời gian bố trí sản xuất, ngoài ra việc đảm bảo chất lượng điện áp và thời gian cấp điện ổn định và liên tục.

Theo TCĐL số 8/2008