Sự kiện

Tìm nguồn điện cho Côn Đảo

Thứ ba, 9/9/2008 | 08:49 GMT+7
Với dự án điện gió đang được triển khai, nhu cầu cung cấp điện cho người dân trên đảo trong giai đoạn tới sẽ tạm thời được giải quyết. Thế nhưng, cùng với tốc độ phát triển của ngành du lịch nhu cầu sử dụng điện tăng mỗi năm là 48% Côn Đảo sẽ thiếu điện nếu không có tầm nhìn chiến lược ngay từ bây giờ.

 

Nhà máy điện Côn Đảo hiện nay công suất chỉ 3MW, không thể đáp ứng được nhu cầu về điện trong những năm tới.

Cả đảo chỉ có 1 máy phát điện

UBND huyện Côn Đảo cho biết, hiện nay toàn đảo sử dụng điện từ nhà máy phát điện chạy diezel với công suất 3 MW. Sản lượng điện của nhà máy này đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên đảo. Sở dĩ chỉ một nhà máy điện công suất nhỏ cũng đủ cho nhu cầu hiện tại là do dân số trên đảo chưa nhiều, chỉ gần 6.000 người (chưa kể khách vãng lai và lực lượng vũ trang). Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh cũng chưa phát triển mạnh và là những ngành không đòi hỏi lượng điện tiêu thụ lớn. Ngành du lịch được coi là ngành “ngốn” điện nhiều nhất, hiện cũng chỉ có 150 phòng, sức chứa 435 khách.

Tuy nhiên, nhìn vào quy hoạch phát triển kinh tế xã - hội của huyện Côn Đảo trong những năm tới, nhà máy điện diezel hiện tại sẽ không đủ sức đáp ứng. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 50.000 người, tăng gần gấp 10 lần so với hiện nay. Côn Đảo sẽ trở thành một khu kinh tế du lịch hiện đại, có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Khách du lịch năm 2020 dự kiến sẽ vào khoảng 500 – 700 ngàn lượt người/năm. Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn ở đây với nhiều resort, khu khu lịch mang tầm quốc tế. Đây cũng chính là ngành sử dụng một lượng điện năng lớn.

Ngay trong năm 2009, sẽ có một số dự án du lịch đi vào hoạt động, trong đó có khu resort Evason Hideaway, thuộc Indochina Land (khu du lịch Đất Dốc), vốn đầu tư 23 triệu USD. Theo tính toán, nếu khu du lịch này đi vào hoạt động, dự kiến nguồn năng lượng dành riêng cho nó có thể vào khoảng 2MW. Ngoài ra, dự án Saigon tourist mở rộng vốn đầu tư 65 tỷ đồng cũng đang được khẩn trương thực hiện dự kiến hoàn thành năm 2009. Nếu thực hiện theo đúng chủ trương “tập trung cho sản xuất và kinh doanh” thì tình trạng thiếu điện chắc chắn sẽ xảy ra với người dân trên đảo. Còn nếu dung hòa giữa đời sống và sản xuất, thì các khu du lịch mới này sẽ không phát huy được năng lực của mình, tạo “cú hích” cho sự tăng tốc của Côn Đảo theo chủ trương lấy du lịch làm mũi nhọn.

Ngoài ngành du lịch, việc quy hoạch phát triển các ngành nghề như: xản xuất nước đá, phục vụ cho nhu cầu đánh bắt hải sản của ngư dân cơ khí sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản cao cấp dành cho xuất khẩu… cũng đòi hỏi phải có một nguồn điện lớn.

Gian truân điện gió

Dự án điện gió xây dựng tại Côn Đảo đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lựa chọn từ lâu do tính thực tế và hiệu quả. Với một đảo cách đất liền khá xa, việc “tải” điện từ đất liền ra là không tưởng. Chính vì vậy việc xây dựng nhà máy điện tại chỗ được quan tâm nhất. Nhà máy chạy diezel hiện tại công suất quá nhỏ, nếu xây dựng thêm cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, điện gió lại là loại hình sản xuất cho ra nguồn năng lượng sạch, tận dụng được sức gió trên đảo. Không những thế, giá thành sản xuất lại rẻ hơn nhiều so với nhà máy điện chạy diezel. Theo tính toán, nhà máy điện gió hoạt động sẽ tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm so với các loại hình sản xuất điện khác.

Dự án điện gió đầu tiên tại Côn Đảo được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 1-10-2007 do Công ty cổ phần Aerogie.plus Solusions AG, Thuỵ Sĩ, đầu tư. Vốn đầu tư hơn 18 triệu USD, tổng công suất 7,5MW. Tuy nhiên dự án này đã không được triển khai đúng tiến độ. Theo giấy chứng nhận đầu tư này, tháng 6-2008 chủ đầu tư đã phải khởi công dự án nhưng đến nay, theo Ban Quản lý Phát triển Côn Đảo, dự án vẫn chưa xong các thủ tục về đất đai. Như vậy, kế hoạch giữa năm 2009 đưa vào hoạt động đã bị phá vỡ.

Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết, nếu dự án điện gió này đi vào hoạt động, cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân đến năm 2015. Với tốc độ tăng trưởng phụ tải là 48% như hiện nay, cộng với hàng loạt dự án du lịch sẽ đưa vào sử dụng tới đây, Côn Đảo cần sớm có kế hoạch để kêu gọi những dự án đầu tư về điện khác vì bất cứ một dự án nào đều có quá trình xem xét, thủ tục, đầu tư… rất lâu, nếu khoanh tay ngồi đợi khi nào thiếu rồi mới tính thì sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu. Được biết, hiện nay cũng đã có một dự án khác loại hình điện gió đề nghị được đầu tư vào Côn Đảo nhưng địa điểm được chọn lại trùng với địa điểm mà dự án điện gió của Thụy Sĩ đang thực hiện. UBND tỉnh đang xem xét và bàn với chủ đầu tư bố trí vị trí đất khác. Bên cạnh đó, ông Doãn đề nghị UBND tỉnh cần có kế hoạch về vốn ngân sách, không chỉ dành cho việc phát triển nguồn điện mà còn để giải quyết các vấn đề hạ tầng cơ sở như nước, đường giao thông… Có như vậy Côn Đảo mới phát triển đồng bộ, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế đã được lên phê duyệt tại Đề án Phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020.

Song song với việc phát triển các dự án điện tại Đảo lớn, việc phát triển hệ thống điện ở các đảo phụ cận cũng rất cần thiết vì các đảo này sẽ có vai trò vệ tinh trong hoạt động du lịch quốc tế đặc sắc. Theo nghiên cứu khoa học, loại hình phù hợp ngoài điện gió chính là sử dụng năng lượng mặt trời. Như vậy UBND tỉnh cần có những chủ trương và biện pháp nhằm kêu gọi đầu tư vào loại hình sản xuất năng lượng mới, kịp thời đáp ứng cho nhu cầu tăng tốc của Côn Đảo trong những năm tới.

Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo: Nên đưa Côn Đảo vào hệ thống điện quốc gia

Hiện nay hệ thống điện tại Côn Đảo độc lập so với hệ thống điện lưới quốc gia. Sản phẩm của nhà máy điện diezel đang hoạt động được trợ giá của ngân sách tỉnh nên vẫn bán cho dân với mức giá bằng mức giá của ngành điện quy định. Để hệ thống điện của Côn Đảo phát triển tốt hơn, đề nghị ngành điện có kế hoạch đưa hệ thống điện Côn Đảo vào quản lý cùng với hệ thống điện quốc gia và có kế hoạch đầu tư phát triển, duy tu bảo dưỡng hàng năm. Nếu thuộc sự quản lý của ngành điện, việc sản xuất và kinh doanh điện ở Côn Đảo sẽ được hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, lao động ngành điện ở Côn Đảo sẽ được hưởng mức thu nhập tương xứng, được huấn luyện về an toàn…

Theo Báo Bà Rịa-Vũng tàu