Tỉnh Bình Thuận: Bước đột phá về năng lượng điện

Thứ năm, 25/8/2022 | 14:36 GMT+7
Nếu trước đây, Bình Thuận nhiều nắng, gió, ít mưa… từng là điều bất lợi “kìm chế” sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì nay sau 30 năm tái lập tỉnh, chính những điều bất lợi này đã được biến thành thế mạnh, tiềm năng để Bình Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Những cột điện gió tại địa bàn huyện Bắc Bình. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
 
Những năm đầu tái lập tỉnh, Bình Thuận là tỉnh nghèo với khí hậu khắc nghiệt, nắng gió quanh năm. Vẫn tưởng những khó khăn này kìm hãm sự phát triển của tỉnh, nhưng chính trong những giai đoạn đó, tỉnh đã dần biến những bất lợi thành lợi thế, cùng với chính sách ưu đãi hợp lý thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, Bình Thuận dần vượt qua giai đoạn khó khăn và giờ đây đang trên con đường xây dựng thành Trung tâm năng lượng quốc gia. 
 
Chuyển bất lợi thành lợi thế
 
Nếu trước đây, Bình Thuận nhiều nắng, gió, ít mưa… từng là điều bất lợi “kìm chế” sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì nay, chính những điều bất lợi này đã được biến thành thế mạnh, tiềm năng để Bình Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhất là điện mặt trời, điện gió và tương lai không xa là điện gió ngoài khơi.
 
Ông Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 44/111 xã, phường, thị trấn có điện với 35% tổng số hộ dân toàn tỉnh có điện. Điện chỉ được cung cấp tập trung ở trung tâm và một số vùng thiết yếu lúc này, còn tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… thì người dân hoàn toàn không có điện sử dụng. Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành điện, đến năm 2022 toàn tỉnh đã có 124/124 xã, phường, thị trấn có điện, 99,7% tổng số hộ dân toàn tỉnh có điện; trong đó, số hộ nông thôn có điện đạt 99,69%. Trong các năm qua đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các thành phần phụ tải quan trọng, phụ tải sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của địa phương.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia về năng lượng tái tạo, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Thuận hiện nay đang có sức thu hút lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua khảo sát, Bình Thuận là địa phương có số giờ nắng, giờ gió trung bình cao; bên cạnh đó tốc độ gió, bức xạ nhiệt nắng cao và ổn định, rất phù hợp, thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.
 
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, xác định phát triển nguồn năng lượng tái tạo trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, từ năm 2010, Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2012.
 
Theo đó, đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5,4 tỷ kWh/năm. Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030 của tỉnh với tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9,7 tỷ kWh/năm.
 
Năm 2012, Nhà máy Phong điện I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong được khánh thành. Đây là dự án năng lượng tái tạo, dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có công suất lớn, được kết nối vào lưới điện quốc gia. Sau khi Nhà máy Phong điện tiên phong này đi vào hoạt động, năng lượng tái tạo đã trở thành lĩnh vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Thuận. Nhất là tại các khu vực nhiều gió và nắng có bức xạ nhiệt cao phía Bắc tỉnh như huyện Bắc Bình, Tuy Phong… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đăng ký đầu tư với tổng công suất khoảng 6.800 MWp và tổng vốn đầu tư gần 180 nghìn tỷ đồng.
 
Ông Lê Thanh Nghị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phận điện mặt trời Hà Đô Bình Thuận cho biết, điều quan trọng nhất để phát triển điện năng lượng mặt trời là cần có bức xạ tốt và thứ hai là diện tích đất rộng, mà tốt nhất là diện tích đất không ảnh hưởng đến các ngành nghề khác đặt biệt là nông nghiệp. Bình Thuận đáp ứng đủ các yêu cầu đề ra trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, cùng với đó chính quyền địa phương tạo các điều kiện hết sức thuận lợi khi đến đây đầu tư.
 
Tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.520 MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; 7 nhà máy thủy điện; 10 nhà máy điện gió; 26 nhà máy điện mặt trời; 1 nhà máy điện diesel trên huyện đảo Phú Quý. Sản lượng điện thiết kế của 48 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh vào khoảng 31,6 tỷ kWh/năm.
 
Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm năng lượng quốc gia
 
Với lợi thế 192 km đường bờ biển dài và nắng gió quanh năm nên Bình Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất trong cả nước; số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.
 
Từ những lợi thế đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW, ngày 28/11/2013 xác định Bình Thuận là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015-2020) đã đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng và tích cực triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2020-2025) khẳng định Công nghiệp năng lượng là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
 
Để phát triển năng lượng bền vững và đúng hướng, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 216-KH/TU về định hướng phát triển năng lượng điện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Bình Thuận dự kiến phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện (điện than, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời, thủy điện) dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 13,85GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh; đến năm 2030, đạt khoảng 22,6 GW, sản lượng điện đạt khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3 GW, sản lượng điện đạt khoảng 164 tỷ kWh.
 
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định, đối với công nghiệp, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, nhưng tập trung vào những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, như điện mặt trời, điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi) và điện khí hóa lỏng LNG.
 
Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về bức xạ mặt trời và năng lượng gió nên cần phải phát huy tối đa tiềm năng này, biến tiềm năng tự nhiên thành nguồn lực cho sự phát triển, xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế phát triển lâu dài và bền vững.
 
Để khai thác các lợi thế và tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét đưa các dự án điện vào Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 8 dự án điện gió ngoài khơi; Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà; Dự án thủy điện tích năng tại huyện Bắc Bình; cập nhật 14 dự án điện gió trên đất liền, 62 dự án điện mặt trời…
 
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị xem xét bổ sung vào quy hoạch điện lực Quốc gia các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp 500 kV, 220 kV, triển khai đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất và phát huy hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Link gốc
Theo: Báo tin tức