Sau khi thành lập, EVNSPC đã tổ chức nhanh chóng phục hồi các nhà máy, đường dây tải điện, đẩy mạnh sản xuất điện phục vụ công cuộc tái thiết đất nước, đặc biệt là khôi phục đường ống thuỷ áp Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và đường dây 230 KV Đa Nhim- Sài Gòn, bổ sung nguồn điện cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Trong 20 năm, từ 1975 đến 1995, EVNSPC đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: phục hồi Nhà máy điện Thủ Đức; xây dựng Nhà máy thuỷ điện Trị An, Nhà máy thuỷ điện Thác Mơ; tham gia xây dựng đường dây và Trạm 500 KV Bắc-Nam; chuẩn bị triển khai Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, Nhà máy điện Bà Rịa; phát triển lưới điện quốc gia đến tất cả các tỉnh phía Nam.
Đến tháng 3/1995, EVNSPC được sắp xếp lại theo Quyết định của EVN, một số đơn vị đã tách ra khỏi EVNSPC chuyển về trực thuộc EVN. Hoạt động chủ yếu của EVNSPC lúc này là quản lý lưới điện phân phối và kinh doanh bán điện cho khách hàng trên phạm vi 18 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau (trừ thành phố Hồ Chí Minh); giải quyết cung cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của các tỉnh, trong đó có các khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. EVNSPC đã thực hiện ngầm hoá lưới điện phân phối 4 thành phố: Biên Hoà, Đà Lạt, Vũng Tàu và Cần Thơ; đẩy mạnh chương trình điện khí hoá nông thôn từ các nguồn vốn vay ODA (WB,AFD), các nguồn tín dụng trong nước, vốn ứng trước của các địa phương; xây dựng các tuyến đường điện phục vụ các cụm dân cư chống lũ ở các tỉnh dồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Nhà máy điện Diesel cung cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và Phú Quý (Bình Thuận); phát triển lưới điện phân phối từ 110 KV trở xuống phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố phía Nam.
Đến cuối năm 2009, EVNSPC đã sản xuất điện thương phẩm đạt 19,616 tỷ KWh; số lượng khách hàng đã lên đến 4.337.197; tỷ lệ hộ dân có điện trên địa bàn đạt 95,5% và số hộ dân nông thôn có điện đạt 94,49%; số xã ở đất liền có điện đạt 99,89% (trừ 2 xã của huyện đảo Phú Quốc); doanh thu đạt 19.210 tỷ đồng... Ngoài ra EVNSPC đã tham gia góp vốn và là cổ đông sáng lập của 12 công ty cổ phần, trong đó là cổ đông sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của 4 công ty: Công ty CP Thuỷ điện miền Nam, Công ty CP Thuỷ điện miền Trung, Công ty CP sản xuất thiết bị điện VINASINO và Công ty CP Đầu tư – Thương mại- Dịch vụ Điện lực.
Từ tháng 2/2010, EVNSPC lần nữa được Bộ Công Thương ra Quyết định sắp xếp, củng cố lại trên cơ sở tổ chức lại đơn vị và chuyển quyền sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai từ EVN về EVNSPC. EVNSPC được giao quản lý lưới điện phân phối từ 110 KV trở xuống và kinh doanh bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, với các nhiệm vụ và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phải hoàn thành: Sản lượng điện thương phảm đạt 28,6 tỷ KWh; số lượng khách hàng đạt 5 triệu; doanh thu 27.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Duy cho biết, trước mắt và thời gian tiếp theo, EVNSPC tập trung triển khai Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên- Phú Quốc và các công trình liên quan để đảm bảo cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc vào năm 2012. Triển khai các dự án cấp điện cho 45.000 hộ người dân tộc Khơ –me tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh. Phối hợp với các địa phưong xây dựng và trình duyệt quy hoạch điện giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn 2020 cùng các giải pháp cấp điện cho phát triển sản xuất nông nghiệp và phục vụ xuất khẩu. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao công tác quản lý, điều hành; xây dựng hệ thống Scada và trạm 110 kV không người trực; cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng; phối hợp với ngân hàng cải tiến công tác thu tiền điện....
Qua 35 năm hình thành và phát triển, EVNSPC đã đồng hành cùng sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và Ngành Điện Việt Nam, đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận. EVNSPC đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008) cùng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý khác./.