Ông Lê Tùng Lâm - Phó giám đốc TTĐ Tây Bắc 2 phổ biến công tác an toàn, phương án, biện pháp thi công trước khi ra quân thực hiện công trình sửa chữa.
Đường dây (ĐZ) 500kV 580 Sơn La (T500SL) - 574 Hòa Bình (T500HB) thuộc công trình 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan có chiều dài 206,3km, được đóng điện đưa vào vận hành năm 2010 nhằm giải tỏa công suất cho nhà máy thủy điện Sơn La.
Đường dây được thiết kế sử dụng cách điện là các chuỗi composite, đây là cách điện theo công nghệ mới. Sau thời gian dài vận hành, với điều kiện địa hình vùng đồi, núi cao, vượt thung lũng sâu, khí hậu khắc nghiệt thay đổi bất thường, sương mù, sương muối, nồm, ẩm, độ chênh nhiệt độ theo mùa lớn tại một số vị trí xuất hiện hiện tượng lão hóa, vỏ cách điện composite có hiện tượng rạn nứt, mủn, thủng lỗ, rách tán và đặc biệt có một số vị trí rêu bám đã làm suy giảm khả năng cách điện của đường dây.
Công trình sửa chữa thay thế cách điện và phụ kiện đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình gồm 99 vị trí, trong đó có 42 vị trí thuộc cung đoạn TTĐ Tây Bắc 2 và 57 vị trí thuộc TTĐ Hòa Bình quản lý vận hành. Trong đợt cắt điện từ ngày 09-11/01/2023, TTĐ Hòa Bình và TTĐ Tây Bắc 2 đã thực hiện thay thế 56 vị trí/272 chuỗi đỡ.
Trong đợt 2 này (từ ngày 08-12/02/2023) công trình thay thế cách điện và phụ kiện ĐZ tại 43 vị trí néo trong đó TTĐ Hòa Bình thực hiện 18 vị trí/216 chuỗi cách điện néo loại 300kN và 54 chuỗi đỡ lèo loại 120kN; TTĐ Tây Bắc 2 thực hiện thay thế 25 vị trí/232 chuỗi néo loại 300kN. Một khối lượng công việc rất lớn đã được chuẩn bị trước đó để công tác thi công được thông suốt, đảm bảo an toàn và đúng tiến độ. Gần 190 tấn thiết bị, phụ kiện và dụng cụ phục vụ cho công tác thi công đã được vận chuyển đến chân các vị trí cột trước ngày cắt điện. Trong đó, PTC1 đã huy động gần 200 cán bộ, công nhân đến từ tất cả các đội thuộc TTĐ Hòa Bình, Tây Bắc 2 và sự tăng cường của TTĐ Hà Nội, Nghệ An. Ngoài ra, các đơn vị truyền tải điện đã phải huy động thêm gần 100 lao động là người dân tại địa phương để cùng với công nhân gùi, vác, cõng hàng trăm tấn thiết bị, phụ kiện trèo đèo, lội suối, băng rừng lên đến vị trí thi công. Vận chuyển thiết bị là một trong những công việc hết sức khó khăn do phải đi qua những khu vực có địa hình phức tạp.
Công nhân phải treo mình trên độ cao 40-50m để thay thiết bị.
Ấn tượng nhất của chúng tôi không phải là hình ảnh vượt qua quãng đường núi trơn trượt, hay lội qua con suối mà trên vai, trên lưng các công nhân vẫn mang trên mình hàng chục kilogam thiết bị, dụng cụ lao động mà là hình ảnh những người thợ truyền tải điện đến giữa trưa vẫn treo mình ở độ cao 40-50m, những giọt mồ hôi của mỗi công nhân vẫn cứ “túa ra”, các anh vẫn tập trung cao độ để tháo dỡ hàng tấn chuỗi cách điện, phụ kiện và sau đó là những chuỗi cách điện mới lại được kéo lên để lắp đặt sao cho chính xác tuyệt đối và đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Đoàn công tác do ông Hoàng Xuân Khôi - Phó giám đốc PTC1 có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.
14h chiều ngày 11/02/2023 công việc tại vị trí cột 293 do đội TTĐ Lạc Sơn đảm nhiệm đã hoàn thành, thu dọn dụng cụ lao động cùng thiết bị cũ được tháo dỡ, lại một hành trình gian khổ từ vị trí thi công để xuống núi đối với người thợ truyền tải bắt đầu. Lúc này sự mệt mỏi mới hiện hữu trên khuôn mặt các anh, nhưng họ vẫn thấy vui vì công việc đã hoàn thành. Xuống đến chân núi, dừng chân tại nhà dân bên đường, tháo găng tay bảo hộ và ủng ra, uống cốc trà ấm và trở lại nhà công vụ nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho những vị trí thi công tiếp theo vào ngày hôm sau.
Kéo sứ lên vị trí thay thế.
Vận chuyển vật tư lên vị trí thi công lúc 4h sáng, có ánh trăng động viên lính truyền tải.
Đã 19h30 cố xong cho kịp tiến độ.
Ông Phan Đông Minh - Phó Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình cho biết: Đường dây 500kV Sơn La- Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, đây là tuyến đường dây huyết mạch nhằm giải tỏa công suất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, phục vụ an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Sau thời gian dài vận hành do đường dây chủ yếu đi qua vùng đồi núi cao, vượt thung lũng sâu, khí hậu khắc nghiệt, thay đổi bất thường theo mùa, mùa hè thì năng nóng nhiệt độ môi trường lên đến 39-40 độ C, mùa đông lại lạnh giá nhiệt độ môi trường xuống dưới 5 độ C, cách điện composite đã xuất hiện các tán cách điện vật liệu silicon bị lão hóa, rạn, rách tán và có hiện tượng rêu bám đã làm suy giảm khả năng cách điện. TTĐ Hòa Bình có 57 vị trí phải sửa chữa thay thế trong đó chủ yếu nằm ở khu vực huyện Mộc Châu, Vân Hồ của tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.
Đưa cách điện vào vị trí chuẩn bị kéo lên thay thế.
Bên cạnh đó, địa hình phức tạp chủ yếu là núi đá, đường giao thông đi lại khó khăn, đa số các vị trí thi công xe ô – tô chở thiết bị, phụ kiện đều phải tập kết trên đường, người công nhân phải đi bộ tiếp tục mới tới chân cột thi công. Chính vì địa hình quá phức tạp nên hầu như các phương tiện thi công cơ giới không thể tiếp cận các vị trí cột. Tất cả phải làm bằng sức người: vận chuyển vật tư, thiết bị, dụng cụ… bằng kéo cáp hoặc thuê người dân địa phương gùi, vác lên núi.
Vị trí cột 293, ĐZ 500kV Sơn La - Hòa Bình.
Ông Hồ Văn Hồng - Đội phó Đội truyền tải điện Mộc Châu chia sẻ, vị trí cột 293 mà đoàn công tác đến là tương đối thuận lợi so với nhiều vị trí khác do gần đường giao thông, chỉ đi bộ khoảng 800m là đến nơi, tuy đường núi dốc nhưng lại không phải lội qua suối hay các đèo sâu vào trong rừng như nhiều vị trí cột khác. Trong lần thi công này có nhiều vị trí khó khăn vất vả lắm! chúng tôi phải đi bộ hơn 02 km đường rừng, vách núi đá dựng đứng, đường trơn trượt, người công nhân phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới đến vị trí cột thi công.
Niềm vui của công nhân khi chuỗi sứ cuối cùng đã thay xong.
Ông Hoàng Xuân Khôi – Phó giám đốc PTC1 chia sẻ: Công việc của những cán bộ, công nhân truyền tải điện thì vất vả, liên tục di chuyển trên những địa hình phức tạp, thường xuyên phải xa gia đình. Chính vì vậy, mà lãnh đạo PTC1 cùng Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đoàn thể luôn quan tâm, bám sát công trường thi công, động viên cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Nhờ đó, những người “lính” truyền tải luôn thấy ấm lòng và yên tâm cống hiến, nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức để mỗi công trình đều đảm bảo về tiến độ và chất lượng, vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc.
Đến 17 giờ ngày 12/02/2023, ban chỉ huy công trình cho biết: Toàn bộ 43 vị trí thuộc hai đơn vị TTĐ Hoà Bình và TTĐ Tây Bắc 2 đã thi công xong, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị. Như vậy theo phương án công trình về đích sớm một ngày, rút ngắn thời gian cắt điện và tiết kiệm chi phí …Trả điện sớm cũng có nghĩa lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho hệ thống điện Quốc gia, ông Đào Trọng Tài – Trưởng phòng Kỹ thuật PTC1 chia sẻ.