Vn-Index tăng điểm bất chấp sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ

Thứ ba, 10/3/2009 | 15:25 GMT+7
Trái chiều với những diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, sáng 10/3, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những khởi sắc đáng mừng. Vn-Index vượt ngưỡng 250 điểm.
Đây là phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của chỉ số này và là lần đầu tiên trong vòng hơn 2 tuần qua, chỉ số VN-Index trở lại lên trên ngưỡng 250 điểm.

Sáng nay, trong tổng số 174 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE có 141 mã tăng giá (58 mã tăng trần), 18 mã giảm giá (1 giảm sàn) và 19 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 10/3 đạt 12,1 triệu đơn vị, trị giá 211,2 tỷ đồng (phiên liền trước là 8,8 triệu đơn vị và 156 tỷ đồng).

Đúng như dự đoán của nhiều nhà đầu tư, thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam mở cửa sáng nay đã có một chút hoảng loạn ban đầu do ảnh hưởng của một phiên lao dốc trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua sau khi tỷ phú lừng danh Warren Buffett cho rằng nền kinh tế Mỹ phải mất 5 năm nữa mới phục hồi.

Mặc dù vậy, sức cầu khá mạnh từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước và sức bán yếu ớt trong bối cảnh giá cổ phiếu đang đứng ở mức thấp nhất trong 4 năm qua đã hỗ trợ rất mạnh cho thị trường.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng khiêm tốn ở mức 0,75% lên 249,71 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh từ mức 700.000-1 triệu đơn vị lên gần 1,85 triệu đơn vị.

Với sức cầu khá mạnh trong đợt 1, thị trường dường như thoát được ngưỡng cản tâm lý. Đa số các cổ phiếu nhanh chóng tăng mạnh hơn trong đợt 2 kéo chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 250 điểm.

Tình trạng này được duy trì cho tới cuối phiên giao dịch.

Một số nhà đầu tư cho biết, họ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cổ phiếu do thị trường chứng khoán đã giảm sâu (khoảng 75% so với đầu năm 2008) với hy vọng một ngày nào đó thị trường sẽ bật trở lại với các cổ phiếu có thể tăng giá gấp 2-3 lần.

Những tín hiệu khá tích cực từ các số liệu kinh tế vĩ mô (như xuất siêu, CPI ở mức thấp…), gói kích cầu đang được tích cực triển khai, các doanh nghiệp niêm yết công bố trả cổ tức khá cao… là những thông tin đang giúp nhiều người vững tin để mua vào.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng hồi phục nhanh chóng của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế nhiều nước lớn trên thế giới vẫn lún sâu hơn vào suy thoái và các nhà tạo lập thị trường vẫn chưa thực sự mặn mà với cổ phiếu.

Gần đây, việc một số công ty công bố trả cổ tức ở mức khá cao đã làm cho giá cổ phiếu của các công ty này gia tăng đột biến. Tuy nhiên, theo Ken Tai - chuyên gia phân tích kỹ thuật cao cấp của CTCK Kim Eng, “Cổ tức nên được xem xét trong 1 thời gian dài và phải gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế nhà đầu tư nên xem xét kỹ hoạt động của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư vào các cổ phiếu loại này vì thực chất cổ tức sẽ được trừ vào giá của cổ phiếu. Một doanh nghiệp không trả cổ tức mà dùng số tiền đó để phát triển hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị cổ phiếu thì vẫn tốt hơn doanh nghiệp trả cổ tức cao nhưng có hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp đi vay tiền để trả cổ tức thì nhà đầu tư càng cần phải xem xét kỹ hơn”.

Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay, trong các cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, trừ VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl giảm nhẹ 500 đồng xuống 41.500 đồng/cổ phiếu và HAG của Hoàng Anh Gia Lai đứng giá 54.000 đồng/cổ phiếu, còn lại đều tăng giá.

Đặc biệt, cổ phiếu VIC của Vincom tăng trần 1.800 đồng lên 38.300 đồng/cổ phiếu.

Các mã lớn tăng giá khác bao gồm: DPM của Đạm Phú Mỹ, HPG của Hoà Phát, PVF của Tài chính Dầu khí, PVD của PV Drilling, STB của Sacombank, VNM của Vinamilk…

Những mã cổ phiếu tăng trần và có dư mua trống trơn hoặc rất ít sáng nay bao gồm: HSG của Tập đoàn Hoa Sen, ITA của ITACO, KDC của Kinh Đô, TCM của dệt may Thành Công, TSC của Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ, VHG của Đầu tư SX Việt Hàn, TAC của Dầu Tường An…

Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 1,77 triệu đơn vị. SSI của Chứng khoán Sài Gòn theo sau với 0,93 triệu. PVT của PV Trans đứng ở vị trí thứ 3 với 0,64 triệu. HPG của Tập đoàn Hoà Phát và FPT của Tập đoàn FPT đứng ở các vị trí tiếp theo với 0,5 và 0,5 triệu đơn vị.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index cũng tăng giá phiên thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, chỉ số HASTC-Index tăng 1,97 điểm (2,3%) lên 87,5 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 10/3 đạt 8,4 triệu đơn vị, trị giá 141 tỷ đồng, phiên trước là 4,5 triệu đơn vị và 83,9 tỷ đồng.
Theo: Vietnamnet