Sự kiện

Xung quanh việc điều chỉnh giá cho thuê cột treo cáp thông tin: Doanh nghiệp viễn thông vẫn rất có lợi

Thứ tư, 13/5/2009 | 10:37 GMT+7
Ðã có không ít vụ đổ cột, đứt dây điện vì bị “đèo bòng” quá nhiều cáp thông tin, gây chết người tham gia giao thông. Theo quan điểm của EVN: Việc treo cáp viễn thông lên cột điện gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện, không nên khuyết khích. Các đơn vị kinh doanh viễn thông cần có biện pháp sắp xếp, trỉnh trang, thay thế các tuyến cáp thông tin hiện đang treo hỗn loạn trên côt điện.

Doanh nghiệp viễn thông quá lạm dụng

Tình trạng treo cáp viễn thông trên cột điện của EVN đang rất phức tạp, lộn xộn    
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Trưởng ban Viễn thông và CNTT EVN cho biết: Ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước và xã hội, nhiều năm qua EVN đã đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng cột điện để treo cáp thông tin. Ðặc biệt, với các tuyến cáp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, các vùng viễn thông công ích và các chương trình giáo dục, EVN chủ trương không thu phí cho thuê cột. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tình hình treo các loại cáp thông tin trên hệ thống cột điện đã gây nhiều bức xúc trong dư luận do các doanh nghiệp viễn thông treo cáp quá tùy tiện, cẩu thả. Tại các đô thị, trên bất kỳ tuyến phố nào cũng có thể thấy tình trạng mất mỹ quan, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn vận hành hệ thống điện và tính mạng của người dân. Ông Lâm bức xúc: “Khi có sự cố, cần phải hạ cáp để sửa chữa hoặc thay cột điện, gọi mãi không có doanh nghiệp nào đến nhận cáp. EVN bắt buộc phải cắt cáp,nhưng có khi còn bị doanh nghiệp khiếu nại…”

Từ năm 2003, 2004, EVN mới bắt đầu tính phí cho thuê cột điện và ràng buộc bằng các hợp đồng kinh tế để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông. Ðơn giá tại thời điểm đó chỉ được tạm tính (mang tính trượng trưng). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp viễn thông thiếu trách nhiệm trong việc treo và quản lý cáp treo trên cột điện, gây mất an toàn điện và tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp viễn thông nào cũng ký hợp đồng treo cáp với EVN một cách đầy đủ. Chẳng hạn như FPT chỉ ký “lẻ tẻ” hợp đồng treo cáp ở vài nơi, trong khi đó lại tiến hành treo cáp theo kiểu “đánh du kích” ở khắp nơi.

Trước tình trạng đáng báo động đó, thời gian qua, EVN đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị thành viên cũng như đề nghị các doanh nghiệp viễn thông chấn chỉnh toàn diện tình hình treo cáp trên cột điện. Chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc một cách quyết liệt. Tuy nhiên, do Nhà nước chưa có văn bản pháp quy cụ thể quản lý hoạt động này nên thực tế cho thấy, tình hình này vẫn rất phức tạp, lộn xộn.

Ðiều chỉnh giá sát thực tế

Việc xây dựng hệ thống truyền dẫn (trong đó có hệ thống cột thông tin) để truyền tải thông tin từ mạng lõi viễn thông tới khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông là một hạng mục thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông. Ðồng thời, để tăng cường công tác quản lý cột điện, đảm bảo việc cung cấp điện liên tục cho xã hội và an toàn cho người dân, EVN đã yêu cầu các điện lực địa phương tiếp tục chấn chỉnh và kiểm soát việc treo cáp thông tin. Theo đó, nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, có thiết kế, thỏa thuận và ký hợp đồng treo cáp thông tin với các điện lực địa phương thì doanh nghiệp viễn thông mới được phép treo cáp trên cột điện. Mặt khác, EVN có chủ trương điều chỉnh giá cho thuê cột gần sát với thực tế, vì như đã nói ở trên, đơn giá ban hành năm 2003 chỉ là tạm tính và mang tính tượng trưng.

Mức giá EVN đưa ra đã tính đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, rẻ hơn nhiều nếu họ tự xây dựng cột. Với những dịch vụ mang tính an ninh quốc phòng hoặc công ích xã hội, EVN tiếp tục cho sử dụng cột miễn phí. Mức giá này được EVN tính cho 1 sợi cáp thông tin, còn với cáp thuê bao đến từng nhà dân thì cứ 10 sợi cáp thuê bao mới tính giá bằng 1 sợi cáp thông tin (1 sợi cáp thông tin có rất nhiều sợi cáp ở trong).

Không thể coi là “độc quyền cho thuê cột điện”

Sau khi có đề nghị điều chỉnh giá của EVN, một số doanh nghiệp viễn thông cho rằng EVN đang “độc quyền cho thuê cột điện”. Ông Lâm khẳng định: Không thể nói rằng EVN đang độc quyền được vì mục đích duy nhất khi xây dựng các tuyến cột điện là để cung cấp điện năng liên tục, an toàn cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của xã hội chứ không phải để cho thuê treo cáp thông tin. Việc EVN cho phép treo cáp lên cột điện là việc thể hiện trách nhiệm xã hội và chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp viễn thông nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho Nhà nước.

Sau khi EVN đề xuất đơn giá cho thuê mới cao hơn từ 4-8 lần đơn giá cũ, các doanh nghiệp viễn thông cho rằng quá đắt, dư luận cũng bình luận rằng mức giá đó “gây sốc”. Về vấn đề này, EVN đã nhiều lần làm việc, đối thoại với doanh nghiệp viễn thông lớn nhất là VNPT và đề nghị VNPT chứng minh đơn giá đó là đắt. Tuy nhiên, VNPT đã không chứng minh được. Ðể đầu tư 1 cột điện cao dưới 8,5 m, loại rẻ nhất tổng chi phí cũng là 4,507 triệu đồng. Vậy nếu chỉ tính lãi suất ngân hàng là 10% trên số vốn đi vay thì 1 năm phải trả lãi vay khoảng 450 ngàn đồng (37,5 ngàn đồng/tháng) chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí duy tu bảo dưỡng để quản lý vận hành, thay thế cột bị gãy đổ do quá tải các loại cáp thông tin. Như vậy, giá thuê một cột khoảng 20,1 ngàn đồng/tháng là rất có lợi cho doanh nghiệp viễn thông so với phương án phải tự xây dựng cột.

Các doanh nghiệp viễn thông đã lập luận rằng, chỉ cần 10 doanh nghiệp viễn thông treo cáp thì 1 năm EVN có thể thu hồi được vốn và lãi lớn. Thực tế điều này không thể xảy ra, vì cột được thiết kế dành riêng cho cáp điện lực, tải trọng của cột chỉ có giới hạn, nên khi doanh nghiệp viễn thông này đã treo thì các doanh nghiệp khác không thể treo được nữa. Ngoài ra, do phân bố thị trường, một khách hàng thường chỉ ký hợp đồng với một, hai hoặc ba doanh nghiệp viễn thông, nên trên một cột điện thường chỉ có một vài doanh nghiệp viễn thông treo cáp thông tin.

EVN cho biết, mức giá mới đưa ra chỉ mang tính định hướng, còn việc thu tăng thêm bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng điều chỉnh trong thời gian tới. Hiện nay, lãnh đạo EVN đã giao các công ty điện lực phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đàm phán cụ thể để đưa ra mức chi phí chính xác. Trong trường hợp cần thiết, EVN sẵn sàng mời các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính xem xét mức giá này. Ðồng thời, EVN vẫn bảo lưu quan điểm: Các đơn vị kinh doanh viễn thông nên có biện pháp thay thế các tuyến cáp thông tin, không khuyến khích treo cáp viễn thông lên cột điện.

Lời kết

Việc điều chỉnh giá cho thuê cột điện cho gần sát với thực tế là rất cần thiết và có căn cứ tính toán đầy đủ. Qua đó, các doanh nghiệp viễn thông cần nâng cao hơn trách nhiệm khi treo cáp viễn thông trên cột điện. Mức giá EVN đưa ra vẫn rất có lợi cho các doanh nghiệp viễn thông so với phương án họ tự xây dựng cột. Ðiều quan trọng hơn là góp phần đảm bảo sự an toàn cho hệ thống điện, tính mạng của người dân và mỹ quan đô thị.

EVN không thu tiền thuê cột điện của 247 huyện thuộc vùng viễn thông công ích như phục vụ an ninh, quốc phòng, giáo dục, thông tin đường sắt, truyền thanh…

Toàn quốc hiện có khoảng 1 triệu cột điện treo cáp thông tin, hầu hết là cáp kinh doanh viễn thông. Nhiều nhất là của VNPT, Viettel, FPT, SPT, Hanoi Telecom…  Ngoài ra, có rất nhiều cáp phục vụ các mục tiêu công ích.

Nếu doanh nghiệp viễn thông tự đầu tư cột thông tin có thể phải chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Năm 2008, tiền thu được từ việc cho thuê treo cáp thông tin là 81 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cột điện và cho nhu cầu công việc của ngành Ðiện; được hạch toán theo đúng các chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.

Theo: Tạp chí điện lực