Sự kiện

Công trình thủy điện Plei Krông: Sẵn sàng cho ngày phát điện

Thứ ba, 14/4/2009 | 09:40 GMT+7
Công trình thủy điện Plei Krông, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 100 MW, sản lượng điện đạt trung bình 500 triệu KWh điện/năm, đầu tư với số vốn là 2.500 tỷ đồng, khởi công từ năm 2002, trên địa bàn tỉnh Kon tum. Công trình nằm trên hệ thống bậc thang của 6 công trình thủy điện trên hệ thống dòng sông Sê San.

 

Cách đây ít ngày, tổ máy số 1 của công trình này đã được chạy thử không tải một cách an toàn và theo dự kiến đến ngày 26-27/4/2009 sẽ chính thức phát điện lên lưới quốc gia theo tiến độ.

Từ trách nhiệm của người quản lý

Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, tiến độ của công trình này có nguy cơ chậm hơn có thể tới vài tháng so với dự kiến, nhưng bằng mọi nỗ lực công trình vẫn đưa vào hoạt động như dự kiến.

Ông Nguyễn Mạnh Long- Trưởng Ban quản lý dự án các dự án công trình thủy điện 4 (đơn vị thay mặt chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN quản lý trực tiếp công trình thủy điện Plei Krông)- cho biết: Do yêu cầu tiến độ công trình, nên nhiều lúc phải dùng áp lực đối với các đơn vị thi công, mặc dù ban quản lý (BQL) cũng rất thấu hiểu bên thi công đã nỗ lực rất lớn. Thời gian gần đây BQL đã lập tiến độ cụ thể, chi tiết và yêu cầu các đơn vị thi công báo cáo và được tiến hành kiểm tra tiến độ hàng ngày. Ban quản lý, cũng thành lập tổ giải quyết hiện trường, yêu cầu cả chủ nhiệm thiết kế, quản đốc kỹ thuật phía Nga, là đối tác cung cấp thiết bị cũng phải thường trực tại hiện trường để đáp ứng những yêu cầu cần xử lý tại chỗ. Giải pháp bao trùm được coi là chiến dịch nước rút cho tiến độ phát điện tổ máy đấy là tập trung mọi nguồn lực thi công nhưng về phía Ban quản lý, trong từng tường hợp cũng phải “ứng nóng” tiền để mua thiết bị cung cấp cho bên thi công, đồng thời rà soát nợ đọng , duyệt quyết toán kịp thời, tạo thuận lợi hơn cho bên B lo trả lương, bảo đảm cuộc sống cho người lao động và đồng thời lo vật tư, nhiên, vật liệu phục vụ nhu cầu công việc.

Có điều khá bất ngờ thú vị, đó là việc trở lại của ông Huỳnh Nở trên công trình thủy điện này. Ông Nở là người đã từng có mặt đầu tiên để làm công tác chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Ia ly, một công trình đầu tiên trên dòng Sê San, cũng từng giữ chức vụ Phó Ban chuẩn bị sản xuất công trình thủy điện Ia ly, Giám đốc Nhà máy thủy điện Ia ly và đã nghỉ hưu, nay quay lại với tư cách cố vấn cho BQL các công trình thủy điện 4. Ông Huỳnh Nở chính là người khởi xướng, tham mưu việc “ứng nóng” tiền cho bên thi công để khắc phục việc không thỏa mãn yêu cầu lắp đặt thiết bị, một nguyên nhân gây ra sự trì trệ, chậm trễ tiến độ xây dựng, phát điện, hoàn thiện công trình thường xảy ra lâu nay trên các công trình thủy điện. Những thiết bị cấp điện được mua như vậy được gọi là mua theo cơ chế xử lý sự cố và đương nhiên nó có sẵn trên thị trường, chí ít là rút ngắn thời gian rất nhiều so với cách làm trước đây thường phải chờ đợi rất lâu từ phía nhà cung cấp thiết bị, hoặc trình EVN.

Đến năng lực người thợ

Việc đảm nhận lắp đặt tổ máy và thiết bị điều khiển cho cả nhà máy hoàn toàn do Lilama đảm nhận. Hầu hết họ là những người có kỹ năng, có trình độ chuyên môn và thành thục với công việc. Trong một không gian đầy bụi và tiếng ồn, tổ trưởng kỹ thuật thi công- anh Ngọc Chung- cho biết, yêu cầu tiến độ lắp máy rất căng thẳng, tất cả phải làm thêm ca, thêm giờ. Thiết bị thường có khiếm khuyết, mỗi trường hợp phải có cách xử lý riêng, không thể và cũng không có thời gian để nói từng trường hợp cụ thể. Nhưng mục đích cuối cùng là máy mịc phải vận hành an toàn.

Điểm khác biệt ở công trình thủy điện Plei Krông so với thủy điện Ialy trong công tác vận hành, bàn giao quản lý ở chỗ, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Nhà máy thủy điện Ialy đã tiếp cận và cùng đảm nhận công việc ngay từ giai đoạn đầu từ lắp máy, thí nghiệm hiệu chỉnh, chạy thử nghiệm đến nhận bàn giao vận hành, quản lý chính thức. Nếu trước đây những công việc này ở thủy điện Ialy phải nhất thiết có sự có mặt của chuyên gia nước ngoài, thì nay ở Plei Krông không cần nữa. Trưởng ca vận hành của thủy điện Plei Krông, anh Nguyễn Văn Thích, cho biết, tuy thiết bị máy móc, điều khiển của thủy điện này có khác và công nghệ mới hơn ở Ialy nhưng về nguyên lý không thay đổi, chỉ khác về giao diện, do đó chỉ đọc trước tài liệu kỹ thuật là nắm vững được nguyên lý hoạt động. Đương nhiên, “dễ dàng” như thế bởi Thích đã được đào tạo cơ bản và đã được trải kinh nghiệm nhiều năm ở nhà máy thủy điện Ia ly.

Phó giám đốc Công ty thủy điện Ia ly, ông Nguyễn Văn Thú, người lúc này dường như thường trực ở công trường thủy điện Plei Krông cho biết, công việc hiện nay được tính từng ngày để chuẩn bị phát điện chính thức tổ máy số 1 không còn lâu nữa. Những ngày này là việc hiệu chỉnh thiết bị tổ máy, thiết bị điều khiển…, tổ máy số 1 chính thức chạy phát điện có an toàn hay không chính là ở giai đoạn này. Ở công trình thủy điện này, EVN đã giao nhiệm vụ tư vấn, giám sát lắp đặt thiết bị cho Công ty thủy điện Ialy đảm nhận từ đầu, do đó có kinh nghiệm xử lý khiếm khuyết của máy móc, thiết bị, còn việc vận hành chính thức tổ máy số 1 an toàn đến mức nào thì cần chờ ít ngày nữa.

Theo Công Thương