Sự kiện

Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình: Không ngừng vươn lên, phát triển bền vững

Thứ tư, 8/4/2009 | 11:02 GMT+7
35 năm xây dựng và phát triển, với bao biến cố, thăng trầm do sự tàn phá của chiến tranh, sự xuống cấp, lạc hậu của thiết bị, công nghệ, có thời điểm tưởng chừng phải ngừng hoạt động, song Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình (nay là Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình) vẫn không ngừng vươn lên, khắc phục mọi tồn tại, đóng góp cho đất nước gần 16 tỷ kWh và đảm bảo hoạt động ổn định cho lưới điện truyền tải trong khu vực.

 

Lực lượng trực điều độ luôn tất bật, đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, phát huy tối đa công suất        

Quá khứ gian nan

Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình có 4 tổ lò máy với tổng công suất 100 MW do Trung Quốc giúp đỡ xây dựng, được khởi công vào ngày 15/3/1971 tại thị xã Ninh Bình. Công việc đang thuận lợi thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc không kích huỷ diệt miền Bắc lần thứ hai. Công trường đang thi công phải chịu nhiều đợt bắn phá dữ dội và ác liệt, nhiều thiết bị và hạng mục công trình bị hư hại nặng nề. Ðể bảo toàn lực lượng và tài sản, công trường phải tạm dừng thi công, sơ tán người và thiết bị về nơi an toàn. Hiệp định Pa ri được ký kết, công trường tiếp tục được triển khai thi công trở lại. Với tinh thần khẩn trương, ngày 19/5/1974, tổ lò máy số 1 được đưa vào vận hành, phát kWh điện đầu tiên hoà vào mạng lưới điện miền Bắc trước sự vui mừng, hân hoan của hàng ngàn CBCNV trên công trường và quân, dân Ninh Bình và tạo niềm tin cho việc lắp đặt các tổ máy tiếp theo. Vừa đảm bảo sản xuất, vừa lắp đặt thiết bị các tổ máy còn lại, đến tháng 3/1976, tổ lò máy số 4 - tổ lò máy cuối cùng cũng hoàn thành đưa vào vận hành, cung cấp cho lưới điện miền Bắc mỗi năm khoảng 500 - 600 triệu kWh. Trong những năm cuối của thập kỷ 70 thì đây là con số nhiều ý nghĩa, bởi Nhà máy là 1 trong 3 nguồn điện chủ yếu của lưới điện miền Bắc lúc bấy giờ, phục vụ cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Trong 35 năm hoạt động và trưởng thành, Nhà máy điện Ninh Bình cũng như nhiều đơn vị khác của ngành Ðiện, CBCNV đã phải trải qua những giai đoạn gian khổ, thiếu thốn về vật chất, vất vả về điều kiện làm việc. Cuộc sống hàng ngày phải luôn lo toan tới miếng ăn và các vật dụng dù là nhỏ nhất. Sự cố thiết bị triền miên, phải “chạy” từng bó que hàn, từng kg sắt đặc chủng, từng tấn dầu, xà lan than... Nhưng với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện cho Tổ quốc”, “Tất cả vì 600 triệu kWh an toàn – kinh tế”, mỗi CBCNV Nhà máy đã cố gắng hết mình, bám lò, bám máy đảm bảo vận hành các tổ máy an toàn, liên tục. Thời gian sẽ qua đi, song dấu ấn của những ngày tháng vất vả, gồng mình để xử lý và khắc phục sự cố, cũng như tinh thần giúp đỡ, chi viện hàng chục ngàn mét cáp điện, các loại thiết bị và cử các cán bộ, chuyên viên giúp Nhà máy của các cấp ngành, địa phương vẫn mãi in đậm trong tâm trí các thế CBCNV Công ty.

Từng bước hồi sinh

Ðược thiết kế vào những năm 70 của thế kỷ trước, lại xây dựng trong điều kiện chiến tranh, nên để phù hợp với hoàn cảnh khi ấy, Nhà máy buộc phải xây dựng ngay sát núi Cánh Diều, ống khói thấp hơn núi khoảng 20 mét, gian thiết bị đặt nửa chìm, nửa nổi, chỗ đặt thiết bị vận hành sâu nhất so với mặt đất là 11 mét, hệ thống khử bụi lạc hậu... Cộng với quá trình vận hành liên tục nhiều năm với phương thức huy động cao, lại không có điều kiện sửa chữa, đầu tư đúng mức, nên Nhà máy đã bộc lộ nhiều tồn tại, khiếm khuyết. Thiết bị hay phát sinh sự cố, xì hở nhiều, sản xuất không đạt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, giá thành cao. Nhất là khói bụi gây ô nhiễm môi trường khu vực, khiến Nhà máy đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, được sự quan tâm của các cấp, ngành từ năm 1993 đến 1997 Nhà máy đã thực hiện chương trình phục hồi thiết bị với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng. Ðến năm 1997, 4 lò hơi của Nhà máy đã được phục hồi theo đúng công suất thiết kế ban đầu. Nhờ vậy, sản lượng điện sản xuất tăng từ 200 triệu kWh (năm 1992) lên 350 triệu (năm 1996) và 519 triệu (năm 1997); các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được cải thiện đáng kể: Than tiêu chuẩn giảm khoảng 100 g/kWh, hiệu suất lò tăng 3-5 %, hiệu xuất máy tăng 1,5-2%, dầu kèm giảm 50% so với 10 năm trước đó.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực của thiết bị, Nhà máy cũng tập trung thực hiện công tác khắc phục ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 1997 – 2000, với hai dự án “Khắc phục ô nhiễm môi trường khí quyển” và “Khắc phục ô nhiễm nguồn nước”, Nhà máy đã triển khai xây mới ống khói cao 130 mét, lắp các bộ khử bụi tĩnh điện và hệ thống phụ trợ, hệ thống tuần hoàn nước bãi thải xỉ. Ðến nay, sau gần 10 năm vận hành, các hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Lượng khói bụi giảm hẳm, các thông số kỹ thuật được cải thiện thêm. Hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước tăng lên: Ngay năm 2000 - năm đầu tiên hoàn thành dự án, sản lượng điện đã đạt 554 triệu kWh. Ðây là sản lượng cao nhất, sau 17 năm Nhà máy vận hành liên tiếp.

Phát triển bền vững

Với sự hỗ trợ của EVN, Nhà máy tiếp tục tập trung nâng cấp các thiết bị chính khác như: Máy biến thế, các máy cắt, bơm cấp nước, hệ thống gia nhiệt... Ðặc biệt, do vận hành một thời gian dài, tầng cánh cuối của các turbin bị mòn, rạn nứt và gẫy một số cánh, làm giảm công xuất phát điện, gây nguy cơ mất an toàn cho sản xuất. Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhóm công nhân và cán bộ kỹ thuật Nhà máy đã nhanh chóng thay thế thành công các cánh của turbin. Từ thành công này, Công ty đẩy mạnh chương trình nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hàng loạt các thiết bị tiên tiến được lắp đặt thay thế cho một số thiết bị đã lạc hậu như máy cắt, thiết bị kiểm nhiệt... làm tăng tính an toàn và độ tin cậy trong vận hành cho hệ thống. Ðặc biệt là công trình kết hợp với Viện Năng lượng áp dụng hệ thống vòi đốt UD trong buồng đốt đã được nhận đồng giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC (Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN) của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật VN về môi trường năm 2003. Thực hiện phương châm phát triển sản xuất kinh doanh phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường, Công ty luôn coi trọng và chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, thường chăm lo, cải thiện môi trường nơi làm việc của người lao động, môi trường khu dân cư, môi trường khí quyển... Ðến nay, hầu hết các vị trí trực của công nhân vận hành được lắp đặt điều hoà nhiệt độ; nhiên liệu khi khởi động lò cũng được thay đổi chuyển sang dùng loại dầu ít muội khói hơn mặc dù giá thành cao hơn. Chính vì thế, liên tục từ năm 2004 đến nay, Công ty luôn nhận được các giải thưởng Quốc gia về công tác môi trường.

Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp, từ tháng 7/2005, Nhà máy chuyển sang cơ chế hoạt động của công ty độc lập với tên gọi Công ty Nhiệt điện Ninh Bình. Cũng từ thời gian đó, song song với công tác đảm bảo cung cấp điện với khả năng cao nhất cho hệ thống điện quốc gia là việc thực hiện phương án cổ phần hoá doanh nghiệp, sắp xếp lại mô hình tổ chức, lao động. Với một Nhà máy có công nghệ lạc hậu, số nhân lực đông, cơ chế quản lý cũ với tư duy bao cấp, tổ chức cồng kềnh thì việc giải quyết lực lượng lao động dôi dư không hề đơn giản. Nhờ chủ động từ trước, Công ty đã có kế hoạch từng bước giải quyết với những biện pháp hợp lý, triển khai nhiều đợt, có hỗ trợ thêm cho người lao động tình nguyện về nghỉ nên đến tháng 1/2008, số lao động của Công ty chỉ còn 975/1.350 người, số đơn vị còn 14/25 đầu mối trong khi sản lượng điện tăng 1,35 lần so với năm 2005. Ðây cũng chính là động lực quan trọng để EVN tin tưởng giao Công ty làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 1 với công suất 600 MW, tổng mức đầu tư  khoảng 780 triệu USD và dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ phát điện.    

Năm 2008 là năm đầu tiên, Công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, lại phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, khiến chi phí sản xuất tăng cao, song với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, CBCNV Công ty đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2008 với sản lượng điện đạt 751 triệu kWh, tăng 112% so với kế hoạch; than tiêu chuẩn đạt 575,72/590g/kWh, giảm 14,28g/kWh so với kế hoạch; dầu đốt kèm 0,184/0,5 g/kWh, giảm 0,31g/kWh so với kế hoạch; suất sự cố giảm, doanh thu ước đạt 442 tỷ đồng, tăng 128% so với năm 2007; nộp ngân sách Nhà nước đạt 49,9/29 tỷ đồng (đạt 172% so với kế hoạch và đạt 242 % so với năm 2007); dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2008 khoảng 14%.

Rồi đây, quy mô Công ty sẽ lớn hơn, nguồn lực sẽ vững mạnh hơn khi Nhiệt điện Thái Bình 1 vào vận hành, song trước mắt Công ty cần tiếp tục củng cố thiết bị và kéo dài thời gian vận hành, đảm bảo phát huy tối đa công suất, hiệu suất của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Ðồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ngành, địa phương triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp quản vận hành nhà máy vào năm 2012.

Theo TCĐL số 2/2009