Sự kiện

Luật Năng lượng Nguyên tử Tạo hành lang pháp lí cho phát triển điện nguyên tử

Thứ hai, 13/4/2009 | 10:37 GMT+7
 

Cùng với việc Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 6/2008 và có hiệu lực từ 1/1/2009, hiện các cơ quan hữu quan vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan để Luật NLNT thực sự đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng NLNT nói chung và các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam nói riêng. Xoay quanh công tác xây dựng các văn bản pháp quy, cũng như tác động của Luật vào lĩnh vực phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Ban Hợp tác Quốc tế, Phụ trách An toàn bức xạ hạt nhân và điều ước quốc tế, Viện Năng lượng Nguyên tử  đã có cuộc trao đổi với PV Tạp chí Ðiện lực:

 

PV: Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng Luật NLNT tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Thuận lợi cơ bản nhất là quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt về chính sách phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hoà bình, đảm bảo an toàn, an ninh cao cho mọi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở nước ta. Thứ hai là Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, tăng cường mạnh mẽ hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hoà bình. Chương trình phát triển năng lượng nguyên tử nói chung và dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói riêng ở Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ quốc tế rộng rãi, trước hết là từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các diễn đàn hợp tác hạt nhân trong khu vực và nhiều nước khác như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,... Có thể nói, đây là một tiền đề thuận lợi để chúng ta có thể tiếp cận, tiếp thu và kế thừa những kinh nghiệm quốc tế quý báu trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và kiện toàn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử nói riêng.  Cuối cùng nhưng đóng vai trò quyết định đó là, dự thảo Luật NLNT đã nhận được sự góp ý tâm huyết từ những chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà lập pháp trong và ngoài ngành năng lượng nguyên tử, cùng với sự làm việc nghiêm túc, khoa học của Ban soạn thảo, đã góp phần hoàn thành dự thảo Luật, trình Quốc Hội thông qua với sự nhất trí cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn trong quá trình xây dựng Luật. Thứ nhất, việc kế thừa các quy định hiện hành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử  tương đối hạn chế. Các quy định về năng lượng nguyên tử nói chung, an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân nói riêng, mà cụ thể là Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996 bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong xu thế phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, chưa đủ cơ sở luật pháp cho chương trình phát triển năng lượng hạt nhân mà cụ thể là xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Thứ hai ,  Luật NLNT là một luật chuyên ngành đặc thù, chứa đựng nhiều nội dung chuyên môn, lần đầu tiên được xây dựng một cách toàn diện ở nước ta, nhưng trong bối cảnh bản thân các hoạt động phát triển ứng dụng trong lĩnh vực này ở nước ta cũng còn nhiều bất cập, chưa thực sự được quy hoạch thống nhất, chưa trở thành một ngành kinh tế xã hội phát triển rộng rãi, do vậy việc đúc rút từ thực tế quản lý, hoạt động để pháp chế hoá trong luật cũng gặp nhiều hạn chế. Thứ ba, việc tham khảo, học tập từ các mô hình luật pháp quốc tế, từ một số quốc gia đi trước, đòi hỏi sự đầu tư, nghiên cứu chọn lọc nghiêm túc và công phu trên cả hai góc độ chuyên môn, kỹ thuật và lập pháp. Thực tế quá trình soạn thảo đã cho thấy,  Luật NLNT của Việt Nam đã không “dập khuôn” bất kỳ một mô hình quốc tế nào, mặc dù phải tham khảo một khối lượng tài liệu quốc tế đồ sộ bao gồm các tài liệu hướng dẫn của IAEA, các bộ luật hạt nhân của những nước tiên tiến đi trước như Nga, Mỹ, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc hay những nước đang phát triển, chương trình hạt nhân chưa ở tầm quy mô lớn như Úc, Ba Lan, Inđônexia, Thái Lan, Malaysia,.. cũng như toàn bộ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực NLNT.

PV: Dự thảo nghị định và các văn bản liên quan quy định chi tiết một số điều của Luật NLNT do Viện soạn thảo có được các bộ, ngành thống nhất  và trong thời gian tới liệu có nội dung nào của Luật phải điều chỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Ðến nay dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện trên nguyên tắc hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các điều khoản mà Luật NLNT đã chỉ rõ là giao Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, theo yêu cầu quản lý, một số nội dung quan trọng, cần thiết khác của Luật NLNT cũng đã được quy định trong Nghị định. Cụ thể, Nghị định bao gồm những nội dung hướng dẫn chi tiết về phát triển nguồn nhân lực, chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực NLNT, các vấn đề về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, xuất nhập khẩu, quan trắc phóng xạ môi trường, ứng phó sự cố và bảo hiểm nghề nghiệp,... Dự thảo đã được 20 bộ, ngành có liên quan đóng góp ý kiến và Bộ Tư pháp đã gửi ý kiến thẩm định. Về cơ bản, nội dung của dự thảo Nghị định đã được sự thống nhất cao của các bộ, ngành và hiện dự thảo đang trong giai đoạn trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Bên cạnh đó, Viện NLNTVN đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao tiếp tục chủ trì soạn thảo các văn bản liên quan như: Thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NLNT (dự kiến sẽ ban hành  cuối tháng 6/2009); dự thảo Quyết định của TTCP về việc thành lập Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia (Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng  về chiến lược, chính sách phát triển, ứng dụng NLNT); dự thảo Quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu, phát triển và sử dụng NLNT (Dự kiến sẽ ban hành vào tháng 4 năm 2009); dự thảo Quyết định của TTCP quy định việc thành lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân (Dự kiến ban hành trong quý IV năm 2009).

Cũng cần nói thêm là nhiều nội dung quan trọng của Luật NLNT sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật khác đang và sẽ tiếp tục được xây dựng như Nghị định về Thanh tra và xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực NLNT, Nghị định về nhà máy điện hạt nhân, các thông tư, hướng dẫn và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.   Ngoài ra, để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực NLNT, việc nghiên cứu xem xét để ký kết, tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực NLNT cũng đã và đang được các bộ ngành, các đơn vị có liên quan, trong đó có Viện NLNTVN tích cực triển khai.

PV: Chúng ta có phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nào khác để tạo nên cơ sở pháp lý đồng bộ trong quá trình ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Theo chỉ đạo ban đầu khi xây dựng Luật NLNT là kế thừa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và không được trái với các bộ luật khác hiện hành. Do đó, ngoài xây dựng các văn bản hướng dẫn theo quy định của Luật thì các văn bản được xây dựng căn cứ vào Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ cũng được bãi  bỏ để tránh chồng chéo với những văn bản mới ban hành hoặc được rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành lại. Ví dụ như Quyết định của TTCP số 115/2007/QÐ-TTg ngày 23/7/2007 về việc Ban hành quy chế an ninh nguồn phóng xạ,  Thông tư số 14/2003/TT-BKHCN ngày 11/7/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ về Hướng dẫn vận chuyển an toàn chất phóng xạ, Thông tư số 05/2006/TT-BKHCN ngày 11/1/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ về Hướng dẫn thủ tục khai báo, cấp giấy đăng ký và cấp phép cho các hoạt động liên quan đến bức xạ, Thông tư số 10/2006/TT-BKHCN ngày 17/5/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn thanh tra chuyên ngành về  an toàn và kiểm soát bức xạ, ... Ngoài ra cũng còn một số văn bản liên bộ khác liên quan đến an toàn bức xạ trong y tế, về phí và lệ phí trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ cũng sẽ cần được rà soát cập nhật thêm. 

PV: Luật NLNT có hiệu lực đã tác động thế nào đến lĩnh vực điện hạt nhân tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Luật  NLNT ra đời đã thể chế hoá những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong Luật NLNT, phát triển điện hạt nhân là nội dung quan trọng và giành được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Các quy định trong Luật NLNT được soạn thảo dựa trên quan điểm coi điện hạt nhân là một giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ - công nghiệp của đất nước. Ngày 01/01/2009, Luật NLNT có hiệu lực, tiếp theo sẽ là các văn bản hướng dẫn đã và sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển ứng dụng NLNT nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Hiện nay, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do EVN làm chủ đầu tư đang được gấp rút hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định tại Luật NLNT. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, đây là một thách thức không nhỏ cho cả hai phía. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết, còn chủ đầu tư cũng cần nhanh chóng tiếp cận, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đầu tư trước khi trình ra Quốc Hội xem xét phê duyệt chủ trương.

PV: Việc tuyên truyền để Luật NLNT đi vào cuộc sống, nhất là đối với người dân địa phương - nơi XD nhà máy ÐNT, thuộc trách nhiệm của đơn vị nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Tại điều 57 của Luật NLNT về Công tác thông tin đại chúng  có quy định Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có NMÐHN và tổ chức có nhà máy điện hạt nhân, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về nhà máy điện hạt nhân và tình trạng hoạt động an toàn của nhà máy trên địa bàn. Ngoài ra, với trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông tin tuyên truyền và giáo dục pháp luật trong lĩnh vực này trên địa bàn toàn quốc để mọi tổ chức, cá nhân và rộng rãi nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật NLNT và các văn bản đi kèm. Cuối cùng, trong tình huống sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có trách nhiệm xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, mức sự cố và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Ðược biết, Viện được giao thực hiện công tác kiểm tra và nhận thông tin phản hồi về việc thực thi Luật. Ðể thực hiện tốt công tác này Viện sẽ phải làm gì thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Như đã nêu, Luật NLNT được xây dựng toàn diện trên hai phương diện, đẩy mạnh phát triển ứng dụng NLNT và bảo đảm an toàn của các hoạt động trong lĩnh vực NLNT. Trong giai đoạn hiện nay, Viện NLNT đang được giao là cơ quan thường trực cho Tổ công tác liên ngành, tổng hợp, theo dõi đôn đốc việc triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng NLNT vì hoà bình đến năm 2020, với nhiệm vụ trước mắt là xây dựng các đề án quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT trong từng lĩnh vực mà Luật NLNT đã quy định. Ðồng thời, Viện NLNTVN cũng đảm nhận trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng NLNT trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Viện NLNTVN cần được xây dựng và phát triển để đến năm 2020 trở thành trung tâm nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân ở nước ta. Ðây thực sự là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm sức của toàn bộ hệ thống quản lý cũng như của mỗi nhà khoa học trong Viện. Ðể thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển ứng dụng NLNT, Nghị định số 28/2008/NÐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ đã quy định việc thành lập Cục Năng lượng nguyên tử trong cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về phương diện đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân, Cục An toàn Bức xạ hạt nhân, có trách nhiệm  giúp Bộ trưởng Bộ KHCN thực hiện các nhiệm vụ trong vấn đề này theo quy định tại điều 8 Luật NLNT.

PV: Xin cảm ơn Ông

Một số mốc tiến độ chính xây dựng Luật NLNT:

- Nghị quyết số 12/2002/QH-XI của Quốc hội khoá 11 về Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh 2002 - 2007 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật NLNT và xây dựng hạ tầng pháp luật cho việc phát triển ngành NLNT;

- Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 35/2003/QÐ -TTg ngày 06/3/2003 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo Luật NLNT;

- Tháng 7/2007, Bộ KH&CN trình Bộ Tư Pháp thẩm định dự thảo Luật NLNT;

- Dự thảo được trình Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ (tháng 8/2007);

- Tháng 10/2007, trình UBKHCN &MT của Quốc hội thẩm tra;

- Tháng 11-2007, dự thảo Luật NLNT được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII;

- Ngày 11/4/2008, Bộ KH&CN đã báo cáo Văn phòng Trung ương Ðảng về dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử;

- Ngày 03 tháng 06 năm 2008, Luật NLNT đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII.

- Ngày 1/1/2009, Luật NLNT có hiệu lực.

Theo TCĐL số 3/2008