Sự kiện

Sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt, kéo dài

Thứ sáu, 10/4/2009 | 10:12 GMT+7
Trên cơ sở các nhận định về tình hình thời tiết và kế hoạch vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2009, EVN cho biết: Với tốc độ tăng trưởng phụ tải dự kiến là 13%, sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống sẽ đạt 86,6 tỷ kWh, trong đó sáu tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 41,7 tỷ kWh. Sản lượng hệ thống điện miền Bắc trong mùa khô 2009 là 15,6 tỷ kWh, tăng 1,7 tỷ kWh so với năm 2008.

 

 

 Mực nước sông Hồng vào thời điểm giữa tháng 3/2008 xuống thấp.   

 

Theo bà Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, những tháng nửa đầu mùa hè năm nay có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn so với năm 2008. Theo đó, phía tây Bắc Bộ, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ ở mức cao hơn một ít so với TBNN; Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức thấp hơn một chút so với TBNN.

Về lượng mưa, theo bà Nguyễn Lan Châu: Trên phạm vi cả nước, lượng mưa toàn mùa có thể ở mức cao hơn hoặc xấp xỉ so với TBNN. Cụ thể: Tại Bắc Bộ, lượng mưa ở mức cao hơn TBNN, có khả năng tập trung một lượng mưa lớn vào thời kỳ giữa vụ. Tại Trung Bộ, lượng mưa xấp xỉ ở mức TBNN. Riêng khu vực Trung Trung Bộ có lượng mưa cao hơn một chút so với TBNN. Ðối với khu vực Tây Nguyên, mùa mưa có thể đến sớm hơn và lượng mưa ở mức cao một chút so với TBNN. Tổng lượng mưa toàn mùa có thể không cao, nhưng sẽ diễn biến phức tạp, lượng mưa sẽ tập trung vào một số đợt mưa lớn xảy ra bất thường trên diện rộng. Riêng về lũ, theo dự báo, năm nay, ở Bắc Bộ, đỉnh lũ cao nhất trên hệ thống các sông sẽ thấp hơn đỉnh lũ năm 2008. Thời gian xuất hiện đỉnh cao nhất trên các sông chính ở khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8; trên các sông ở Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên vào cuối tháng 8 và 9; trên các sông ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ vào tháng 10 và 11; trên sông Tiền, sông Hậu tại Nam Bộ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Theo các chuyên gia, mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới ở nước ta thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12 và đường đi của chúng có quy luật lùi dần từ Bắc vào Nam. Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão và áp thấp nhiệt đới là Trung bộ. Qua theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu nhiều năm, nhất là những năm gần đây cho thấy: Hầu như năm nào thiên tai cũng xảy ra, chỉ khác là năm có El Ninô hay La Nina thì thiên tai, khí hậu bất lợi xảy ra nhiều hơn, dồn dập hơn. Ðiều cần lưu ý là trong thời gian chuyển mùa, từ mùa đông sang mùa hè (tháng 3 - 5) và từ mùa hè sang mùa đông (tháng 9-11), thời tiết, khí hậu thường có những biến động nhiều hơn, những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc tố, mưa đá, vòi rồng,… có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã nhận định: Năm nay, có khoảng 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhiều hơn so với TBNN. Tình hình thời tiết, thủy văn năm 2009 trên phạm vi cả nước tương đối giống với các đặc trưng trung bình. Tuy nhiên, một số vùng trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ cần đề phòng xảy ra bão mạnh, lũ lớn, lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng.

Theo EVN Hệ thống điện trong mùa khô có thể đáp ứng được về sản lượng (theo phương án tăng trưởng 13%) mặc dù chưa có công suất dự phòng. Mùa khô năm nay, hầu như không có nguồn điện mới nào có khả năng cung cấp sản lượng đáng kể bổ sung, nên hệ thống điện miền Bắc sẽ phải nhận một sản lượng điện lớn từ đường dây 500 kV Bắc-Nam trong suốt sáu tháng mùa khô với khoảng 4,42 tỷ kWh.

Trong khi đó, các hồ thủy điện phía bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, mặc dù đã tích nước ở mức cao, nhưng đã phải thực hiện các đợt xả nước đổ ải vụ đông xuân thời gian qua, nên nếu điều tiết không hợp lý sẽ thiếu nước phát điện vào cuối mùa khô. Vì vậy, nguy cơ thiếu điện vẫn có thể xảy ra vào các giờ cao điểm trong hệ thống điện miền Bắc.

Ðể giảm khả năng thiếu điện trong mùa khô 2009, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã đề nghị Lãnh đạo EVN đôn đốc các đơn vị khẩn trương đưa các nguồn mới vào vận hành đúng tiến độ, đặc biệt là tổ máy Uông Bí mở rộng, đuôi hơi Nhơn Trạch 1 (tháng 4/2009). Ðồng bộ với các nguồn điện, EVN chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đường dây đấu nối của Nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch để có thể giải phóng hết lượng công suất điện năng khi các tổ máy đưa vào vận hành thương mại. Mặt khác, để giảm tới mức thấp nhất khả năng thiếu công suất đỉnh khu vực miền Bắc vào mùa khô, các đường dây 500 kV Hòa Bình - Hà Tĩnh - Ðà Nẵng - Plây Ku - Phú Lâm phải vận hành tuyệt đối an toàn. Vì vậy, việc cắt điện, thí nghiệm và đưa vào vận hành Trạm biến áp 500 kV Dốc Sỏi phải lùi vào thời gian sau tháng 6/2009. Ðồng thời, chuyển lịch sửa chữa NMÐ Cà Mau từ tháng 8 sang tháng 9/2009 để tránh trùng với thời điểm cắt khí Nam Côn Sơn. EVN cũng cần sớm đưa vào vận hành các thiết bị tăng công suất, sản lượng điện nhập khẩu qua cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang. Bên cạnh đó, giữ nước hồ Hòa Bình ở mức 100 m vào đầu tháng 5/2009 và 85-87 m vào đầu tháng 6/2009; làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để đảm bảo đủ lượng khí phục vụ phát điện đến cuối mùa khô 2009.

Theo TCĐL số 3/2009