Sự kiện

Thực hiện giá điện mới: Ngành Ðiện và khách hàng cùng vào cuộc

Thứ sáu, 10/4/2009 | 10:22 GMT+7
Ngay sau khi Quyết định 21/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng giá điện có hiệu lực, các đơn vị ngành Ðiện đã tập trung điều chỉnh việc tính toán tiền điện và các công việc liên quan theo biểu giá điện mới, đảm bảo chính xác, đúng tiến độ. Các khách hàng cũng thực hiện các giải pháp sử dụng điện tối ưu để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Hà Nội: Công tác triển khai giá điện mới cơ bản thuận lợi

Ngay sau khi nhận được công văn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam gửi các công ty điện lực trực thuộc về việc thực hiện công tác triển khai giá điện mới, ngày 27/2/2009, Công ty Ðiện lực Hà Nội đã gửi kế hoạch triển khai tới từng đơn vị và các bộ phận chức năng trong Công ty; tổ chức khóa tập huấn cho lãnh đạo, trưởng các phòng ban liên quan, trưởng chi nhánh về các quy định trong Quyết định 21/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 – 2012 theo cơ chế thị trường, Thông tư 05/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở khóa tập huấn này, lãnh đạo các đơn vị tự tổ chức kế hoạch đào tạo cho các bộ phận chức năng tại đơn vị mình.

Trong ngày 1/3/2009, ngày đầu tiên giá điện mới được áp dụng, Công ty đã tập trung lực lượng chốt chỉ số công tơ đo đếm điện năng toàn bộ 62.719 khách hàng ký hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt với Công ty; tiến hành niêm yết công khai biểu giá điện mới tại tất cả các địa điểm giao dịch với khách hàng của các chi nhánh điện và điện lực theo quy định của Luật Ðiện lực. Ðồng thời, tập trung tổ chức các bộ phận tiếp nhận thông tin và bố trí nhân lực đủ trình độ, có thái độ giao tiếp văn minh, lịch sự để giải đáp kịp thời chính xác các ý kiến của khách hàng sử dụng điện và của nhân dân thông qua bộ phận tiếp xúc khách hàng hay đường dây nóng 22222000. Những thắc mắc liên quan đến giá điện mới của khách hàng đã được các bộ phận chức năng tập trung giải đáp, tư vấn. Công tác tập huấn giá điện mới cũng đã được các đơn vị hoàn tất ngay khi giá điện mới được thực hiện.

Mặc dù địa bàn trải rộng, với trên 1 triệu khách hàng (bao gồm Hà Nội và Hà Tây mới sáp nhập), nhưng về cơ bản, công tác triển khai giá điện mới tương đối thuận lợi. Ðể đảm bảo thực hiện đúng biểu giá theo quy định, Công ty Ðiện lực Hà Nội đã tích cực phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin (EVNIT) kiểm tra, hoàn chỉnh chức năng liên quan đến việc thay đổi giá bán điện trong hệ thống CMIS; tiến hành chuyển đổi các biểu giá bán điện đối với khách hàng của các điện lực, chi nhánh điện để đảm bảo độ chính xác, tin cậy trong việc lập hóa đơn tiền điện.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Công ty là công tác tổ chức cài đặt lại thông số thời gian cho công tơ điện tử 3 giá phù hợp với quy định của Thông tư 05 về giờ cao điểm, thấp điểm. Hiện Hà Nội có tới 8.030 công tơ điện tử nằm rải rác trên toàn địa bàn, việc cài đặt phải thực hiện tại hiện trường nơi đặt công tơ. Do đó, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư thiết bị, phương tiện cũng như phương án phối hợp giữa các bộ phận chức năng, thiết lập lịch hẹn làm việc với khách hàng phải hết sức khoa học để tiết kiệm thời gian và công sức. Với tiến độ trung bình cài đặt khoảng 100 – 150 công tơ mỗi ngày, Công ty đang phấn đấu hoàn tất công việc này vào 25/5/2009 (sớm hơn so với yêu cầu của EVN là 31/3).

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Ðại Dương (Thanh Oai, Hà Nội): Sản xuất ca 3 để giảm chi phí tiền điện

Công ty chúng tôi thuộc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, chi phí tiền điện trước đây chiếm 10% chi phí sản xuất của Công ty. Theo cách tính giá điện mới, có hai mốc thời gian trong ngày tính là giờ cao điểm. Nếu doanh nghiệp sản xuất vào hai ca này chắc chắn tiền điện sẽ không dừng lại ở 10% tổng chi phí sản xuất, mà sẽ tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy, chúng tôi thấu hiểu rằng, tăng giá điện đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cân nhắc thời điểm sản xuất vào giờ nào để có chi phí giá điện hợp lý nhất. Bởi trong khi các doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt về giá thành sản phẩm, nếu không sáng suốt tính toán chi phí đầu vào thì khó có thể giữ được đơn giá như hiện tại và đứng vững trên thị trường. Do vậy, từ ngày 1/3, doanh nghiệp chúng tôi đã thay đổi giờ chạy máy, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm (ca 3) để tránh bị đội chi phí tiền điện.

Chị Uông Hoàng Hoa – Phụ trách nhà hàng Bigman (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Tiết kiệm điện để giảm tác động của tăng giá điện

Nhà hàng chúng tôi có quy mô vừa phải, chi phí tiền điện hàng tháng cao hay thấp tùy theo biến động về số lượng khách hàng đông hay ít, cao nhất khoảng 6 triệu đồng, còn trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngay sau khi có chủ trương tăng giá điện, chúng tôi đã được nhân viên của Ðiện lực Hoàn Kiếm thông báo, giải thích cụ thể về cách tính tiền điện theo biểu giá mới. Chúng tôi không có gì thắc mắc và ủng hộ việc tăng giá điện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện cũng đã tác động tới tình hình kinh doanh của nhà hàng. Trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu, hoạt động của nhà hàng cũng gặp không ít khó khăn, thì với chi phí tiền điện phát sinh, bắt buộc nhà hàng phải có biện pháp tiết kiệm tối đa như: Tắt các thiết bị điện như bóng đèn, quạt, điều hòa khi thưa khách, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; thay dần các bóng đèn tiêu tốn nhiều điện bằng bóng đèn tiết kiệm điện…

Theo TCĐL số 3/2009