Với áp lực cấp điện cho miền Nam, trên cơ sở định hướng xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện đã được đề cập đến trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 – 1985) của Việt Nam được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô và nghiên cứu của các cán bộ tư vấn. Ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình, với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm vào TP HCM với công suất tối đa là 600MW - 800MW.
Công trình thế kỷ
Sau 2 năm vật lộn với muôn vàn khó khăn, gian khổ, ước mơ của những người làm năng lượng đã thành sự thật, xóa đi những mối hoà nghi về tính khả thi của công trình, sự mạo hiểm về thời gian và vốn…là sự khẳng định về một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Để đánh dấu một kỳ tích vào lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.
Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, ngày 23/9/2005 ngành điện VN lại đánh dấu một kỳ tích, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2. Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc – Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác Nhà máy Thủy điện Yaly (720MW) và cùng với các giải pháp khác đã giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội vào giai đoạn 2005-2008.
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng những cán bộ công nhân viên ngành điện luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam được thông suốt. Đến nay, cùng với đường dây 500kV mạch 2 lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1600-1800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành. Nếu như trước khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, hệ thống lưới điện truyền tải của nước ta có quy mô còn khiêm tốn, thì đến hết 31/12/2013, khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với khối lượng đường dây 500kV tăng 3,72 lần, đường dây 220kV tăng 6,18 lần, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng 14,3 lần và dung lượng trạm biến áp 220kV tăng 11,8 lần.
Hướng tới tương lai
Để đảm bảo điện cho khu vực miền Nam, đường dây 500kV Pleilu - Mỹ Phước - Cầu Bông với quy mô 437,5 km (hai mạch) và Trạm 500kV Cầu Bông được khởi công xây dựng từ 23/10/2011 và hoàn thành đóng ngày 05/5/2014. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleilu - Mỹ Phước - Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới truyền tải điện Bắc – Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW ngay khi đưa vào vận hành để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của VN với lưới điện trong khu vực.
Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà đã được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng, để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước như: mạch vòng 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình.
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc Nam, đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của những người làm năng lượng và hơn hết, đó là trách nhiệm của ngành điện đối với đất nước, với cộng đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:
“Việc xây dựng và hoàn thành Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 có chiều dài lớn (1.487 km), công nghệ phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục trong bối cảnh 20 năm trước đã trở thành kỳ tích của ngành điện VN. Đưa đường dây vào vận hành thành công, chúng ta đã xóa bỏ đi những hồ nghi, e ngại ban đầu và quan trọng nhất là chúng ta đã có một hệ thống điện quốc gia hợp nhất, từ đó đảm bảo việc vận hành kinh tế các nhà máy điện trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho sự nghiệp phát triển đất nước”. |