Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Tôi còn nhớ đầu năm 1992, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đến thăm nhà, sau khi thăm hỏi tình hình gia đình và công việc, Tổng Bí thư nói: “Tôi vừa đi thăm TP.HCM, tình hình cấp điện thật tồi tệ, mỗi tuần Thành phố bị cắt điện 4 đến 5 ngày gây tác động rất xấu không những về kinh tế, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xã hội và an ninh của Thành phố. Miền Trung còn tồi tệ hơn, chủ yếu sống nhờ vào các máy điện cũ kỹ, trong khi đó ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình các tổ máy phát điện lần lượt được đưa vào vận hành, thừa điện phải xả nước thật là vô lý. Phải xây dựng công trình tải điện để đưa điện từ Hòa Bình vào miền Trung và miền Nam càng sớm càng tốt”.
Dự án được đưa ra bàn thảo với rất nhiều tranh luận từ các cấp lãnh đạo Nhà nước, các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước đến dư luận xã hội vì những đặc thù có một không hai của nó.
Tất cả những khó khăn đã được chúng tôi phân tích đồng thời đưa ra những kiến nghị, những giải pháp khắc phục báo cáo chi tiết, đầy đủ với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau một thoáng trầm ngâm ông nói với giọng Nam Bộ trầm và dứt khoát: “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học kỹ thuật các anh là phải chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác như tiền nong, nhân lực, các vấn đề xã hội, an ninh đã có Chính phủ lo”.
Chúng tôi tiếp nhận những lời lẽ ngắn gọn này của Thủ tướng như một chỉ thị giao trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia vào việc nghiên cứu, thiết kế, thi công công trình và cũng rất phấn khởi, tin tưởng vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực thi dự án quan trọng này.
Một lần, Thủ tướng nói với tôi: “Giới khoa học các anh, trong đó có cả một số chuyên gia Việt kiều có nhiều ý kiến trái ngược nhau đối với đường dây này, bản thân nhà tôi cũng có nhiều băn khoăn về các vấn đề kỹ thuật, về tính hợp lý và khả thi của công trình. Lúc nào bố trí được thời gian mời anh đến thăm nhà và trao đổi để cô ấy hiểu rõ thêm”.
Tôi được biết phu nhân Thủ tướng là Giáo sư Phan Lương Cầm qua nhiều năm công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị là chuyên gia khá nổi tiếng, đã được tặng giải thưởng Kovalevskaia trong lĩnh vực điện hóa và ăn mòn kim loại. Tôi đến thăm nhà, chị đặt khá nhiều câu hỏi, phần lớn liên quan đến các vấn đề khoa học và công nghệ, đến tính khả thi và các chỉ tiêu kinh tế của công trình. Chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn mòn điện hóa các kết cấu kim loại của công trình với hơn 80.000 tấm sắt thép này. Sau buổi nói chuyện tôi có cảm giác phu nhân Thủ tướng bớt băn khoăn hơn. Tôi thoáng nghĩ đây cũng là lẽ thường tình, trong câu chuyện gia đình đôi khi cũng xen lẫn những vấn đề xã hội. Gia đình lãnh đạo quốc gia cũng vậy, chỉ khác là nhiều câu chuyện ở đây có thể liên quan đến công việc của cả nước.
Và rồi, ý tưởng xây dựng công trình tải điện xuyên Việt đã trở thành hiện thực khi vào đầu năm 1992, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Luận chứng kinh tế kỹ thuật hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam”. Từ quyết định của Thủ tướng đến ngày đóng điện đầu tiên lên đường dây là hơn 700 ngày lao động sáng tạo, khẩn trương đầy gian khổ với tinh thần trách nhiệm cao của hàng chục vạn con người. Bản thân Thủ tướng mặc dù bề bộn công việc của Chính phủ nhưng vẫn dành rất nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến công trình. Ông tiếp xúc trực tiếp với nhà khoa học, làm việc thường xuyên với Bộ Năng lượng và các Ban ngành liên quan yêu cầu dành sự ưu tiên cao nhất để giải quyết những vướng mắc về thủ tục, trực tiếp kiểm tra công việc tại những nơi khó khăn nhất. Hình ảnh ông trong chiếc áo màu cỏ úa, mái tóc trắng dưới vành mũ bảo hộ lao động đến tận chân các cột điện cao áp thăm hỏi bắt tay cán bộ, công nhân, người lao động vây quanh ông với nét mặt phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm. Cảnh lao động nặng nhọc của những người thợ đường dây xuyên rừng vượt núi, hình ảnh đồng bào dân tộc gùi trên lưng vật liệu xây dựng leo lên những đỉnh núi cao chót vót mà không xe cộ nào có thể đến được, có thể hình dung lại bức tranh lao động hào hùng trên hàng chục công trình trải dài khắp đất nước thời gian này.
Chất lượng công trình và tiến độ là 2 vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn công nghệ và thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và lần đầu tiên trên quy mô lớn, công nghiệp điện lực Việt Nam được tiếp xúc với nhiều thành tựu mới nhất của công nghệ truyền tải điện siêu cao áp trên thế giới. Vật tư, thiết bị được dùng cho công trình được lựa chọn từ các nhà sản xuất nổi tiếng của Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc… Cũng lần đầu tiên những thiết bị bù hiện đại, hệ thống các dụng cụ đo lường, bảo vệ, điều khiển và tự động kỹ thuật số đã được đưa vào sử dụng trong hệ thống điện Việt Nam. Trục cáp quang xuyên Việt đã được xây dựng và sử dụng không những phục vụ cho nhu cầu của ngành Điện mà còn cho quốc phòng và mạng bưu chính viễn thông của cả nước.
Rút ngắn tối đa thời gian thi công là mục tiêu quan trọng bậc nhất quyết định đến tính hiệu quả của công trình, trong đó việc xây lắp đường dây thông thường là khâu gay cấn nhất. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy để xây lắp khoảng 400-500 km đường dây 500 kV với 2 TBA đầu và cuối thường phải mất 3-4 năm. Mục tiêu hoàn thành việc xây dựng hệ thống tải điện Bắc-Nam với chiều dài ngót 1.500 km với 3.437 vị trí cột đi qua 14 tỉnh, thành phố, 5 TBA và trạm bù trong thời gian 2 năm đối với nhiều người, kể cả chuyên gia tư vấn nước ngoài, thoạt đầu đều cho là không tưởng.
Một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra khá quyết liệt, công trình được khởi công khi chưa có thiết kế chi tiết đầy đủ, công việc được tiến hành theo phương châm “vừa thiết kế vừa thi công”. Cán bộ khảo sát và giám sát thi công được phân thành hàng trăm tổ rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những bất hợp lý trong thiết kế. Quá trình thiết kế chi tiết, xem xét đấu thầu chọn nhà cung cấp thiết bị, nhập và vận chuyển những máy móc “siêu trường, siêu trọng” hàng trăm tấn qua hệ thống cầu đường còn rất ọp ẹp thời bấy giờ đến tận chân công trình cũng được tiến hành rất sáng tạo và khẩn trương.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra công tác dựng cột 500KV.
Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Thủ tướng đã chỉ đạo chia việc thi công đường dây thành nhiều đoạn làm việc song song. Đây là một giải pháp rất khoa học đảm bảo rút ngắn một cách cơ bản thời gian xây lắp đường dây, nhiệm vụ phức tạp và nặng nề nhất của Dự án. Thực ra ý tưởng chia một công việc lớn, nếu làm tuần tự đòi hỏi nhiều thời gian, thành nhiều việc nhỏ tiến hành song song nhau cũng thường được sử dụng trong bài toán “rút ngắn đường căng” để đảm bảo thời gian hoàn thành công trình trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và tổ chức thi công các hệ thống lớn. Tuy nhiên ở các nước công nghiệp phát triển, áp dụng giải pháp này trong xây dựng các đường dây tải điện không có lợi về kinh tế vì đòi hỏi phải huy động đồng thời một số lượng lớn xe, máy, phương tiện thi công cơ giới để rải trên toàn tuyến công trình.
Trong điều kiện Việt Nam, phần lớn công việc xây lắp đường dây được thực hiện thủ công hoặc bán thủ công, đặc biệt là công tác vận chuyển vật liệu, cột, dây sứ và phụ kiện đến chân công trình, với nguồn nhân lực rẻ và dồi dào, giải pháp này tỏ ra rất hữu hiệu. Nhiều chuyên gia của các nước đang phát triển đánh giá việc tổ chức xây dựng đường dây này là một kinh nghiệm quý giá đối với họ.
Trong buổi gặp mặt “Mừng dòng điện 500 kV” cuối năm 1994 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), khi các vị khách nước ngoài hỏi về kinh nghiệm chỉ đạo của Chính phủ và bản thân Thủ tướng đối với công trình quan trọng này, Thủ tướng tươi cười nói: “Nhiều kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến trước đây của chúng tôi bây giờ lại rất hữu ích trong xây dựng kinh tế, đó là triển khai nhiều mũi giáp công”. Chia đường dây thành nhiều đoạn để thi công song song, kết hợp giữa hiện đại và thô sơ, giữa máy móc và thủ công, phát huy tối đa tính sáng tạo của mọi tầng lớp lao động đã đảm bảo hoàn thành công trình trong thời gian mà 2 năm trước đây nhiều người khó tin.
Hệ thống tải điện 500 kV Bắc-Nam đã được đưa vào sử dụng đúng như dự kiến với mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu của luận chứng ban đầu. Sau hơn 20 năm hoạt động công trình vẫn đứng vững trước những đợt thiên tai lớn chưa từng có ở những địa phương đường dây đi qua, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trầm trọng và triền miên ở miền Trung và miền Nam trước đây. Theo tính toán, chỉ sau 3 năm vận hành, hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam đã hoàn vốn đầu tư. Đây là công trình có thời gian hoàn vốn vào loại nhanh nhất so với nhiều dự án điện cũng như các dự án lớn khác (mặc dù tổng vốn đầu tư là rất lớn - trên 5.700 tỷ đồng).
Đường dây 500 kV đã hợp nhất 3 hệ thống điện Bắc-Trung-Nam hoạt động riêng lẻ trước đây thành hệ thống điện quốc gia thống nhất với Trung tâm Điều độ - cũng là một hạng mục của công trình đặt tại thủ đô Hà Nội. Đây là tiền đề quan trọng để cuối năm 1994, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam, một trong những doanh nghiệp lớn của nhà nước được ra đời trong thời kỳ này hoạt động theo hướng xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.
Trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày đưa công trình vào vận hành, tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lớn với sự tham gia của đại biểu từ nhiều nước khác nhau để thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ tải điện siêu cao áp hiện đại và những kinh nghiệm rút ra từ công trình tải điện của Việt Nam. Sau hội thảo chúng tôi đã đến thăm và báo cáo với ông, lúc bấy giờ đã là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng những kết quả chính của hội thảo. Tuy không còn trực tiếp đứng đầu Chính phủ, nhưng ông vẫn rất quan tâm đến sự phát triển của ngành Điện và nhiều vấn đề kinh tế xã hội quan trọng khác của đất nước.
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long (bên trái) và Tiến sỹ Thái Phụng Nê, trong một chương trình tọa đàm về 20 năm ĐZ 500 kV Bắc - Nam.
Nói về khả năng xây dựng đường dây 500 kV Bắc-Nam thứ 2, ông liên hệ với Dự án Quốc lộ Hồ Chí Minh, trục giao thông thứ 2 của Tổ quốc nhằm giải quyết cơ bản ách tắc giao thông của cả nước trong mùa mưa bão và phát triển kinh tế các địa phương trên đường Trường Sơn cũ. Khi chúng tôi báo cáo về công nghệ mới được các chuyên gia Nhật Bản sử dụng để xây kênh cấp thoát nước cho Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, ông nói ngay đến ý tưởng kết hợp xây dựng đồng bộ hệ thống kênh thoát nước và công trình ngầm với mạng lưới đường giao thông thành phố. Đề cập đến cuộc tranh cãi kéo dài “không phân thắng bại” về công trình Thủy điện Sơn La, ông nhận xét “Hồi đấy mà cứ để tranh luận triền miên kiểu này thì không thể nào có đường dây 500 kV được. Việc thảo luận công khai, dân chủ, tranh cãi cho hết lẽ đối với những vấn đề quan trọng của đất nước là rất cần thiết, tuy nhiên cuối cùng phải có ai đó đứng ra quyết định, dám chịu trách nhiệm của mình và có giải pháp, quyết tâm thực thi thì vấn đề mới được giải quyết”.
Một chính trị gia đương đại nói” “Lịch sử được viết lên bằng những con người hành động”. Đất nước ta đang trên con đường phát triển cần biết bao những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao đối với những quyết định liên quan đến sự tồn vong của Tổ quốc. Và ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là con người dám hành động vì đất nước, vì nhân dân.