Sự kiện

Ngành điện: Tích cực triển khai lưới điện thông minh

Thứ sáu, 24/5/2013 | 08:38 GMT+7
Bất cập lớn nhất của ngành điện Việt Nam hiện nay là lưới truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu, hệ số đàn hồi còn quá cao, tổn thất điện năng lớn (chủ yếu ở lưới điện phân phối).
 


Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, tiết kiệm điện năng, phát triển năng lượng sạch, giảm ảnh hưởng đến môi trường, ngày 8/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển lưới điện thông minh (LĐTM) tại Việt Nam.

Hiện nay, ngành điện đang tích cực triển khai lộ trình LĐTM trên lưới điện phân phối.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng

Hiện đại hóa lưới điện phân phối, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến cho hệ thống đo đếm, hệ thống thông tin, phần mềm điều khiển là điều kiện quan trọng để áp dụng hiệu quả LĐTM. Hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMI) có khả năng nhận biết và tính toán cho khách hàng chi phí tiền điện ở những thời điểm khác nhau, khách hàng có thể tra cứu thông tin việc sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sử dụng điện vào giờ thấp điểm nhằm tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…

Hiện nay, Tổng công ty điện lực TPHCM (EVN HCMC) đang triển khai hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMI) giai đoạn 1 với quy mô 60.000 điện kế thông minh.

Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã lắp đặt được 2.000 công tơ điện tử 1 pha RF cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, gần 300 công tơ điện tử 3 pha 3 giá cho khách hàng mua điện 110kV, 35kV…

Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng lắp đặt trên lưới khoảng 150.000 công tơ điện tử 1 pha. Theo lộ trình, đến năm 2014 EVN SPC sẽ hoàn thiện hệ thống đọc từ xa các công tơ ranh giới. Giai đoạn 2012-2016 hoàn thiện xây dựng hệ thống đo ghi từ xa thu thập dữ liệu công tơ tổng trạm công cộng và trên 2 triệu công tơ đo ghi từ xa sau trạm công cộng.    

Tổng công ty điện lực miền Trung (EVN CPC) cũng đã lắp đặt khoảng 250.000 công tơ điện tử 1 pha và 3 pha. Từ nay đến 2017 sẽ thay thế bằng toàn bộ công tơ điện tử 1 pha đọc từ xa bằng sóng RF khu vực thành phố, thị xã, thị trấn; đến 2022 thì hoàn thành toàn bộ khu vực nông thôn. Riêng khách hàng 3 pha sẽ hoàn thành trong năm 2013. Thực hiện đọc dữ liệu công tơ từ xa qua modem GPRS đối với các khách hàng 3 pha.

Ngòai ra, các đơn vị cũng đang tiến tới xây dựng trạm biến áp (TBA) 110 kV không người trực. EVN HCMC phấn đấu hoàn thành tự động hóa lưới điện 110kV vào năm 2022. EVN NPC lên kế hoạch năm 2013 sẽ hoàn chỉnh công tác thu nhập số liệu, giám sát điều khiển SCADA, hệ thống đo đếm từ xa tới các nhà máy điện có công suất trên 30MW, các TBA 110kV trở lên. Đồng thời, triển khai các chương trình: Quản lý hệ thống đo đếm điện năng; hệ thống giám sát vận hành, thu nhập thông số từ trạm biến áp 110 kV…

EVN SPC dự kiến xây dựng  hệ thống SCADA và TBA 110kV không người trực giai đoạn 2013-2016 . Triển khai ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu và tính toán SAIDI, SAIFI thông qua chương trình mô hình hóa lưới điện trung áp. Ứng dụng GIS vào công tác quản lý lưới điện 110kV, 22kV. Giai đoạn 2017-2022 sẽ mở rộng SCADA đến các thiết bị trên lưới trung thế, trạm bù, các nhà máy điện nhỏ…

Ngoài ra, các đơn vị cũng đang tích cực hòan thiện hệ thống thông tin, thiết lập mạng truyền dẫn đường trục cáp quang trên trụ trung, hạ thế, kết nối các công ty điện lực – điện lực - TBA. Xây dựng các phần mềm tạo kênh thông tin giao tiếp 2 chiều giữa đơn vị điện lực và khách hàng. Xây dựng Trung tâm chăm sóc khách hàng, hoàn thiện chương trình thu thập cơ sở dữ liệu mất điện đến từng khách hàng, tự động hóa tính toán và lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Tất cả cùng vào cuộc

Thiếu vốn là một thách thức lớn nhất trong quá trình hiện đại hóa lưới phân phối. Vì vậy, bên cạnh  nguồn lực Nhà nước, ngành điện đang tích cực kêu gọi xã hội hóa, tận dụng các nguồn vốn vay ODA hay các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức quốc tế, phối hợp các dự án trong việc cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối điện, xây dựng nguồn nhân lực và hệ thống pháp lý cho triển khai, áp dụng công nghệ LĐTM trong phân phối.

Hiện tại, WB đang hỗ trợ nguồn vốn vay 486,9 triệu USD triển khai Dự án “Phân phối hiệu quả”. Nội dung dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện để xây dựng năng lực cho Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) và các tổng công ty điện lực trong việc phát triển các mức giá hợp lý cho ngành điện và thiết kế chương trình quản lý truyền tải điện tiên tiến; nâng cao hiệu quả tiêu dùng điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc điều chỉnh nhu cầu phụ tải.

Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, lưới điện phân phối trên cả nước sẽ tăng khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định, giảm tổn thất điện, tăng khả năng truyền tải của hệ thống trung và hạ áp nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực nông thôn và cận nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện.

Hiện Bộ Công Thương và EVN đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác dự báo nguồn điện và hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và thiết bị vận hành để lập kế hoạch cung cấp điện chính xác theo khả năng cung-cầu. Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ sở pháp lý, cải thiện mối quan hệ giữa nhà máy điện, đơn vị phân phối và người sử dụng theo hướng quan hệ đối tác bình đẳng chứ không phải theo cơ chế mệnh lệnh, xin cho như hiện nay.
Ngọc Loan/Icon.com.vn