Sự kiện

GS Trần Đình Long: 'Lưới điện 500kV được thiết kế đúng theo chuẩn quốc tế'

Thứ ba, 28/5/2013 | 10:58 GMT+7
Nguyên là “kiến trúc sư trưởng” công trình điện 500KV, Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã chia sẻ về nguyên nhân và bài học đằng sau sự cố mất điện các tỉnh phía Nam.

Đang công tác tại khu vực Miền Trung, Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long đã dành cho PV cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Thưa ông, mới đây thôi, một sự cố điện khiến cho hơn 20 tỉnh thành phía Nam mất điện. Đây là một sự cố rất hiếm hoi kể từ khi vận hành lưới điện 500 KV. Ông có lý giải gì về sự cố này?

Khi thiết kế công trình 500KV cũng đã lưu ý đến khả năng hư hỏng cũng như tình hình sự cố cho hệ thống. Tuy nhiên, vừa rồi là một trong những sự cố, như anh nói, rất là hiếm hoi. Trước đây, có những lần xảy ra sự cố nhưng hậu quả của nó không nặng nề như vậy.

Sở dĩ sự cố lần vừa rồi có hậu quả lớn là vì nó xảy ra khi trùng hợp với một số yếu tố được xem là bất ngờ khác.

Khi thiết kế hành lang lưới điện người ta cũng lưu ý đến các phương tiện vận tải, con người làm việc gần hành lang ở đó. Ở đây có xe cẩu, cần rất cao, cẩu theo vật rất dài. Mặc dù người ta có thể nghĩ rằng không có khả năng chạm vào đường dây đó nhưng khi làm việc thực tế. Người làm việc dưới lưới điện không lường hết được vấn đề.

Lý do thứ 2, sự việc này lại xảy ra đúng thời điểm phụ tải rất cao. Thời điểm đó rơi vào những ngày nắng nóng và vào khoảng 2 giờ chiều. Nhu cầu sử dụng điện năng rất lớn, các đường dây đang tải rất nặng. Khi một đường dây bị sự cố như vậy, đường dây thứ 2 không thể gánh nổi toàn bộ tải dẫn đến hư hỏng, các thiết bị trang bị cho đường dây cắt ra. Khi cả 2 mặt đều cắt thì nguồn cung cấp theo đường dây 500 KV không còn nữa. Vì điều này đã gây ra hiện tượng quá tải rất lớn cho đường điện, nhà máy điện ở khu vực phía Nam. Sau đó, các thiết bị bảo vệ nhà máy điện lần lượt hoạt động và cắt toàn bộ nguồn đó, làm cho hệ thống bị tê liệt, “sụp đổ”, dẫn đến hiện tượng mất điện trên một diện rất rộng.

Như vậy, khi thiết kế, lắp đặt đường dây đó, yếu tố an toàn cũng được quan tâm nhưng do một số yếu tố trùng hợp thế cho nên xảy ra sự cố rất đáng tiếc như chúng ta đã biết.

Giáo sư - Viện sĩ – TSKH Trần Đình Long là một nhà khoa học xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nền khoa học Việt Nam. Ông từng là Chủ nhiệm bộ môn hệ thống điện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN)... và là người được mệnh danh là kiến trúc sư trưởng công trình đường điện 500 KV tạo thành lưới điện quốc gia.
Được biết, ông là người trực tiếp chỉ huy xây dựng công trình đường dây tải điện 500 KV. Sau nhiều năm vận hành, công trình này đã mang lại nhiều ý nghĩa to lớn cho đất nước. Vậy xin hỏi ông, tại sao bây giờ mới xảy ra sự cố này?

Câu chuyện hư hỏng, mất điện toàn hệ thống không phải là câu chuyện chỉ xảy ra với đất nước mình. Tất cả các hệ thống điện trên thế giới đều đã từng trải qua những sự cố hết sức nghiêm trọng như vậy. Mỹ, Pháp và một số nước Tây Âu, các nước trong khu vực như New Zilan, Malaysia... đều có sự cố. Gần đây nhất đó sự cố ở Ấn Độ. Hậu quả những sự cố đó rất lớn. Thường những sự cố này xảy ra rất nặng nề và trong tình huống khó lường trước được. Như trên tôi đã nói, đường dây 500KV nhiều lần sự cố cắt đường dây, sau đó chúng ta đã xử lý tốt. Hậu quả không quá nặng nề như sự cố mới đây.

Vậy, thưa ông, độ cao an toàn của công trình đã đảm bảo hay chưa?

Độ cao an toàn lưới điện công trình 500KV đã được thiết kế đúng theo chuẩn quốc tế. Nếu những hoạt động phía dưới đường dây đều đảm bảo theo quy định thì chuẩn đường dây không có vấn đề gì. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, một cần cẩu đã cao lại cẩu theo một vật khá dài đó là cái cây. Như vậy, không ai tính được khoảng cách an toàn trong trường hợp rất đặc biệt như vậy.

Bởi vì nếu ta tính chiều cao treo dây quá lớn phải tính đến độ cao của cột sẽ vượt quá định mức thiết kế của đường dây tải điện. Vì vậy tôi nhắc lại chuẩn thiết kế treo dây của công trình 500 KV theo đúng chuẩn quy định.

Vì sao một sự cố mà có thể làm mất điện hơn 20 tỉnh phía Nam? Ông có thể nói rõ về vị trí sự cố như thế nào?

Đây là một trong 2 mạch cấp điện cho khu vực Tp Hồ Chí Minh, ở trạm Tân Bình. Mạch thứ 2 đi xuống Phú Lâm. Khi một mạch bị sự cố, toàn bộ công suất trước đây đi theo 2 mạch nó dồn vào mạch còn lại. Như vậy, gây quá tải cho đường dây. Những thiết bị bảo vệ chống quá tải, khi có sự cố sẽ hoạt động và tiếp tục cắt mạch cấp điện còn lại. Như trên tôi đã nói.



Xe cẩu gây ra sự cố mất điện hy hữu

Khi thiết kế đường dây 500KV, chúng ta đã tính đến những sự cố như thế này chưa?

Thường người ta tính đến trong những chế độ xấu nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, có những tình huống tồi tệ nhất chưa lường hết trước. Thời điểm xảy ra sự cố khi phụ tải rất cao. Điều này không chỉ xảy ra với hệ thống điện của mình. Ở các nước khác cũng như vậy. Những sự cố nghiêm trọng của hệ thống điện thường xảy ra đúng thời điểm công suất tiêu thụ là lớn nhất. Thời tiết, có thể là nóng nhất ở nước nhiệt đới hoặc có thể là quá lạnh ở nước ôn đới. Nhu cầu sử dụng điện tăng lên quá mức, vượt quá mức người ta dự kiến nhất. Sự cố lại xảy ra vào thời điểm này thì khó có thể lường trước hết được.

Có thể đặt “dấu hỏi” về công tác quản lý hệ thống đường dây của EVN được không?

Hệ thống truyền tải của hệ thống 500 KV và hệ thống điện siêu cao áp nói chúng được quản lý hết sức nghiêm ngặt. Bản thân ngành điện có rất nhiều quy trình, những quy định, cho phép làm cái gì, không cho phép làm cái gì... Tuy nhiên, thường những trường hợp xâm hại đến đường dây lại không phải do phía điện lực gây ra mà thường do những nhân tố bên ngoài. Khi do xe cẩu, khi do đốt rẫy đốt nương... Bản thân chủ quan của ngành điện xảy ra rất ít, hậu quả không nghiêm trọng.

Phải chăng do vấn đề tuyên truyền và vấn đề bảo vệ hành lang lưới điện?

Vấn đề tuyên truyền và bảo vệ hành lang, luật pháp đã có quy định, đã có quy chuẩn... Các phương tiện truyền thông cũng đã nhiều lần nói về vấn đề an toàn lưới điện. Nhưng vấn đề an toàn điện cũng giống như vấn đề an toàn giao thông, tuyên truyền rất nhiều nhưng ý thức của quần chúng, những người tham gia vào công việc có liên quan, vấn đề an toàn chưa cao. Nhiều công trình đang xây dựng công nhân chạm vào đường dây điện, vận tải siêu trường siêu trọng đôi khi va quệt vào cột điện, dây dẫn và gây ra sự cố. Trong tương lai cần phải rút kinh nghiệm, công tác tuyên truyền phải là tốt hơn. Bên cạnh đó phải xử phạt những trường hợp vi phạm và là nhân tố nhắc nhở những người khác.

Sau sự kiện này, với tư cách là “kiến trúc sư trưởng” công trình đường dây tải điện 500KV, ông sẽ rút ra bài học gì để tư vấn cho EVN vận hành tốt hơn lưới điện quốc gia?

Thông thường ở các nước khi xảy ra sự cố lớn như vậy, nhà nước sẽ thành lập những hội đồng để phân tích đánh giá sự cố đó. Ngoài Tập đoàn điện lực Việt Nam có các chuyên gia nghiên cứu ở các viện hoặc đơn vị quản lý nhà nước có thể xem xét nguyên nhân, hậu quả đặc biệt những giải pháp để ngăn ngừa để tương lai không xảy ra sự cố tương tự như vậy.

Trong vấn đề nghiên cứu đó cần xem xét cò cần trang bị thêm những thiết bị tự động, thiết bị bảo vệ nào nó đáp ứng tốt hơn tình huống hy hữu nhưng nó có thể xảy ra. Mặc dù những thiết bị đó thời gian dài không thực hiện, những vẫn cần phải có để ngăn ngừa từ xa những trường hợp xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Như vậy cần phải có đánh giá nghiêm túc và có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này.

Ngoài ra, cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện và cũng cần xem xét có cần bổ sung chế tài xử phạt để nâng cao ý thức của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Chuyên (thực hiện)
Theo: Infonet .vn