Sự cố hy hữu này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội mà còn gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp và mối lo ngại về việc bảo đảm an toàn đường dây 500 KV Bắc – Nam.
Lưới điện cao áp luôn bị đe dọa
“Đang đêm ngủ mà có tiếng chuông điện thoại bất thường là là toát mồ hôi, chỉ lo có sự cố ở đâu”- đó là tâm sự chung của những người làm nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện cao áp. Bởi vì, hầu hết các sự cố đều bất ngờ và hậu quả đều rất nặng nề. Điển hình là chỉ một va chạm nhẹ của ngọn cây vào đường dây 500 kV do sơ suất của lái xe mà hơn hai chục tỉnh thành rơi vào cành giao thông tê liệt, sinh hoạt đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nguyên nhân xảy ra trong chớp mắt nhưng ngành điện đã phải mất nửa ngày để khắc phục sự cố. Thiệt hại kinh tế thì có thể thống kê nhưng hậu quả xã hội thì không thể tính đếm được.
Theo ông Vũ Ngọc Minh- Phó TGĐ EVN NPT, sự cố gây mất điện trên diện rộng như thế này là lần đầu nhưng những sự cố quy mô nhỏ hơn trên lưới điện cao áp đã từng xảy ra không ít. Mới đây nhất, ngày 20/1/2013, xe máy xúc đi dưới đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh đã vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng cột 681 - 682 bị phóng điện gây sự cố, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trong năm 2012, riêng lưới truyền tải 220 kV khu vực miền Bắc đã có 4 vụ sự cố gây đứt cáp ngầm hoặc gây phóng điện tại đường dây 220kV NĐ Hải Phòng - Trạm 220kV Đình Vũ (2 lần), đường dây 220kV từ nhà máy NĐ Phả Lại - Trạm 220kV Đồng Hoà, đường dây 220kV Vĩnh Yên - Sóc Sơn, thiệt hại để khôi phục nhiều chục tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại do ngừng cung cấp điện.
Không chỉ bị sự cố do các phương tiện giao thông, những sự cố do các vi phạm khác cũng liên tục xảy ra. Tuyến đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra gần 10 sự cố lớn do diều mắc vào đường dây gây phóng điện dẫn đến phải cắt điện nhiều giờ để sửa chữa, gây thiệt hại mỗi vụ việc hàng trăm triệu đồng. Năm 2012, hệ thống đường dây truyền tải điện khu vực miền Trung-Tây Nguyên xảy ra 31 lần sự cố, chủ yếu do cháy rừng phòng hộ, cháy nương rẫy ... Khu vực miền Nam cũng có 22 sự cố, trong đó, sự cố do vi phạm hành lang an toàn chiếm 36,4%.
Đi tìm nguyên nhân
Tất cả những vụ việc xảy ra nêu trên cho thấy, ý thức tự giác và sự hiểu biết về những quy định liên quan đến hành lang an toàn lưới điện của người dân còn kém. Điển hình nhất là việc thả diều, một thú vui của “dân chơi diều” nhưng cũng là nỗi ám ảnh của “dân truyền tải”. Khó là ở chỗ ngành điện không thể cấm đoán vì người dân chơi diều ngoài hành lang lưới điện. Chỉ khi chẳng may diều bị đứt dây cuốn vào lưới điện cao áp đang vận hành thì mới thấy hậu quả. Thực tế đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra như bỏng nặng hoặc tử vong cho người chơi diều, kèm theo đó là sự cố phóng điện trên lưới gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Bên cạnh đó, những công trình xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Mặc dù ngành điện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo vệ hành lang nhưng không xuể. Nguyên nhân chủ yếu là chế tài xử lý còn bất cập. Nhiều địa phương vào cuộc chưa thật nhiệt tình vì coi đây là trách nhiệm của ngành điện. Trong khi đó, với vai trò doanh nghiệp, ngành điện có nhiệm vụ bảo vệ lưới điện, nhưng khi phát hiện vi phạm thì chỉ có thể tuyên truyền thuyết phục, nếu dân cố tình vi phạm thì phải cậy nhờ đến pháp luật, chính quyền. Việc xử lý cũng trên quan điểm “giáo dục là chính chứ bắt người dân đền bù là bất khả kháng vì thiệt hại thường rất lớn”. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân quan trọng, cộng với hiểu biết chưa đầy đủ về sự nguy hiểm của lưới điện cao áp khiến nhiều người vẫn “nhờn với thần chết”.
Hiện cả nước có tới 4.848 km đường dây 500kV và 11.313 km đường dây 220kV , hàng chục nghìn km đường dây 110 kV, trung thế và hạ thế. Vì vậy, lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương và sự vào cuộc của người dân.
Chế tài phải thật nghiêm
Ông Vũ Ngọc Minh, Phó TGĐ EVN NPT cho biết, mối đe dọa lớn nhất của lưới điện là tình trạng thả diều gần đường dây điện. Hiện công nhân truyền tải vẫn phải đi tháo gỡ xác diều bị vướng vào đường dây để tránh gây sự cố nhưng cứ gỡ xong thì lại có xác diều khác vướng vào. Nếu không được tháo gỡ thì các dây dẫn điện rất có nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện khi thời tiết mưa ẩm. Tuy nhiên, muốn tháo gỡ thì phải cắt điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của các cơ quan, doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân. Mặc dù ngành điện đã thực hiện rất nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của lưới truyền tải điện, cũng như hậu quả nếu để xảy ra sự cố đối với các công trình nguồn và lưới điện đối với an ninh năng lượng quốc gia nhưng hiệu quả vẫn chưa được là bao. Vì vậy, rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng khẳng định, Nghị định 106/2005/NĐ-CP sửa đổi và Nghị định 81/2009/NĐ-CP đã nêu rõ: cấm thả điều, vật bay hoặc bất cứ vật gì gần đường dây và có khả năng ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp. Điều 12 Nghị định 106 cũng quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Tuy nhiên, giải quyết vi phạm hành lang lưới điện cao áp hiện đang là vấn đề nóng và nhạy cảm, việc xử lý lại càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân. Đến nay, rất nhiều UBND các tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các vi phạm, đề ra phương hướng, giải pháp xử lý, tổ chức tập huấn công tác quản lý hệ thống lưới điện cho các huyện thành phố nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.
Nhớ lại mấy năm trước, phong trào “thả đèn trời” để cầu may ở Hà Nội và một số tỉnh thành đã làm cháy cả nhà cao tầng, kho xăng và đường dây truyền tải điện, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tới năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, nghiêm cấm mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt, thả đèn trời thì tình trạng này đã được khắc phục hoàn toàn. Điều đó cho thấy, chỉ khi có chế tài đủ mạnh thì hệ thống lưới truyền tải điện mới giảm những nguy cơ sự cố.
Ngành điện vẫn phải chủ động
Điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay không phải là con số thiệt hại sau sự cố xe cẩu gây mất điện mà là tình trạng dễ tổn thương của lưới điện cao áp sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng nếu gặp những sự cố tương tự. Nhất là khi nhu cầu phụ tải ở khu vực phía Nam đang tăng rất mạnh, trong khi các dự án nguồn chưa vào kịp, trọng trách cung cấp điện cho miền Nam phụ thuộc vào 2 đường dây 500 kV Bắc Nam nên khi xảy ra sự cố, việc xử lý rất khó khăn. Để đảm bảo được an ninh năng lượng không chỉ cần đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp, như đường ống dẫn khí, than cho nhiệt điện, nước cho thủy điện… mà còn cần có hệ số dự phòng của các nhà máy điện. Trong khi thực tế, việc xây dựng nhà máy luôn chậm tiến độ, chế tài chưa đủ mạnh, quy hoạch không được thực hiện… Vì vậy, biện pháp căn cơ nhất vẫn là sớm đầu tư các nhà máy điện để chủ động cân đối nguồn tại chỗ cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn điện truyền tải qua hệ thống ÐZ 500 kV Bắc-Nam. Ðẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm 220-500 kV để san tải, tăng tính ổn định cho hệ thống. Hiện nay, hai mạch 500 kV là Pleyku - Di Linh - Tân Ðịnh - Phú Lâm và Pleiku - ÐakNông - Phú Lâm về TP Hồ Chí Minh luôn vận hành trong tình trạng đầy tải hoặc quá tải.
GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: sự cố mất điện hôm 22/5 là do hoạt động không đúng quy trình an toàn chứ không phải là hệ thống điện thiếu an toàn. Để đảm bảo an toàn lưới điện thì không chỉ riêng ngành điện mà cần phải có quy hoạch, giao thông… tính toán kỹ ở những khu vực có đường dây cao thế đi qua. |