Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 thí nghiệm định kỳ và sửa chữa thiết bị trạm biến áp 500kV Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Không có kinh nghiệm, không đủ năng lực vẫn được chỉ định
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia (PVN) làm chủ đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.200MW), Long Phú 1 (1.200MW), Thái Bình 2 (1.200MW), Quảng Trạch 1 (1.200MW), Sông Hậu 1(1.200MW) và Nhà máy thủy điện Hủa Na (180MW), ĐăkĐrinh (125MW). Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, các dự án Vũng Áng 1, Long Phú 1 và Thái Bình 2 đã bị chậm tiến ít nhất là 1 năm so với quy định trong Quy hoạch điện VII. Nếu so với kế hoạch phát điện, có thể sẽ còn bị chậm hơn vì hiện nay dự án Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 vẫn chưa được khởi công mà vẫn trong quá trình chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ.
Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân là do các Tổng công ty trong PVN được chỉ định là tổng thầu EPC các nhà máy điện đều là các Tổng công ty xây lắp ngành dầu khí, không có kinh nghiệm và không đủ năng lực quản lý và chuyên môn làm tổng thầu EPC các nhà máy nhiệt điện than lớn. Đặc biệt, năng lực tài chính không đáp ứng nên quá trình triển khai đều chậm. Dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na, mặc dù, tổ máy số 1 đã đưa vào vận hành từ tháng 2-2013 và Nhà máy thủy điện ĐăkĐring (dự kiến phát điện trong năm 2013) nhưng so với tiến độ quy định trong Quy hoạch điện VII cũng đã bị chậm.
Với tình hình tài chính và thực tế triển khai các dự án điện hiện nay tại PVN, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển dự án Nhiệt điện Long Phú 3 đang do PVN làm chủ đầu tư sang thực hiện theo hình thức BOT và nhà đầu tư mới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn điện khu vực miền Nam trong những năm tới.
Vốn và giải phóng mặt bằng vẫn…nóng
Trong 2 năm 2011-2012, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đưa vào vận hành 89 công trình lưới điện 500kV-220kV, với tổng chiều dài đường dây trên 2.300km, tổng công suất các trạm biến áp tăng thêm là 12.120 MVA. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành 227 công trình lưới điện 500kV-220kV với tổng chiều dài đường dây 9.275km và tổng dung lượng trạm biến áp trên 33.000MVA. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011-2013, khối lượng đầu tư các dự án 500kV đạt trên 90%; khối lượng thực hiện đối với các dự án 220kV chỉ đạt 76,8% về trạm và đường dây chỉ đạt 70,3%. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn cho các dự án lưới điện cấp bách và khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Bộ Công Thương cho biết, việc triển khai vay vốn cho các công trình nguồn và lưới của EVN và EVN NPT vẫn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại trong nước không đủ vốn cho vay, lãi suất vay cao và tỷ lệ dư nợ vốn vay của EVN đã vượt quá giới hạn tín dụng cho vay tại hầu hết các ngân hàng trong nước. Để đẩy nhanh tiến độ cho các dự án lưới điện đấu nối nguồn điện và các dự án lưới điện cấp bách, EVN đã hỗ trợ ứng vốn cho EVN NPT. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương đang xem xét tắng giá truyền tải điện nhằm đảm bảo NPT có thể trang trải các chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý, tăng tín nhiệm tài chính để có thể thu xếp vốn cho phát triển lưới điện truyền tải. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xem xét đề nghị của NPT để ban hành phí đấu nối các nhà máy vào hệ thống để các bên có trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết và đảm bảo tiến độ dự án do mình thực hiện.
Giải phóng mặt bằng vốn là công tác khó khăn nhất đối với hầu hết các công trình, nhưng với các công trình lưới điện lại càng khó khăn, do một công trình phải đi qua nhiều địa phương và chính sách giá đền bù, hỗ trợ đền bù mỗi địa phương một khác nên các hộ dân so sánh bì tị không chịu nhận tiền đền bù. Chưa kể đến việc, vài năm gần đây, rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà tạm với diện tích lớn trong các vị trí móng, hành lang tuyến để lấy tiền đền bù công trình trên đất. Đơn cử, tại các huyện Đăk RLấp, huyện Hớn Quảng, Tthị xã Bình Long và diện tích phần mở rộng trạm biến áp 220 kV Bình Long để trục lợi tiền đền bù làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Các ngôi nhà tạm này xuất hiện sau khi cắm mốc, đo đạc để làm các thủ tục bồi thường GPMB với diện tích rất lớn trên các vị trí được xác định để xây dựng móng trụ điện, hành lang tuyến và mở rộng TBA.
Không riêng đường dây 220 kV Đăk Nông– Phước Long– Bình Long, hầu hết các dự án đường dây đều khó khăn GPMB do chính sách giá đền bù, hỗ trợ chưa thống nhất, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc. Đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa cũng rất căng thẳng khi trước kế hoạch đóng điện 1 tháng mà vẫn còn hơn 40 km đi qua tỉnh Vĩnh Phúc chưa thi công được.
Đó là chuyện của người dân, nhưng vấn đề là cũng có chính quyền địa phương “không thích” có công trình trạm điện đặt trên đất địa phương mình và đường dây đi qua địa phương. Đơn cử, tỉnh Bình Dương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không đặt các trạm biến áp 500kV Mỹ Phước và Bình Dương tại tỉnh, mặc dù 2 trạm biến áp 500kV này có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung cấp điện khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt cho trung tâm chính trị, kinh tế TP Hồ Chí Minh trong những năm tới.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị cần xem xét thận trọng, hạn chế các thay đổi thiếu cơ sở có thể dẫn tới phá vỡ kết cấu tối ưu tổng thể hệ thống điện quốc gia đã được tính toán trong Quy hoạch, thậm chí có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết nếu cho phép thay đổi, tạo tiền đề xấu trong việc thực hiện các quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt khi không mang lại lợi ích trực tiếp cho địa phương.
Theo Bộ Công Thương, trạm biến áp 500kV Mỹ Phước và Bình Dương là điểm đấu nối các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Hạt Nhân 1 và 2 vào hệ thống điện quốc gia khi các nhà máy này đi vào vận hành. Nếu thay đổi vị trí của các trạm biến áp này sẽ phải nghiên cứu lại toàn bộ kết lưới phía sau các trạm này và sẽ làm chậm tiến độ thực hiện toàn bộ các dự án, ảnh hưởng tới tính tối ưu của cấu trúc lưới điện khu vực.
Giải pháp ứng phó, phòng tránh nguy cơ xảy ra sự cố tương tự
Từ sự cố vừa qua, cho thấy, cần triển khai ngay một số giải pháp để bảo đảm an toàn vận hành cho đường dây 500 kV Bắc – Nam, đặc biệt là công tác bảo vệ hành lang an toàn của đường dây, đồng thời cũng cần phải có các giải pháp trung và dài hạn nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện và hệ thống điện nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rã lưới một phần hoặc toàn bộ hệ thống điện quốc gia. Theo đó, trước mắt triển khai ngay một số giải pháp: Tăng cường công tác bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220/500 kV, như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220 và 500 kV; triển khai ký hợp đồng về bảo vệ đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 và các mạch còn lại với lực lượng công an, quân đội, UBND các xã, địa phương có đường dây đi qua; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các qui định của pháp luật và nâng ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong xã hội, dân cư và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những khu vực có đường dây đi qua.
Về lâu dài phải tập trung vào các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện truyền tải nói riêng và hệ thống điện nói chung, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, tình trạng điện áp thấp, v.v... Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải của đường dây và trạm biến áp. Trong đó tháo gỡ các khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng là hết sức quan trọng.
Theo đó, tập trung chỉ đạo để đưa vào vận hành các đường dây và trạm biến áp 220/500 kV khu vực miền Nam, đặc biệt là các công trình đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định và trạm 500 kV Sông Mây; đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Phú Lâm - Ô Môn, Vĩnh Tân-Sông Mây, Vĩnh Tân - Sông Mây, Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; thay máy biến áp 500kV Phú Lâm, hoàn thành trạm 500 kV Cầu Bông; hoàn thành thay thế các tụ bù dọc trên đường dây 500 kV từ Pleiku đi về phía Nam để tăng khả năng tải cho các đường dây; nâng khả năng tải đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng (hiện đang quá tải). Đồng thời, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện đang xây dựng tại miền Nam.