Sự kiện

Công ty Truyền tải điện 2: 20 năm vững bước trên đường phát triển

Thứ năm, 8/4/2010 | 11:09 GMT+7

Bước sang năm 2010 cả nước đón mừng nhiều sự kiện trọng đại, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng; 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Hòa chung không khí đó tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 cũng đánh dấu 20 năm vững bước trên con đường phát triển, nhận và cung cấp cho các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên trên 30,2 tỉ kWh điện; Sản lượng điện truyền tải cho hai miền Nam - Bắc đạt trên 68,2 tỉ kWh. Để ghi nhận những thành tựu đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 Huân chương độc lập hạng Ba.

Ông Văn Hữu Chiến – Phó CT UBND TP Đà Nẵng trao Huân chương độc lập hạng 3 cho tập thể CBCNV PTC2

Từ những năm 1990 trở về trước, điện cho miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đang còn thiếu trầm trọng. Những ai đã trải qua thời kỳ này đều không thể nào quên cái cảnh điện ngày có ngày không. Đã vậy hệ thống lưới điện miền Trung - Tây Nguyên hoàn toàn nằm ngoài vành đai của lưới điện. Việc cung cấp điện ở hầu hết ở các tỉnh trong khu vực đều hoạt động theo cơ chế tự cung, tự cấp với những cụm Diesel nhỏ lẻ, cấp điện áp cao nhất lúc bấy giờ là 35kV và đa phần cũ kỹ, lạc hậu. Trong khi đó nhu cầu về điện của xã hội ngày càng tăng, đòi hỏi ngành Điện phải có kế hoạch xây dựng, phát triển nhiều công trình điện để phục vụ cho kinh tế - xã hội. Cũng trong thời gian này Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế bao cấp, đẩy mạnh nền kinh tế đất nước. Đây là một bước ngoặc để quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đạt được tốc đọ tăng trưởng nhanh. Đứng trước những yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi hệ thống lưới điện quốc gia cần đáp ứng kịp thời. Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị ngành Điện, tháng 3/1990 Bộ Năng Lượng đã tách Ban quản lý Nhiệt điện Cầu Đỏ thành Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và Sở Truyền tải điện 1 trực thuộc Công ty Điện lực 3. Nhiệm vụ trong tâm là chuẩn bị đưa các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện 110 – 220kV tuyến Vinh - Đồng Hới – Đà Nẵng vào vận hành để truyền tải điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào miền Trung. Đúng 17giờ30 ngày 31/7/1990, lưới điện quốc gia đã vào đến Đà Nẵng. Kể từ bước ngoặt này, hệ thống lưới điện miền Trung bắt đầu có những bước phát triển.

Một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đánh đấu một bước phát triển của toàn ngành Điện nói chung và Sở Truyền tải điện 1 nói riêng. Tháng 4/1992 Đảng và Nhà Nước quyết định xây dựng hệ thống tải điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam. Ngày 4/3/1993 Bộ Năng Lượng đã thành lập Ban chuẩn bị sản xuất đường dây 500kV Bắc Nam đoạn Đèo Ngang - Trạm Pleiku và giao cho Sở Truyền tải điện 1 đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này. Với gần 600 km đường dây 500kV, 2 trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và Pleiku; hệ thống thông tin cáp quang có 9 trạm lặp; 121 nhà chốt bảo vệ dọc cung đoạn trên. Vượt qua bao nhiêu gian truân vất vả trong quá trình giám sát, nghiệm thu ở những vị trí đèo núi hiểm trở như các Đèo Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, đèo Ngang, Lò Xo. Nếu nói công việc xây dựng đường dây 500 kV đạt kỷ lục thần kỳ về tiến độ thi công thì nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất cũng phải theo tiến độ như vậy. Lãnh đạo Sở đã tập trung trí tuệ tập thể vừa tập trung trang bị cơ sở vật chất, vừa tuyển chọn nhân lực để tiếp quản vận hành được thực hiện với tinh thần khẩn trương đồng thời tổ chức các lớp đạo tạo kỹ sư, công nhân vận hành.

Thời điểm này cùng một lúc CBCNV Công ty thực hiện hai nhiệm chính đó là đảm bảo vận hành lưới điện 110 – 220 kV và chuẩn bị cơ sở vật chất, nghiệm thu, chuẩn bị tiếp nhận quản lý vận hành đường dây 500kV trong khi đó nhân vật lực lại ít, cùng với nhiều vấn đề khó khăn khác đã được CBCNV từng bước khắc phục tháo gỡ. Cho đến ngày 27/5/1994 tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, Ngành Điện đã hòa thành công và đưa đường dây 500kV Bắc Nam vào vận hành. Tiếp đến vào ngày 12/11/1994 tại trạm biến áp 500kV Pleiku đã chính thức đóng điện 500kV. Cũng trong thời gian này, ngày 04/3/1995 để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, Bộ Năng lượng được chuyển thành Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và chính thức chuyển Sở Truyền tải điện 1 thành Công ty Truyền tải điện 2 trực thuộc Tổng công ty (sau này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Đến tháng 4/2008 một lần nữa bộ máy tổ chức của Công ty có sự thay đổi, Tập đoàn Điện lực việt Nam đã chính thức thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công ty là đơn vị thành viên trực thuộc.

Địa bàn hoạt động của Công ty Truyền tải điện 2 trải dài từ Quảng Bình đến Gia Lai, nổi tiếng các địa danh như đèo Ngang, sông Gianh (Quảng Bình) đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia (TTHuế), đèo Hải Vân (Đà Nẵng), Ngầm Xơi, Thác Nước (Quảng Nam), Đèo Lo Xo, Măng Đen, (KonTum); Vi ô Lắc (Quảng Ngãi)... Trong những năm chiến tranh dải đất miền Trung hứng chịu sự tàn phá ác liệt của Mỹ ngụy, đến nay vẫn còn sót lại nhiều bom mìn trong hành lang tuyến. Mỗi khi công nhân kiểm tra tuyến phát hiện bom mìn, để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải và an toàn cho công nhân vận hành. Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội di chuyển bom mìn ra khỏi hành lang tuyến. Bên cạnh đó, trong cung đoạn đường dây của Công ty Truyền tải điện 2 quản lý không chỉ gặp khó khăn  về địa hình mà còn ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, hằng năm địa gánh  chịu các trận bão, lũ lớn gây nên nhiều thiệt hại cho lưới điện truyền tải. Chỉ riêng năm 2009, lưới điện truyền tải của Côgn ty quản lý chịu sự tàn phá của 2 cơn bão số 9, 11. Ngay sau khi cơn bão đi qua, Cong ty đã khẩn trương sửa chữa, khắc phục hậu quả. Mới đây tại hội nghị chỉ đạo khắc phục hậu quả cơ bão số 9 của  Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì được tổ chức tại Đà Nẵng. Đồng chí Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mạnh dạn báo cáo với Thủ tướng, chỉ sau vài giờ cơn bão đi qua các Công ty truyền tải điện đã khắc phục xong và đường dây 500kV đã thông suốt cấp điện an toàn cho 2 miền Nam - Bắc.

Ban đầu khi đường dây 500kV mới được tiếp nhận vận hành, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ còn thiếu, chưa quen với công việc, đã vậy khi được phân công về các đơn vị vùng sâu, vùng xa đã có một số kỹ sư, công nhân dao động ngại khó đã xin chuyển công tác. Đứng trước tình hình trên, lãnh đạo Công ty cùng BCH Công đoàn, Đoàn thanh niên đã đề ra biện pháp động viên CBCNV thực hiện phương châm vừa học vừa làm, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt. Vận động CBCNV nỗ lực vượt khó vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Cho đến hôm nay có thể khẳng định Công ty Truyền tải điện 2 đã đứng vững, đi lên và khẳng định vị trí của mình trong ngành Điện.

Bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Công ty, chỉ cần một sơ suất nhỏ là gây sự cố làm gián đoạn việc cung cấp điện trên diện rộng. Nhận thức được tầm quan trọng đó Công ty đã triển khai các biện pháp cụ thể để hệ thống lưới điện vận hành, an toàn, liên tục. Các biện pháp được triển khai như thường xuyên kiểm tra ngày, đêm để bảo đảm hành lang tuyến, ngăn chặn các hiện tượng đốt nương rẫy, xử lý kè móng, mương thoát nước trước mùa mưa bão. Đo kiểm tra sự phát nhiệt các mối nối, thí nghiệm, sữa chữa thay thế kịp thời các thiết bị hư hỏng trên hệ thống, lắp đặt các thiết bị tự đóng lặp lại đường dây. Qua nhiều năm quản lý vận hành, Công ty đã có hàng trăm đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất. Đặc biệt Công ty đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới, đưa phương tiện hiện đại vào công tác sửa chữa đường dây 500kV. Điển hình vào ngày 17/3/1996 lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty đã sử dụng máy bay trực thăng để sửa chữa dây cáp quang đường dây 500kV. Ngày 9/9/2001, cũng là lần đầu tiên, Công ty đã áp dụng công nghệ sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện và đến nay đã nhiều lần Công ty tiến hành sửa chữa nóng đường dây 500kV làm lợi cho Nhà nước hàng chục triệu kWh, trị giá hàng tỷ đồng. Bên cạnh việc quản lý vận hành Công ty còn đảm nhận nhiệm vụ: Thiết kế, xây lắp, nâng cấp đường dây và trạm biến áp, quản lý các dự án chống quả tải, mở rộng trạm biến áp, tư vấn giám sát và nghiệm thu các công trình điện, thí nghiệm, hiệu chỉnh các thiết bị có cấp điện áp đến 500kV; Thiết kế lắp đặt các thiết bị thông tin điện lực (SCADA). Công ty không ngừng nâng cao công tác quản lý doanh nghiệp theo những yêu cầu mới của Tổng Công ty và của Nhà nước, các đơn vị trực thuộc đã hoạt động theo phân cấp. Năm 2003 Công ty đã áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2000 và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, tổ chức sản xuất nên hoạt động của Công ty ngày càng đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao.

Công nhân PTC2 sửa chữa đường dây 500kV

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty đã phát huy khả năng sáng tạo và tự chủ của CBCNV trên các công trình điện, Công ty đảm nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát, nghiệm thu và vận hành đường dây 500kV mạch 2; chủ động tham gia thi công nhiều dự án như: Đường dây 110kV Đà Nẵng - Đại Lộc;   Nâng cấp đường dây từ 110 kV từ 1 mạch lên 2 mạch Đồng Hới – Huế;  Thay tụ bù dọc từ 1000A lên 2000A đường dây 500kV Đà Nẵng – Pleiku tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng; Lắp đặt, đại tu bộ điều áp dưới tải máy biến áp 500kV mà không cần chuyên gia nước ngoài và nhất là làm tốt thi công mở rộng 2 ngăn lộ đường dây 500kV mạch 2 xuất tuyến đi Dốc sỏi và Hà Tĩnh. Hiện nay, Công ty đang triển khai đầu tư nhiều dự án quan trọng như khởi công đường dây 220kV A Lưới - Huế; Đường dây 220kV 2 mạch từ Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn cùng nhiều công trình sửa chữa lớn khác.

20 năm, một thời gian chưa phải là nhiều so với các đơn vị bạn trong và ngoài ngành nhưng CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 đã tự hào những gì mình đã và đang làm, từng bước phụng sự và cống hiến cho tổ quốc. Từ những ngày đầu tiên khi hệ thống điện mới chỉ có gần 450km đường dây và 4 trạm biến áp 110 - 220kV với dung lượng là 127MVA và gần 200 CBCNV, thì hôm nay cả hệ thống điện quốc gia trên địa bàn do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý vận hành 9 Trạm biến áp 110 – 220 - 500 kV với dung lượng hơn 2853 MVA; hơn 1700 km đường dây 110 - 220 - 500 kV (theo quyết định của Tập đoàn, vào năm 2007 Công ty đã bàn giao cho các đơn vị bạn 26 trạm biến áp 110kV có trổng dung lượng là 979 MVA, gần 1000 km đường dây 110kV) cùng với gần 1000 CBCNV. Theo con số thống kê, trong 20 năm quản lý vận hành hệ thống điện đã có trên 30,2 tỉ kWh điện nhận cung cấp cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sản lượng điện truyền tải cho hai miền Nam - Bắc đạt trên 68,2 tỉ kWh. Nếu so sánh sản lượng điện truyền tải nhận cấp cho miền Trung - Tây Nguyên vào năm 1990 là 69,5 triệu kWh thì đến hết năm 2009 sản lượng đạt 3,64 tỉ kWh tăng 45 lần, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm luôn đạt từ 15 – 20% và đây cũng là một tỷ lệ cao so với một số ngành khác. Tổn thất điện năng và xuất sự cố luôn đạt thấp hơn chỉ tiêu được giao.

Để ghi nhận những thành tựu và sự nỗ lực của CBCNV Công ty Đảng và Nhà nước đã tặng cho Công ty Truyền tải điện 2 Huân chương độc lập hạng Ba; 29 Huân chương Lao động các hạng; trên 70 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, thành phố Đà Nẵng cùng nhiều danh hiệu thi đua khác cho tập thể và cá nhân. Hàng năm Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công ty đều đạt danh hiệu vững mạnh, xuất sắc. Việc tiếp theo cần lầm đó là tránh tư tưởng chủ quan và tự mãn và CBCNV Công ty Truuyền tải điện 2 tiếp tục phát huy những thành quả chung đã đạt được trong những năm qua để đáp ứng được việc cung cấp điện đầy đủ, an toàn, liên tục phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian đến.

Quang Thắng