Sự kiện

Báo động về tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng

Thứ tư, 7/4/2010 | 10:07 GMT+7

. Thiếu nước- các nhà máy thủy điện chạy cầm chừng

Nước sông Hồng đang bị cạn kiệt nghiêm trọng, để lộ cả chân trụ cầu Long Biên. Ảnh: Vietnamnet
Trong các tháng mùa khô năm 2009 và 3 tháng đầu năm 2010, nhiều sông trên toàn quốc, đặc biệt sông Hồng đã bị cạn kiệt nghiêm trọng. Lưu lượng và mực nước sông Hồng tại vị trí đo đạc trên các nhánh sông và dòng chính sông Hồng từ thượng nguồn đến hạ du đều có trị số thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Tình trạng khô hạn đang diễn ra trên toàn quốc đã gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, đã đưa các nhà máy thủy điện lâm vào tình trạng sản xuất điện cầm chừng. Thiếu điện trong mùa khô năm nay đã được cảnh báo trước.

Các dòng sông cạn kiệt chưa từng có trong lịch sử

Phó Giám đốc - Tiến sĩ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Nguyễn Lan Châu cho biết, trong mùa khô 2009-2010, dòng chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam trên cả 3 nhánh sông Đà, sông Thao và sông Lô đều ở mức thấp nhất trong lịch sử, đặc biệt là sông Thao và sông Lô. Mực nước lưu lượng tại các trạm thượng nguồn sát biên giới đều ở mức rất thấp, kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng. Lưu lượng và mực nước trên các dòng sông đều phá kỷ lục về giá trị thấp. Tại các trạm thượng nguồn sát biên giới, lưu lượng thấp nhất so với giá trị thấp nhất lịch sử, như: Sông Đà, tháng 11-2009, lưu lượng hiện tại thấp hơn lưu lượng thấp nhất trong lịch sử trước đó là (-309m3/s), tháng 2-2010 thấp hơn (-85m3/s); Sông Thao, tháng 11-2009, thấp hơn (-20m3/s), tháng 2-2010 thấp hơn (-42m3/s); song Lô, tháng 11-2009 thấp hơn (5,5m3/s), tháng 3-2010 thấp hơn 4,6m3/s.

Do thiếu mưa và nguồn nước về suy giảm nên dòng chảy sông Hồng từ biến giới nên dòng chảy đến các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà giảm nhanh từ giữa tháng 6-2009 và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 35-65%. Từ tháng 11-2009 đến tháng 3-2010, mực nước hạ lưu song Hồng liên tục giảm: tháng 11-2009 là 0,76m; tháng 12-2009 là 0,66m; tháng 1-2010 là 0,48m; tháng 2010 là  0,1m và tháng 3-2010 là 0,4m. Hiện nay, mực nước Hà Nội dao động trong khoảng 0,4m-1,0m.

Từ tháng 2 đến nay, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên giảm dần, dẫn đến tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông  ở mức thấp hơn TBNN. Xuất hiện tình trạng khô hạn cục bộ và xâm nhập mặn ở khu vực này. Dòng chảy trên song Mê Kông và mực nước dầu nguồn song Cưu Long cũng giảm nhanh và luôn ở mức thấp hơn TBNN, tại một số nơi vùng,  mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng so với năm 2009 với độ mặn từ 11‰ -26‰, xâm nhập sâu tới 30km, có nơi tới 70km.

Không chỉ tại Ennino

Tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên sông Hồng cũng như các dòng sông khác trên cả nước trong mùa khô 2009-2010 là do tác động của hiện tượng Elnino: mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài. Trong các tháng mùa khô 2009 đã xảy ra 3 đợt nắng nóng bất thường tại các tỉnh miền Bắc với nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc được, cao hơn TBNN từ 2 đến 3,8 độ C. Ở Nam Bộ và Tây Nguyên, từ tháng 1 đến tháng 3-2010 có nhiều ngày nắng nóng, đặc biệt là tại các tỉnh niềm Đông Nam Bộ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, việc điều tiết, vận hành các nhà máy điện thượng nguồn phía Trung Quốc cũng làm thay đổi sâu sắc chế độ dòng chảy phía Việt Nam. Vào cuối mùa lũ năm 2009, mực nước trên các dòng sông thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất và lưu lượng nhỏ nhất. Hoạt động của các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã làm trầm trọng hơn mức độ cạn kiệt, thiếu nước trên phần lưu vực thuộc phía Việt Nam. Tác động này có thể thấy rõ qua diễn biến mực  nước song tại các vị trí trạm đo gần biên giới Trung Quốc (Sông Đà- tại Mường Tè), sông Nậm Na tại Nậm Giàng, sông Thao tại Lào Cai, song Lô tại Hà Giang, sông Gâm tại Bắc Mê.

Tại công trình thủy điện Sơn La có hiện tượng nước dao động lên xuống rất nhanh với biên độ khoảng 10-20cm trong vòng 2-3 tiếng, giống như hiện tượng nước thủy triều lên xuống; tại tỉnh Lai Châu, mực nước dao động mạnh hơn, lên tới 2m; tại Hà Giang con số do động này là 0,5m.

Bên cạnh các nguyên nhân trên còn có nguyên nhân thuộc về chủ quan là chất lượng rừng của Việt Nam không cao. Trong những năm gần đây, mặc dù hàng năm tỷ lệ che phủ rừng ở nhiều địa phương có tăng lên nhưng chất lượng rừng lại bị suy giảm, nhất là đối với loại rừng trồng vì lợi ích kinh tế. Hiện tại, rừng che phủ trên bề mặt lưu vực chủ yếu là các rừng thưa, rừng nghèo. Diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng, rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy đã giảm sút, làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của lưu vực sông.

Hiện tượng khai thác nước ngầm- nguồn cấp nước cho sông trong mùa khô bị khai thác quá mức, khiến cho mực nước ngầm ở nhiều nơi bị hạ thấp nghiêm trọng. Tại Hà Nội, mực nước ngầm từ năm 1998 đến nay đang giảm xấp xỉ 1m/năm (từ -23m xuống -35m). Sự suy giảm nguồn nước ngầm cũng góp phần làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nước sông trong mùa khô.

Việc khai thác cát làm cho đáy sông bị hạ thấp cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mực nước sông ngày càng thấp đi.

Thiếu điện mùa khô đã lộ rõ

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, do tình trạng khô hạn nên cho đến thời điểm hiện nay các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đều không tích được đầy nước. Mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình ngày 5-4 là 104,11m thấp hơn cùng kỳ (-1,55m); hồ Tuyên Quang là 97,36m thấp hơn cùng kỳ (-3,79m) và hồ Thác Bà là 49,45m thấp hơn cùng kỳ (-3,79m). Tại các hồ thủy điện Quảng Trị, A Vương, Pleikrông, Buôn tua Srah, Buôn Kuốp là những nhà máy thủy điện mới được đưa vào vận hành bổ sung công suất cho mùa khô năm 2009 – 2010 cũng đều trong tình trạng mực  nước thấp. Với mực nước hiện nay tại các hồ thủy điện so với năm 2009 sẽ thiếu hụt 2 tỷ m3 nước tương ứng 600.000.000 kWh điện và lưu lượng nước về các hồ thấp hơn với khoảng 1,9 tỷ m3 nước, tương ứng thiếu hụt khoảng 380 triệu kWh.

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, đồng thời chủ động ứng phó trước những tình huống bất thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đang vận hành với sản lượng 50-51 triệu kWh/ngày trên tổng công suất thủy điện là 6500MW và 16.500MW công suất toàn hệ thống. Như vậy, trung bình mỗi nhà máy chỉ được chạy từ 6-7 tiếng/ngày (cùng kỳ năm 2009 từ 10-12 tiếng).

Mặc dù ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện, như huy động tối đa các nguồn điện hiện có trong hệ thống, tăng cường mua điện Trung Quốc và từ các nhà máy ngoài EVN, tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện…nhưng rõ ràng cho đến thời điểm này cho thấy tình trạng thiếu nước để phát điện do hạn hán nghiêm trọng là tình huống bất khả kháng, vì vậy, để kiểm sóat được hệ thống, trước mắt cần sớm phê duyệt danh sách thứ tự khách hàng ưu tiên cung cấp điện; xử lý nghiêm đối với việc vi phạm sử dụng điện và sử dụng điện lãng phí./

Thanh Mai