Sự kiện

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): Đột phá trong đầu tư các dự án thủy điện

Thứ sáu, 2/4/2010 | 10:47 GMT+7

Với chủ trương tập trung cao độ nguồn lực để thực hiện công tác cung cấp điện cho khu vực, đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã quản lý cung ứng điện với 99,2% xã đã có điện, 95% số hộ nông thôn, miền núi có điện.

    

Nhà máy Thủy điện Drây Hlinh.     

Bên cạnh những nhiệm vụ chính do EVN và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên giao, EVNCPC đã và đang đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, cũng như góp vốn đầu tư vào các dự án thủy điện lớn do EVN đầu tư. Đây là một định hướng lớn, một bước đột phá và là chủ trương nằm trong nhiệm vụ chính trị quan trọng của EVNCPC, góp phần vào chiến lược bảo đảm năng lượng quốc gia nói chung và cung ứng thêm nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại khu vực. Chiến lược này cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp EVNCPC sử dụng hiệu quả nguồn vốn kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho EVNCPC cũng như cho EVN.

Đến nay, ngoài 5 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành là Drây Hlinh 2 (16MW- Đăk Lăk), Định Bình (6,6MW- Bình Định), H’Chan (16MW- Gia Lai), Ea Krông Rou (28MW- Khánh Hòa), Khe Diên (9MW - Quảng Nam) có tổng công suất lắp máy 71,6 MW với sản lượng bình quân hằng năm 365 triệu kWh, doanh thu gần 240 tỷ đồng, EVNCPC còn đang trực tiếp đầu tư hoặc góp vốn đầu tư một số công trình khác chuẩn bị đưa vào phát điện trong đầu quý 2-2010 này như thủy điện Krông H’Năng, công suất 64 MW, điện lượng 247,7 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 1.569,2  tỷ đồng; thủy điện Đăk Pône, công suất 15,6 MW, điện lượng 69,1 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 325,67 tỷ đồng; thủy điện H Mun 16 MW, điện lượng 60 triệu kWh/ năm. Riêng thủy điện A Lưới công suất 170 MW, điện lượng 686,5 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 3.283 tỷ đồng đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng.

Ngoài việc mang lại lợi ích cho EVNCPC, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trên địa bàn, các công trình thủy điện này còn tăng thêm nguồn điện đáp ứng điều kiện sản xuất kinh doanh trên toàn khu vực, và cả hệ thống điện quốc gia. Thông qua các dự án này, chủ đầu tư, trong đó có EVNCPC, sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương, phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế cho những huyện miền núi thuộc vùng dự án.

Bên cạnh đó, mỗi dự án thủy điện đều có hồ chứa và khi công trình thủy điện vận hành sẽ có một số tác động tích cực tới môi trường tự nhiên và kinh tế-xã hội trong khu vực, bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho vùng đồng bằng phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường sinh thái tốt hơn và có thể áp dụng các mô hình đầu tư du lịch sinh thái. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện còn mang lại những lợi ích về điện năng, hệ thống cơ sở hạ tầng mới, có chất lượng hơn cho nhân dân địa phương. Những điều kiện thuận lợi này sẽ kích thích các ngành công nghiệp cũng như tiểu thủ công nghiệp trong khu vực phát triển.

Hiện EVNCPC tiếp tục triển khai một số dự án khác, như thủy điện A Roàng công suất 7,2 MW, điện lượng 28,41 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 143,350 tỷ đồng; thủy điện Đăk Pring công suất 8,0 MW, điện lượng 33,19 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 194,42 tỷ đồng; Đak Rông 1 công suất 12 MW, điện lượng 42,92 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư (dự kiến) 285,92  tỷ đồng…

Định hướng là đầu tư trực tiếp các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn đối với những dự án lớn, Tổng Công ty sẽ góp vốn đầu tư. Đây là chiến lược đầu tư phù hợp với quy mô của đơn vị, bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Có thể nói rằng, với chiến lược đầu tư của mình, EVNCPC không chỉ thực hiện tốt những nhiệm vụ chính của ngành điện mà còn thể hiện được tầm nhìn của một nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy điện.

Theo: Báo ĐT Đà Nẵng