Sự kiện

15 năm vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam: Khẳng định kỳ tích dân tộc

Thứ sáu, 15/5/2009 | 08:26 GMT+7

Sau khi thống nhất đất nước, đường Quốc lộ 1 và sau đó là đường sắt Thống nhất được nối liền Bắc-Nam, hoạt động kinh tế, xã hội của cả nước hòa đồng trong một nhịp sống mới. Khi đó, những người làm năng lượng mơ ước có một hệ thống điện cũng được nối liền như vậy  để nâng cao tính kinh tế của toàn hệ thống và ổn định trong cung cấp điện.

Công nhân Truyền tải 3 bảo dưỡng trạm 500kV Pleiku. Ảnh: Ngọc Hà

Đúng 19 giờ 7 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiểm tra và chứng kiến việc hòa điện an toàn hệ thống điện 500kV Bắc-Nam. Ước mơ của họ đã thành sự thật sau 2 năm vật lộn với muôn vàn khó khăn, gian khổ để hoàn thành công trình và qua 15 năm vận hành, thay vào xóa đi những mối hoà nghi về tính khả thi của công trình, sự mạo hiểm về thời gian và vốn…là sự khẳng định về một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ lúc bấy giờ.

Kỳ tích của Thế kỷ 20

Công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam là kỳ tích của Thế kỷ 20. Điều này không phải là câu nói cửa miệng của những người làm điện tự phong cho mình mà đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ khẳng định.

Nếu những ai đã sống vào thời điểm cuối những năm 80 của Thế kỷ trước hẳn vẫn còn nhớ về một cuộc sống bộn bề khó khăn, không chỉ về vật chất, mà tình trạng thiếu điện, cắt điện triền miên càng chồng thêm khó khăn lên đời sống của người dân. Nhà máy thuỷ điện được ra đời trong hoàn cảnh đó. Nhưng những năm ấy, đời sống của người dân miền Bắc còn nghèo lắm, không xây dựng thêm nhà máy thuỷ điện Hòa Bình thì thiếu, mà xây dựng thì lại thừa điện. Miền Bắc thừa điện, gây ra sự mất cân bằng về nguồn giữa 3 miền. Sự mất cân bằng này ngày càng lớn khi mỗi năm Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình lại có thêm vài tổ máy vào vận hành. Trước tình hình đó, ngành điện đã đặt vấn đề xuất khẩu điện sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 2 tỷ kWh, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên hoãn lắp đặt một số tổ máy của thuỷ điện Hòa Bình để tăng cường nguồn cho miền Nam.

Tình trạng thiếu điện ở miền Nam và miền Trung bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 và ngày càng gay gắt hơn. Vào mùa khô, ngay tại TP Hồ Chí Minh phải cắt điện luân phiên tới 5 lần mỗi tuần. Miền Trung thiếu điện nghiêm trọng đến mức phải gọi là “đói điện”, vì khu vực này chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ; một phần được cấp từ các hệ thống điện miền Bắc bằng đường dây 220kV nhưng với chiều dài vượt quá nhiều so với tiêu chuẩn nên chất lượng điện áp rất thấp.

Trước tình hình trên, Chính phủ quyết định xây dựng đường hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam. Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Giải pháp này chỉ có ý nghĩa nếu công trình hoàn thành trong thời gian là 2 năm, vì nếu kéo dài 3-4 năm thì không thể so sánh với phương án xây dựng nhà máy điện tại chỗ. Do đó, không chờ cho sự ngổn ngang của dư luận lắng xuống, công trình đã được khởi công vào ngày 5-4-1992.

Chính xác 2 năm sau ngày khởi công, ngày 5-4-1994, toàn bộ đường dây và các trạm 500kV đã được bàn giao cho bên vận hành thực hiện các thí nghiệm, chuẩn bị cho việc khởi động toàn bộ Hệ thống tải điện 500kV.

Đường dây 500kV và Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình hoàn thành vào cùng thời điểm kịp thời đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước. Tăng trưởng phụ tải năm 1995 đạt tới 20,5% so với năm 1994.

Những người khẳng định kỳ tích dân tộc

Không phải cho đến khi đi vào vận hành mọi người mới thấy được những khó khăn của những người ở lại với đường dây. Vì hầu hết tuyến đường dây truyền tải phải đi qua rừng rậm, núi cao, sông sâu và sình lầy. Đường vào tuyến, thời gian đầu còn tận dụng đường thi công nhưng lâu ngày đã bị mưa lũ, thiên tai bào mòn, thậm chí sụt lở không thể đi được. Cũng đã có nhiều người đã hỏi: sao không sửa chữa?. Đây thực sự là vấn đề về cơ chế bị “tắc” từ nhiều năm nay. Nhớ 2 trận lũ lớn liên tiếp xảy ra vào cuối tháng 11- 1999 và đầu tháng 12-2000 đã làm trôi hầu hết các con đường vận hành lên trạm lặp trên địa bàn miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên Huế. Lấy tiền từ vốn sửa chữa thì ngành tài chính không quyết toán, vì lý do những con đường này không phải là tài sản của ngành điện. Còn bàn với địa phương để phối hợp giải quyết thì các địa phương đều trả lời: dân của họ không đi con đường đó. Thế là bấy lâu nay, đối với trường hợp không thể đừng được thì ngành điện đành trích từ quỹ phúc lợi để sửa đường cho công nhân vận hành. Nếu đơn giản hơn thì vận động anh em công nhân bỏ sức lao động ra để phát quang và đắp đường. 15 năm qua, đường vận hành đường dây 500kV vẫn cứ trong tình trạng “khéo co” kiểu như vậy.

Trước đây, trên tuyến đường dây 500kV Bắc- Nam có 22 trạm lặp cáp quang và toàn bộ các trạm lặp đều không điện, nước, không có đường đi và môi trường khắc nghiệt. Sau gần chục năm có kinh nghiệm vận hành, cùng với áp dụng  công nghệ mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện phương án “lấy một bỏ một”, có nghĩa là cứ 2 trạm liền nhau thì bỏ một trạm và giữ lại một trạm, đồng thời, đối với những trạm ở vị trí khó khăn cho việc ăn ở, đi lại thì rời về địa điểm thuận lợi hơn. Bây giờ thì toàn bộ 11 trạm lặp đều đã có đường đi lại thuận lợi, có điện, nước.

Chúng tôi lại có dịp trở lại con đường 14 đoạn từ Đà nẵng lên Kon Tum, nay là đường Hồ Chí Minh. Bấm đốt ngón tay đã 15 năm trôi qua. Anh em công nhân bên Truyền tải nói, mọi sự thay da đổi thịt của vùng đất nghèo khó miền Tây Quảng Nam là từ khi đường Hồ Chí Minh được hoàn thành. Thị trấn Thạch Mỹ thuộc huyện Giằng (là tên gọi trước đây, khi tách tỉnh đổi thành huyện Nam Giang) đã sầm uất lên rất nhiều.  “Đại bản doanh” của Truyền tải điện Nam Giang trước đây được xếp vào loại nhất nhì thị trấn nay chỉ  “thường thường bậc trung”. 

Anh Bùi Văn Thân- Tổ Quản lý đường dây Đồng Xoài là một trong số công nhân về làm việc từ khi thành lập tổ và trụ đến tận bây giờ. Do nhiều năm lăn lộn, gắn bó với đường dây, anh thuộc từng vị trí cột  như lòng bàn tay. Bất cứ một sự thay đổi nào dù rất nhỏ cũng được các anh phát hiện ngay. Khi chúng tôi hỏi về những thuận lợi, khó khăn, anh Thân cười đáp: Vận hành đường dây 500kV thì mùa nào cũng vất vả. Đoạn nào đi qua rừng, mùa khô thì lo chống cháy, mùa mưa lo phát quang, chống bão. Đoạn nào qua khu công nghiệp thì tăng cường lau sứ do bụi bám. Đoạn nào qua khu dân cư thì tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp để không ảnh hưởng tới khoảng cách an toàn trong vận hành đường dây.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) Nguyễn Hà Đông cho biết, để bảo đảm vận hành an toàn đường dây và các trạm biến áp, các công ty luôn nắm bắt công nghệ mới áp dụng vào quản lý như, trang bị Corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm kịp thời xử lý  ngăn chặn sự cố do phóng điện; sử dụng sứ composit lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực dễ bị nhiễm bẩn; lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ Kema)  ở đoạn đường dây để thay thế vận hành trong một thời gian ngắn khi bị sự cố; công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ máy biến áp nhằm sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố; thực hiện sửa chữa cáp quang bằng máy bay trực thăng; ứng dụng thành công công nghệ sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện…Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và ổn đinh lưới điện 500kV, ngoài các giải pháp kỹ thuật, còn cần phải làm tốt công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Vì vậy, cùng với việc việc tăng cường kiểm tra hành lang đường dây, các Công ty Truyền tải đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương vận đồng, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện. Vì vậy, đến nay, đa số người dân dọc tuyến đã nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đường dây 500kV.

15 năm qua, Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam đã truyền tải với tổng sản lượng không nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế - gần 148 tỷ kWh, phát huy vai trò cung cấp điện phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng là một bản anh hùng ca của người lao động và sáng tạo trong thời kỳ đổi mới của đất nước./

Thanh Mai