TTCK hậu WTO: Thông thoáng thôi chưa đủ

Thứ năm, 14/1/2010 | 11:29 GMT+7

Sau 3 năm gia nhập WTO, các cam kết của Việt Nam đối với lĩnh vực chứng khoán được đánh giá là khá cởi mở và thông thoáng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội luôn là những thách thức và cần phải có các giải pháp để vượt qua những thách thức này.

Tại Hội thảo quốc tế “Vận hội và thách thức của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO”, TS. Võ Trí Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập – nhận định, bên cạnh việc Việt Nam cho phép các NĐT nước ngoài được thực hiện một số hoạt động kinh doanh như cung cấp dịch vụ thanh toán và thanh toán bì trừ chứng khoán, cung cấp và chuyển thông tin tài chính…, Việt Nam cũng không hạn chế việc các NĐT ở Việt Nam hoạt động kinh doanh tại TTCK ở nước ngoài.

Đối với đầu tư trực tiếp của NĐT nước ngoài vào TTCK, Việt Nam đồng ý cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập liên doanh với số vốn không quá 49% ngay tại thời điểm gia nhập WTO (đầu 2007) và sau 5 năm (2012), các NĐT nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn của mình và được hoạt động dưới hình thức chi nhánh để kinh doanh một số dịch vụ.

Cơ hội và thách thức

TS. Võ Trí Thành nhận định việc mở cửa hội nhập sâu rộng của TTCK sẽ giúp cho các nhà quản lý Việt Nam có điều kiện tiếp cận nhanh và sâu rộng hơn kinh nghiệm quốc tế về quản lý, công nghệ tiên tiến.

“Với việc thực hiện cam kết mở cửa, trong thời gian qua và trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Đây chính là một trong những mục đích chính của việc ra đời và hoạt động của TTCK Việt Nam.”

Tuy nhiên, bên cạnh đó là không ít những thách thức mà theo TS. Võ Trí Thành, thách thức lớn nhất của TTCK Việt Nam là mới chỉ ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, tổ chức và quản lý thị trường. Thách thức này càng lớn và rõ nét khi các cam kết tự doa hóa của Việt Nam được thực hiện theo lộ trình.

Đi tìm giải pháp cho thị trường

Để khắc phục yếu kém trên, TS. Võ Trí Thành gợi ý việc trước tiên cần làm trong quá trình này là khẩn trương nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán.

“Đây là công việc quan trọng, nhưng tương đối phức tạp do các hoạt động của TTCK Việt Nam còn sơ khai nên việc các cơ quan quản lý lại phải dự đoán và ban hành được đầy đủ quy định cho thị trường này trong một thời gian dài. Như vậy, có lẽ việc cần làm tương đối khả thu trong lúc này là ban hành các văn bản để các NĐT yên tâm hoạt động trong một môi trường pháp lý hợp lý.”

Việc hoàn thiện khung pháp lý vừa để khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn, trong khi hạn chế việc đầu cơ không lành mạnh được đánh giá là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong cung – cầu cũng đã được phản ánh trên thị trường trong thời gian qua khi luồng vốn vào được tăng thêm đột ngột trong khi các hàng hóa lưu thông trên thị trường còn hạn chế.

Để khắc phục điều này, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn ĐTNN, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. “Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng cần thực chất hơn với việc đưa tỷ lệ bán ra công chúng cao hơn mức giữ lại cần thiết…”

TS. Võ Trí Thành cho rằng cần phải tăng cường hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích các định chế đầu tư chuyên nghiệp (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…) hoạt động trên TTCK để phát triển sự cân đối trong cung – cầu.

Kể từ khi TTCK đi vào hoạt động, tính công khai, minh bạch trên thị trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các NĐT nước ngoài. Theo TS. Võ Trí Thành, việc công khai, minh bạch của thị trường cần tập trung vào hai nhóm vấn đề chính.

Một là, các chính sách, quy định về hoạt động tại TTCK cần được minh bạch và ổn định đến mức các nhà đầu tư có thể tiên đoán được và yên tâm đầu tư dài hạn. Hai là, sự minh bạch về tình hình tài chính của các công ty niêm yết để các NĐT có thể dự báo được kết quả hoạt động đầu tư của mình.

Bên cạnh những giải pháp trên, những giải pháp khác như: nâng cấp hạ tầng cơ sở thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo công chúng; tăng cường năng lực quản lý, giám sát của UBCKNN; công tác phối hợp chính sách cũng đã được TS. Võ Trí Thành nêu ra tại Hội thảo.

 

 

Theo: Info TV