Sự kiện

7 tháng đầu năm 2009: Đầu tư 21.047 tỷ đồng xây dựng nguồn và lưới điện

Thứ ba, 8/9/2009 | 10:00 GMT+7

Đến hết tháng 7/2009, EVN đã bổ sung 1.344 MW cho hệ thống điện quốc gia. Tất nhiên, so với tốc độ phát triển “phi mã” của phụ tải thì con số đó dường như vẫn còn khiêm tốn. Nhưng đặt trong bối cảnh huy động vốn chật vật bởi tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hàng loạt những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các công trình nguồn và lưới, mới thấy rõ sự nỗ lực vượt bậc của EVN.

  

 Nhiều dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ mới đảm bảo đưa vào vận hành đúng dự kiến

Cơ bản đảm bảo nhu cầu vốn

Tính từ đầu năm đến nay, nhìn chung EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của cả nước. 7 tháng đầu năm, điện do EVN sản xuất là 31,419 tỷ kWh, riêng trong tháng 7 đạt 5,316 tỷ kWh, tăng 11,3%. Tổng số vốn Tập đoàn đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở là 21.047 tỷ đồng. Trong đó đầu tư nguồn điện 12.397 tỷ, đầu tư lưới điện truyền tải và phân phối 5.351 tỷ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quy hoạch điện VI, 6 tháng đầu năm, EVN đã đưa vào vận hành 4 tổ máy với tổng công suất 694 MW (gồm tổ máy 1 nhiệt điện Ô Môn-330MW; Tổ máy 1 Thủy điện Buôn Kuốp-140 MW; Tổ máy 2 Thủy điện Sông Ba Hạ - 110 MW; khôi phục Tổ máy 2 Thủy điện Tuyên Quang - 114 MW); hòa lưới lần đầu và chạy thử nghiệm 3 tổ máy với tổng công suất thiết kế 650 MW; đóng điện 25 công trình lưới điện truyền tải; chống quá tải hoặc nâng công suất cho một số công trình như đường dây 220 kV Quảng Ninh - Hoành Bồ, Trạm 220 kV Phố Nối, đường dây 220 kV Cà Mau - Bạc Liêu, nâng công suất Trạm 220 kV Thái Nguyên.

Có ”bột” mới gột nên ”hồ”, để có được những kết quả trên không thể không kể đến nỗ lực của EVN trong việc huy động nguồn vốn lên đến 8.056 tỷ đồng, (trong đó, vay thương mại 2.856 tỷ, huy động trái phiếu 3.500 tỷ, vốn từ cổ phần hóa 764 tỷ...). Như vậy, số vốn trên cộng với nguồn vốn được cân đối từ đầu năm sẽ giúp EVN cơ bản đảm bảo nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng trong năm 2009.

Cần nỗ lực đáp ứng tiến độ

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được đó cũng còn không ít những tồn tại. Trong tổng số 9 dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2009 thì chỉ 3 dự án đảm bảo tiến độ (NĐ Ô Môn 1, TĐ Buôn Kuốp, Sê San 4), 6 dự án chậm 1- 6 tháng (TĐ PlêiKrông, TĐ Buôn Tua Srah, NĐ Hải Phòng, Quảng Ninh, TĐ Sông Ba Hạ, TĐ Bản Vẽ). Trong số 5 dự án nguồn điện vào vận hành năm 2010 thì dự kiến 2 dự án đảm bảo tiến độ, còn 3 dự án chậm 1- 3 tháng.

Đối với các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ: Một số đường dây (ĐZ) 220–500 kV bị chậm, có thể ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án nguồn, gồm: ĐZ 500 kV Quảng Ninh-Thường Tín, ĐZ 500 kV Nhà Bè – Ô Môn đoạn Nhà Bè –  Cai Lậy, ĐZ 220 kV Hải Phòng – Đình Vũ, ĐZ 220 kV Sê San 4 - Pleiku, Máy 2 Trạm 500 kV Pleiku.

Về tình trạng chậm tiến độ trên, nguyên nhân đầu tiên là nhân lực và thiết bị thi công của các nhà thầu ở nhiều dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ. Vì một nhà thầu đồng thời tham gia nhiều dự án, nên nguồn lực bị dàn trải, năng lực tài chính hạn chế, vai trò tổng thầu không được phát huy đầy đủ. Bên cạnh đó là cơ chế phối hợp giữa các nhà thầu trong tổ hợp chưa chặt chẽ, không kịp thời hỗ trợ, điều động hoặc thay thế nhà thầu không đủ năng lực. Một nguyên nhân nữa là do công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC phức tạp, thủ tục cho vay vốn của các tổ chức nước ngoài khó khăn khiến cho thời gian thu xếp vốn kéo dài...

Ngoài ra, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án vẫn là ”câu chuyện không có hồi kết”, gây chậm tiến độ, nhất là các dự án lưới điện truyền tải. Để khắc phục tình trạng trên, Lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu các ban QLDA thường xuyên phối hợp chặt chẽ và đôn đốc các nhà thầu. Trong trường hợp nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ yêu cầu hợp đồng, ban QLDA phải báo cáo sớm để thay đổi nhà thầu. Ngoài ra, các ban QLDA cũng phải đẩy mạnh công tác nghiệm thu thanh toán kịp thời cho các nhà thầu, khẩn trương hoàn tất thủ tục giải ngân các nguồn vốn vay trong và ngoài nước; hỗ trợ nhà thầu giải quyết thủ tục; phối hợp với chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng... Đặc biệt, 4 dự án nhiệt điện có kế hoạch khởi công trong năm 2009 và các dự án dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay cần phải đảm bảo đúng tiến độ.  

Nhìn vào những bộn bề còn lại của nửa cuối năm 2009 sẽ thấy nhiệm vụ thời gian tới của EVN rất nặng nề. Con đường ở phía trước rất nhiều thử thách với các đơn vị, nhưng không thể vì ngại khó mà chùn bước.

TRONG THÁNG 7/2009 

• Điện do EVN sản xuất và mua ngoài là 7,578 tỷ kWh, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó điện sản xuất 5,316 tỷ kWh, tăng 11,3%)

•  Điện thương phẩm: 6,533 tỷ kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ.

•  Điện cấp cho sản xuất tăng 12,84%; Điện cấp cho quản lý và tiêu dùng tăng 14,34%

• Số vốn đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện: 3.241 tỷ đồng

• Tính đến cuối tháng 7 tổng số khách hàng viễn thông là 4.018.000

• Tiếp nhận lưới điện hạ áp tại 221 xã và bán điện trực tiếp cho 234.852 hộ dân. Tính đến cuối tháng 7, EVN bán điện trực tiếp cho 1,671 triệu hộ dân nông thôn.

MỘT SỐ MỤC TIÊU 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009

- Hoàn thành và đưa vào vận hành 13 tổ máy với công suất 1.612 MW gồm: Tổ máy 1, 2 Thủy điện  Plei Krông, Tổ máy1, 2 Thủy điện sông Ba Hạ, Nhiệt điện Quảng Ninh 1, Nhiệt điện (NĐ) Hải Phòng 1, Thủy điện Sê san 4, tổ máy 2 Thủy điện (TĐ) Buôn Kuốp, TĐ Buôn Tua Srah, TĐ Bản Vẽ…

- Đóng điện 49 công trình 220 – 500 kV (gồm 5 công trình 500 kV, 44 công trình 220 kV). Khởi công 32 công trình 220 – 500 kV (gồm 11 công trình 500 kV, 21 công trình 220 kV).

- Hoàn thành dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên, triển khai dự án cấp điện cho đồng bào Khmer ở 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đẩy nhanh các dự án cải tạo lưới điện.

- Đẩy nhanh chuẩn bị khởi công 4 dự án với tổng công suất 2.216 MW trong năm 2010, gồm: NĐ Thái Bình 1 – 600 MW; TĐ Lai Châu – 1200 MW; TĐ Trung Sơn – 260 MW; TĐ Sông Bung 4 – 156 MW.

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn điện đưa vào vận hành năm 2010, gồm: TĐ Srêpok 3, TĐ Sông Tranh 2, TĐ Đồng Nai 3, TĐ An Khê - Ka Nak, Tổ máy 1 của TĐ Sơn La.

- Hoàn thành nội dung giải trình về dự án điện hạt nhân và TĐ Lai Châu để trình Quốc hội. 

Theo: Tạp chí Điện lực