Sự kiện

Áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng: Cần đủ thời gian trước khi có quyết định cuối cùng

Thứ hai, 30/3/2009 | 10:38 GMT+7
Ngày 26-2-2009, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 05/2009/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện để triển khai Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường. Tại  Thông tư này, giá bán điện được quy định theo thời gian sử dụng điện trong ngày gồm: giá giờ bình thường, giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Thực tế triển khai giá bán điện từ ngày 1-3-2009 tới nay, qua phản ảnh của một số doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi điều chỉnh giá bán điện giờ cao điểm sáng. Về vấn đề này, chiều 27-3, Bộ Công thương đã tổ chức Họp báo để làm rõ vấn đề.

.Trở lại mục đích của việc tăng giá điện

Một trong những lý do điều chỉnh giá điện năm 2009 là với giá điện giữ ở mức thấp, những năm gần đây nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp có nghệ lạc hậu tiêu thụ nhiều điện như luyện thép, xi măng, hóa chất (đang bị đóng cửa hoặc bị cấm phát triển ở các nước lân cận) đã ồ ạt chuyển sang Việt Nam để tranh thủ lợi thế của giá điện rẻ. Tình trạng này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhu cầu điện tăng cao căng thẳng trong cung cầu điện càng lớn. Với giá điện giữ ở mức thấp trong khu vực làm cho EVN không thể đàm phán mua điện từ các nguồn mới với giá cao để bán theo quy định. Điều này cũng là lực cản cho việc đầu tư và đưa vào vận hành các nguồn mới.

Theo tính toán của các ngành chức năng về ảnh hưởng của tăng giá điện đối với các ngành sản xuất cho thấy, với giá điện năm 2009, các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.400 - 2.700 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% - 0,4% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp. Một số ngành sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện chiếm tới 40% - 50% giá thành sản xuất như cấp nước, điện phân…giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 3% - 4%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,4% - 0,5%, ước tính giá thành từ 6.000 - 8.000đ/tấn sản phẩm. Như vậy, có nghĩa không phải tất cả các ngành đều có ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá điện, mà nếu có chỉ là số ít ngành đặc thù không thể chủ động bố trí sản xuất để hạn chế vào giờ cao điểm.

Hơn nữa, nếu giá điện giờ cao điểm mà giảm xuống thì nghĩa là giá điện bán bình quân sẽ không còn là 948,5đ/kWh nữa, mà sẽ là chỉ còn 920-930đ/kWh. Như thế là không đúng với mục đích của việc điều chỉnh giá bán điện mà Thủ tướng đã quyết định.

. Vì sao phải thực hiện giá điện giờ cao điểm

Từ năm 2007 trở về trước, hệ thống điện Việt Nam có tỷ trọng công suất cao nhất là thành phần ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ nên cao điểm hệ thống rơi vào các giờ từ 17 giờ đến 22 giờ. Nên giá điện ở vào giai đoạn đó chỉ áp dụng đối với giờ cao điểm tối. Qua thực tế áp dụng biểu giá điện theo giờ cao điểm-thấp điểm cho thấy chênh lệch công suất cao- thấp điểm hệ thống đã giảm đáng kể từ mức 2,5 lần năm 1996 cuống còn 1,6 lần năm 2008.

Do nhu cầu điện cho sản xuất trong những năm gần đây luôn tăng với tốc độ cao nên từ năm 2007, điện cho sản xuất đã chiếm tỷ lệ trên 50% tổng sản lượng điện và giờ cao điểm hệ thống đã chuyển dịch một phần sang buổi sáng, dẫn đến công suất hệ thống điện vào cao điểm sáng đã cao hơn công suất vào giờ cao điểm tối. Biểu giá điện bán lẻ cũ đã không còn phù hợp với thực tế hệ thống điện.

 Theo số liệu cận hành hệ thống điện Việt Nam cho thấy, cao điểm hệ thống điện rơi vào 2 thời điểm: buổi sáng (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30) và buổi tối (từ 17 giờ đến 20 giờ); số ngày làm việc có phụ tải cực đại (Pmax) của hệ thống điện rơi vào cao điểm sáng chiếm tỉ trọng lớn hơn so với ngày làm việc có Pmax  hệ thống rơi vào cao điểm tối (144/261 ngày). Đặc biệt, có tới 11 ngày có mức chênh lệch giữa giờ cao điểm sáng và cao điểm tối lên tới từ 500MW trở lên, trong đó có ngày mức chênh lệch  lên tới 978MW.

Hiện nay, vào các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống phải huy động các nhà máy điện tua bin khí chạy dầu DO hoặc nhiệt điện đốt dầu FO có giá phát điện rất cao (lên tới 3.000đ/kWh). Do vậy, để giá điện chuyển dần sang hoạt động theo cơ chế thị trường, giá điện vào giờ cao điểm sẽ phải cao hơn giá điện giờ bình thường và giờ thấp điểm. Như vậy, mới nâng cao được hiệu quả kinh tế trên toàn hệ thống điện, đồng thời, góp phần làm giảm áp lực về vốn đầu tư vào các nguồn điện mới cho cao điểm của hệ thống, đem lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế quốc dân.

Hơn nữa, nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất công suất vào những giờ này sẽ còn tăng cao ở mức khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng hệ thống điện thiếu công suất giờ cao điểm và phải cắt điện như đã xảy ra trong các năm 2007 và 2008.

. Hướng tháo gỡ khó khăn cho một số ngành đặc thù

Để có cơ sở giải quyết khó khăn cho một số đối tượng sử dụng điện mang tính chất đặc thù, Bộ Công thương nên chỉ đạo ác đơn vị liên quan tập hợp các số liệu về tác động thực tế của việc điều chỉnh giá điện cao điểm sáng cho sản xuất đối với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phối hợp với các Bộ ngành liên quan đánh giá chi tiết tác động và đưa ra biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm doanh nghiệp sử dụng điện.

Về phía các doanh nghiệp, để góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm điện thông qua việc áp dụng giá cao điểm của Chính phủ, các doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp để tiết kiệm tiền điện trong sản xuất kinh doanh bằng cách chuyển dịch một phần hoặc toàn bộ những phụ tải không cần thiết vận hành trong giờ cao điểm sang giờ giờ thấp điểm hoặc giờ bình thường.

Một chính sách mới được ban hành sẽ có tác động đến các nhóm đối tượng ở mức độ khác nhau, chính sách giá điện cũng không giá điện cũng không nằm ngoài quy luật này. Bộ Công thương cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng không làm sai lệch mục đích  của chính sách./

Thanh Mai