Sự kiện

"Cách tính giá điện mới tiến bộ hơn cách cũ"

Thứ hai, 23/3/2009 | 09:22 GMT+7
“Không có chính sách nào là tuyệt đối hoàn hảo cả, và Nhà nước sẽ phải điều chỉnh dần dần nếu như các quy định mới này bất cập”.

"Giải pháp tính giá theo giờ cao điểm thấp điểm là giải pháp mà cả thế giới dùng, gọi là giải pháp quản lý nhu cầu, nghĩa là cắt bớt nhu cầu vào giờ cao điểm, và tăng nhu cầu ở giờ thấp."
Đó là khẳng định của ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương trong cuộc trao đổi  xung quanh việc điều chỉnh giá bán điện với cách tính giờ cao điểm của Bộ Công thương đưa ra áp dụng từ ngày 1/3/2009 đang khiến nhiều DN bức xúc bởi theo cách này, giá điện thực tế tăng vượt 9% so với mức công bố.

Ông Thắng cho rằng: “Không có chính sách nào là tuyệt đối hoàn hảo cả, và Nhà nước sẽ phải điều chỉnh dần dần nếu như các quy định mới này bất cập”.

Việc xác định giá điện cao hơn ở giờ cao điểm do tính chất hệ thống, người ta phải đặt ra là từ góc độ kinh tế. Bởi vì giá điện ở giờ thấp điểm là giá ở những thứ nguồn rất rẻ như từ nguồn thuỷ điện vào mùa lũ hoặc giá nhiệt điện không dừng lò được.

Lên đến giờ cao điểm thì phải huy động thêm các tổ máy, dưới là các tổ máy rẻ nhất, đến các tổ máy vừa, và càng lên trên thì các tổ máy càng đắt, và càng lên trên cùng là các tổ máy đắt nhất. Đến lúc chỉ thiếu nửa tiếng thôi, thì phải huy động các tổ máy chạy dầu, và như giá dầu bây giờ thì không dưới giá 3.000 đồng/kWh. Nên về nguyên tắc thì sử dụng vào giờ đắt thì phải trả đắt, vào giờ rẻ thì được trả rẻ. Đấy là nguyên tắc rất thông thường của hệ thống điện và cũng là nguyên tắc của thị trường.

- Vậy độ chênh công suất điện tiêu thụ giờ thấp điểm so với giờ cao điểm của chúng ta khoảng bao nhiêu %, thưa ông ?

Có thể nói biểu đồ của chúng ta rất xấu, độ chênh từ 40 – 50%, trong khi đó ở Thái Lan độ chênh giữa cao điểm nhất và thấp điểm nhất chỉ là 10%. Chính vì độ chênh lệch lớn như vậy, cho nên hệ thống của chúng ta là 15.700 kWh, phụ tải hiện giờ từ 11. 500 – 11.700 kWh, nhưng vào thời điểm cao điểm nhất vẫn bị thiếu.

Chính vì vậy, giải pháp tính giá theo giờ cao điểm thấp điểm là giải pháp mà cả thế giới dùng, gọi là giải pháp quản lý nhu cầu, nghĩa là cắt bớt nhu cầu vào giờ cao điểm, và tăng nhu cầu ở giờ thấp. Muốn vậy, không thể cắt điện vào giờ cao điểm mà phải bằng giải pháp về tài chính kinh tế, tăng giá lúc cao điểm, và giảm giá lúc thấp điểm.

- Nhưng thực tế thì chúng ta chỉ điều chỉnh tăng giá lúc cao điểm lên chứ không hề giảm giá lúc giờ thấp điểm, thưa ông?

Điều chỉnh giá điện của ta không thấp xuống, mà tỷ lệ tăng là gần tương đương, nhưng thử so sánh độ tăng 7% của 400 đ/kWh với 7% của 1.000 thì rõ ràng độ tăng giá ở giờ cao điểm là cao hơn.

Cách tính này thế giới có tất cả các công nghệ làm từ 2 – 3 chục năm nay rồi chứ không còn là vấn đề xa lạ. Phải đo trên hệ thống cả năm và đưa ra luận chứng và lập luận theo đề án giá điện chứ không phải tính bừa như nhiều người không hiểu nói.

- Tuy nhiên, trong thời điểm Chính phủ chủ trương kích cầu và hỗ trợ cho DN đang gặp khó khăn thì cách tính này chẳng khác nào như gáo nước lạnh đổ lên đầu DN?

Giả sử nếu cứ để mức giá cũ thì đến lúc tự nhiên hệ thống điện sẽ vọt lên và như năm ngoái chúng ta sẽ mất điện vào những giờ cao điểm. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, việc tính giá theo giờ cao điểm lần này là giải pháp tự điều chỉnh của xã hội, tiến bộ hơn rất nhiều cách tính cũ.

Tôi thừa nhận cách tính mới là rất khó cho DN, nhưng không phải như cách DN nói là đến giờ cao điểm thì ngừng hoạt động, mà đến lúc đó, những khâu nào có thể ngừng thì ngừng. Nhà máy thép chẳng hạn, ví dụ cái lò không ngừng được thì phải giữ cái lò, còn tất cả những động cơ có thể giảm hoạt động thì giảm. Thế giới gọi đây là quản lý phụ tải. DN phải nghiên cứu và áp dụng vào hoạt động của mình, chứ không phải cứ 2 giờ cao điểm thì cho công nhân nghỉ 2 tiếng. Thế mới là hoạt động theo thị trường.

- Vậy với cách điều chỉnh “tiến bộ” này, liệu trong năm nay chúng ta có xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên như năm ngoái nữa không, thưa ông?

Cái ấy tôi không thể trả lời được, nhưng chắc chắn có tác động để làm giảm nhu cầu điện ở giờ cao điểm, hệ thống sẽ không bị thiếu công suất ở giờ cao điểm nữa và chắc chắn sẽ giảm tình trạng cắt điện.

- Thưa ông, tỷ lệ cắt điện của năm nay có thể giảm so với năm ngoái bao nhiêu?

Đấy không phải là trách nhiệm bên tôi mà là của Trung tâm điều độ và EVN. Cục Điều tiết điện lực chỉ là cơ quan quản lý giám sát, nếu EVN làm sai thì thổi còi.

- Giá điện của VN so với khu vực như thế nào, thưa ông?

Hiện nay giá điện của chúng ta thấp nhất các nước ASEAN, lý do là chúng ta có mấy nguồn giá thấp như thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Yaly đầu tư từ thời bao cấp, giờ gần hết khấu hao rồi nên giá thấp. Với tốc độ tăng trung bình hơn 10%/năm thì ta phải xây các nguồn mới, mà giờ nguồn thuỷ điện cũng hết rồi, hơn nữa xây nguồn thuỷ điện còn đắt hơn nguồn nhiệt điện.

Theo nghiên cứu của bên KHCN thì tiềm năng tiết kiệm trong các DN VN từ 18 – 30%, thậm chí còn cao hơn. Người ta đánh giá được điều này là vì 1 đơn vị sản phẩm của VN tiêu thụ gấp đôi sản lượng điện so với các nước khác. Điều đó chứng tỏ các DN hiện sử dụng điện còn chưa hiệu quả, mà nếu cứ để giá rẻ thì DN sẽ vẫn cứ không tiết kiệm.

Theo: DĐDN