Sự kiện

Bài học kinh nghiệm về tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở Quảng Ninh: Thành công từ ... tuyên truyền, vận động

Thứ năm, 12/8/2010 | 15:44 GMT+7

Tính đến tháng 6/2010, công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại Quảng Ninh đã về đích trước gần một năm so với kế hoạch được giao.


 
Lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư cải tạo sau tiếp  nhận

Sau khi có chủ trương của Chính phủ về công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và được Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) giao kế hoạch, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã lập “Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân”. Đề án được UBND tỉnh Quảng Ninh và EVN NPC phê duyệt vào tháng 8/2008.

Vào thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn 100 xã vẫn do các hợp tác xã, tổ điện ngoài ngành Điện quản lý. Hơn nữa, hầu hết hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đã cũ nát, nhiều năm không được đầu tư cải tạo, nên đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, tổn thất điện năng rất cao, có nơi lên đến gần 30% như ở Đông Triều.

Trước những khó khăn đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, Lãnh đạo Công ty đã lập kế hoạch, coi công tác tuyên tuyền là một trong những nhiệm vụ chính. Công ty đã cử cán bộ có uy tín, năng lực, nhiệt tình về từng thôn, xã để truyên truyền, vận động, trước hết là các hộ dân sử dụng điện. Thời gian đầu, công tác này gặp không ít khó khăn do người dân vẫn thường quan niệm: Hợp tác xã mua bán điện cũng là của ngành Điện, hệ thống lưới điện cũ nát, hư hỏng là do ngành Điện không đầu tư cải tạo…

Cán bộ của Công ty phải giải thích để bà con nông dân hiểu: Các hợp tác xã chỉ là tổ chức mua lại điện của ngành Điện rồi bán cho hộ dân. Họ mua điện với giá 390 đồng/kWh rồi bán cho nhân dân với giá 700 đồng/kWh, có nơi lên đến trên 2000 đồng/kWh. Khi lưới điện được bàn giao về ngành Điện quản lý, Điện lực sẽ bán điện trực tiếp đến hộ dân, không còn qua khâu trung gian là các HTX nữa. Hộ dân là khách hàng trực tiếp của ngành Điện, được hưởng giá điện đúng theo quy định của Nhà nước, hệ thống lưới điện sẽ được ngành Điện đầu tư, cải tạo để đảm bảo an toàn điện cho bà con… Đặc biệt là việc cung cấp điện sẽ ổn định, chất lượng hơn. Một lần, nhiều lần, thế rồi bà con mới “vỡ lẽ” và hầu hết đồng ý, ủng hộ theo chủ trương bàn giao, tiếp nhận.

Đối với lãnh đạo nhiều địa phương, việc tuyên truyền, vận động để đạt được sự thống nhất cũng không hề dễ dàng. Bởi nhiều hợp tác xã mua bán điện năng (HTX) là “con đẻ” của xã, nếu bàn giao cho ngành Điện, số nhân lực trong các HTX này sẽ làm gì? Hơn nữa, quyền lợi về kinh tế của các HTX đang còn đó... Song, bằng sự kiên trì, năng động, sáng tạo trong giao tiếp, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan từ tỉnh đến thôn, xã, chỉ trong thời gian ngắn, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã “chinh phục” được 100% các xã trong diện bàn giao lưới điện.

Ông  Hoàng Văn Độ, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Từ đầu năm 2009, “chiến dịch” tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại Quảng Ninh được diễn ra rất sôi nổi. Tuy bước đầu còn gặp khó khăn, vướng mắc do các địa phương (chủ yếu là chính quyền cấp xã) chưa thực sự vào cuộc, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự phấn đấu không mệt mỏi của CBCNV toàn Công ty, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, do đó công tác bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại Quảng Ninh đã hoàn thành vào cuối tháng 8/2009, về đích trước thời gian quy định gần một năm.

• Khối lượng tiếp nhận:

- 100 xã
- 414 trạm biến áp phân phối.
- 1.325 km đường dây hạ thế.
- Trên 100.000 công tơ.

•Đầu năm 2010, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã lập phương án đầu tư 87 dự án (thuộc 96 xã) với tổng mức đầu tư trên 64 tỷ đồng.

• Hiện có 32 dự án (thuộc 35 xã) đã hoàn thành cải tạo, tổng mức đầu tư trên 17 tỷ đồng.

• Tổn thất điện năng trước khi cải tạo là trên 25%,

•  Sau khi cải tạo, tổn thất giảm xuống còn 17%.

Theo: TCĐL số 7/2010