Sự kiện

Đảng bộ EVN: Giữ vững vai trò chủ đạo, đảm bảo cung ứng điện cho đất nước

Thứ hai, 2/8/2010 | 10:33 GMT+7

Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm 31 tổ chức đảng trực thuộc với 2.238 đảng viên, hoạt động trải dài các địa bàn trong cả nước. Trải qua muôn vàn gian khó trong thời kinh tế hội nhập, toàn Đảng bộ vẫn đoàn kết nhất trí, sáng tạo, chủ động lãnh đạo Tập đoàn vượt qua những thách thức trong giai đoạn 2006-2010, đạt được thành tựu phát triển vượt bậc, toàn diện và rực rỡ nhất qua các thời kỳ phát triển, góp phần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triển khai hiệu quả Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tiêu chí quan trọng của Đảng ủy Tập đoàn là coi trọng sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ các cấp gắn liền thực tiễn, tình hình của từng đơn vị theo hướng ngắn gọn, cụ thể, sát thực. Tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, điều hành, sâu sát cơ sở, thực hiện nghiêm túc các qui chế, qui định trong Đảng. Làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ và phát triển đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ. 3 năm qua, hàng chục cán bộ chủ chốt đã được học chương trình cao cấp lý luận; hàng trăm cán bộ, đảng viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn; gần 150 đảng viên mới và hơn 350 quần chúng ưu tú được học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị; kết nạp 145 đảng viên mới, tập huấn cho 64 cán bộ là bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở. Các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã tổ chức trên 100 lớp nghiên cứu nghị quyết của Đảng, các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Đặc biệt, Đảng bộ cơ quan EVN là 1 trong 24 đơn vị được chọn để chỉ đạo điểm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua 3 năm triển khai, Cuộc vận động đã thực sự mang đến cho Tập đoàn một luồng sinh khí mới, khắp nơi đều dấy lên những phong trào thi đua lao động, cải tiến tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hành lối sống giản dị. Tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên đã có ý thức rèn luyện đạo đức phẩm chất, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Đảng ủy các đơn vị đã gắn cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị, xây dựng đảng, đoàn thể vững mạnh. Phong trào thi đua lao động sản xuất ngày càng phát huy hiệu quả ở các đơn vị thành viên và các công trình trọng điểm. Duy trì chế độ sinh hoạt đảng tại chi bộ, đảng bộ và cấp ủy, đổi mới nội dung sinh hoạt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên ở các đơn vị. Trong 3 năm, toàn Đảng bộ đã mở gần 40 lớp học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho hơn 4.000 lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng. 34 cá nhân và 32 tập thể điển hình tiên tiến được Đảng bộ tuyên dương. Các cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở các cơ sở đã chọn được 19 thí sinh tham gia hội thi chung kết của Đảng bộ. Những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ có tác dụng giáo dục sâu sắc, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong toàn Tập đoàn. Mục tiêu phấn đấu của Tập đoàn  trong giai đoạn tới là trên 90% tổ chức đảng trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh, trên  90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 15% đảng viên đạt đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng năm kết nạp trên 100 đảng viên mới.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu điện, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Khó khăn nhất của ngành điện hiện nay là nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chi phí đầu vào tăng 30%-40% nhưng giá bán điện không tăng nên khó thu hút đầu tư dẫn đến nguồn điện thiếu nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đảng ủy, lãnh đạo EVN đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi. Tính chung giai đoạn 2006 - 2010, tổng doanh thu của Tập đoàn ước đạt 172.900 tỷ đồng, nộp ngân sách 9.100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 49.150 tỷ đồng (năm 2006) lên 73.420 tỷ đồng (năm 2009), dự kiến năm 2010 là 110.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với năm 2005. Đặc biệt, việc đưa tỷ lệ tổn thất điện năng từ 2 con số giảm xuống 9,21% (năm 2008) và sẽ giảm xuống 8,7% vào năm 2010 đã thể hiện sự cố gắng vượt bậc của EVN. Bên cạnh đó, chương trình 3 triệu bóng đèn compact trong năm 2008, 2009 đã tiết kiệm 1.945 triệu kWh, chương trình tiết kiệm 5% - 10% chi phí các loại cũng đã giúp EVN tiết kiệm gần 1 nghìn tỷ đồng….

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của EVN vẫn là đảm bảo cung ứng điện cho cả nước. Tính chung giai đoạn 2006- 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống 10.400 MW (tăng 1,98 lần so với năm 2005). Giai đoạn 2006 – 2015, EVN có 29 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.800 MW đã và đang xây dựng, đưa vào vận hành 5.500 MW công suất nguồn điện mới. Hiện nay, EVN đang chỉ đạo nhà máy thủy điện Sơn La phát điện vượt tiến độ 2 năm. Việc đầu tư lưới điện cũng được chú trọng với 23.700 km đường dây cao thế 500 - 110kV là, 277.500 km đường dây trung, hạ thế, tổng dung lượng các loại trạm biến áp tới gần 90.000 MW. Năm 2010, tổng lượng điện sản xuất và mua ngoài ước đạt trên 97 tỷ kWh, tăng 1,87 lần so với năm 2005 và vượt 4 tỷ kWh so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010. Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2010 ước đạt 85,4 tỷ kWh; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 13,7%, tăng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Tổng số khách hàng dùng điện của EVN năm 2010 dự kiến đạt 16,4 triệu khách hàng, tăng gấp đôi so với năm 2005.

Kinh doanh đa ngành - chiến lược phát triển hợp lý

Ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất cung ứng điện, EVN còn tận dụng thế mạnh của mình để thực hiện kinh doanh đa ngành rất hiệu quả. 5 năm qua, EVN đã xây dựng hệ thống đường trục cáp quang mạnh đến tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước và 2 cổng quốc tế dung lượng lớn, đang khai thác có hiệu quả đường cáp quang biển liên Á, triển khai đầu tư mạng 3G; chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,52 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ. Lĩnh vực cơ khí cũng phát triển mạnh với tổng doanh thu cơ khí giai đoạn 2006 - 2010 đạt 5.300 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị trong Tập đoàn đã đủ khả năng sản xuất hàng loạt các MBA đến cấp điện áp 220 kV, có công suất đến 250 MVA, sửa chữa máy biến áp 500kV; các đơn vị cơ khí chế tạo thành công thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thủy điện lớn như công trình trọng điểm Quốc gia - Thủy điện Sơn La.

Cùng với việc chuyển đổi thành công mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tập đoàn kinh tế, EVN còn cổ phần hoá 30 doanh nghiệp, hàng năm đào tạo trên 60.000 lượt CBCNV. Ký kết nhiều hiệp định với các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB, AFD, JICA...) nhằm vay vốn, bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện, thực hiện kết nối lưới điện với Trung Quốc và đang bán điện cho Lào và Cămpuchia. 

EVN cũng đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng đưa điện về nông thôn trong giai đoạn 2006-2009, bù lỗ 15.100 tỷ đồng để bán điện đến các hộ dân nông thôn. Đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp ở gần 5.300 xã để bán điện trực tiếp cho 7,4 triệu hộ dân nông thôn. Phụng dưỡng suốt đời gần 300 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; từ năm 2006 đến nay đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào các quỹ xoá đói giảm nghèo, tấm lòng vàng, trẻ em nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai... Hiện nay EVN đang triển khai hỗ trợ cho 3 huyện nghèo thuộc tỉnh Lai Châu với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng trong 3 năm 2009 - 2011.         

Bảy nhiệm vụ trọng tâm

Theo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ EVN, với mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thời gian tới thực hiện bảy nhiệm vụ trọng tâm. Một là, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với năng lực tài chính và khả năng trả nợ của Tập đoàn; Hai là đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; Ba là, đưa EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; Bốn là, phấn đấu thành nhà cung cấp viễn thông hàng đầu; cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ khí điện trong nước; đầu tư hợp lý có hiệu quả các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...; Năm là, hoàn thiện lộ trình cấp độ 1 thị trường phát điện cạnh tranh, tạo tiền đề chuẩn bị thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Sáu là, chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành điện; từng bước nâng cao đời sống của người lao động; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phòng chống tham nhũng; thực hiện văn hoá doanh nghiệp; Bảy là, Mở rộng kết nối lưới điện với Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước trong khu vực để trao đổi điện năng. Đặc biệt, phải làm tốt công tác xây dựng Đảng như tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động; thực hiện kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật Đảng; bảo vệ chính trị nội bộ; củng cố, xây dựng các tổ chức đoàn thể của các đơn vị ngày một vững mạnh.

Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2011-2015

Giai đoạn 2011 - 2015 huy động 647.038 tỷ đồng vốn cho đầu tư. Đưa vào vận hành 14.852 MW các nhà máy điện. Đảm bảo tăng trưởng điện thương phẩm 15% - 16%

Đến năm 2015, điện sản xuất và mua đạt 195 - 200 tỷ kWh.

Năm 2014 khởi công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, năm 2020 vận hành tổ máy 1.

Cuối năm 2012, hoàn thành dự án Thủy điện Sơn La.

Năm 2012 tổn thất điện năng còn 8,5%; kể cả tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn là 9,1%.

 Đến 2015 doanh thu Viễn thông đạt 19.100 tỷ đồng, đạt 14,5 triệu thuê bao; sản xuất thành công MBA 500 kV.
Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Ngọc Loan