Sự kiện

Vướng mắc tại các dự án lưới điện trọng điểm quốc gia: Cần kịp thời tháo gỡ

Thứ ba, 20/7/2010 | 15:29 GMT+7

Trong số gần 40 dự án lưới điện trọng điểm do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư, nhiều dự án đường dây và trạm biến áp đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thỏa thuận vị trí, tuyến hành lang xây dựng công trình và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.



Công trình xây dựng Trạm biến áp 500 kV Sơn La đang được đẩy nhanh tiến độ

Từ năm 2007 đến nay, gần 40 công trình trọng điểm truyền tải điện 220 kV, 500 kV trải rộng trên khắp 3 miền đất nước đã được NPT khởi công và chuẩn bị khởi công. Trong đó, miền Bắc tập trung nhiều nhất với 19 công trình, tiếp đó là miền Trung 8 công trình và miền Nam 10 công trình. Các công trình này đều có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện, chống quá tải hoặc đấu nối đồng bộ, thu hút công suất các công trình nguồn điện mới. Theo đánh giá của NPT, đến nay, nhiều công trình lưới điện ở cả ba miền đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Khó khăn thỏa thuận vị trí, tuyến

Các công trình lưới điện có quy mô lớn, đi qua nhiều khu vực, vùng miền, có tác động nhất định tới quy hoạch của mỗi địa phương. Do vậy, tại một số dự án, do thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương nên phát sinh vướng mắc trong công tác xác định vị trí, tuyến công trình. Chẳng hạn: Tại dự án Trạm 220 kV Bắc Kạn, chủ đầu tư phải kiến nghị khảo sát, lựa chọn địa điểm mới do phát hiện địa điểm cũ đã được UBND tỉnh cho phép nằm trong khu đất dự án của một doanh nghiệp khác. Ba công trình thuộc khu vực Hà Nội (gồm TBA 220 kV Long Biên và đấu nối; TBA 220 kV Tây Hà Nội; ĐZ 500 kV Hiệp Hòa – Bắc Ninh 2) cũng đang bị chậm tiến độ do mặt bằng tuyến các công trình lưới điện trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa được UBND Thành phố và Sở Quy hoạch – Kiến Trúc có văn bản thống nhất. Ở một số dự án đang thi công như ĐZ 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa, ĐZ 220 kV Sông Tranh 2 – Tam Kỳ…, công tác thi công phải tạm dừng, ảnh hưởng tới tiến độ do phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực địa.

Gian nan đền bù, giải phóng mặt bằng

Hiện nay, tại các công trình đang bị chậm tiến độ, những vấn đề nan giải trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thường xuất phát từ sự thiếu thiện chí hợp tác của người dân. Như tại công trình ĐZ 220 kV đấu nối Thủy điện Srêpôk 4, người dân đã nhận tiền đền bù, song vẫn cố tình gây khó khăn trong quá trình thi công. Có nơi sau khi thi công xong cột và kéo dây, người dân lại ngăn cản không cho lắp tiếp địa, vì muốn đòi thêm tiền đền bù. Tại một số nơi khác như ĐZ 220 kV Sông Tranh 2 – Tam Kỳ, ĐZ 220 kV Xekaman 3 -  Thạnh Mỹ, ĐZ 220 kV Hàm Thuận – Phan Thiết,… mặc dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tích cực vận động, song người dân vẫn cương quyết không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Cùng với sự thiếu hợp tác của người dân, ở một số địa phương, sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương với chủ đầu tư cũng chưa đầy đủ, chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình triển khai dự án. NPT cho biết: Có một thực tế là ở không ít UBND tỉnh hiện nay chưa có Ban chỉ đạo các công trình xây dựng lưới điện của tỉnh hoặc cán bộ lãnh đạo (chẳng hạn Phó chủ tịch tỉnh) chuyên trách theo dõi, chỉ đạo. Chính vì thiếu đầu mối như vậy nên thời gian qua, việc gặp gỡ, trao đổi giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương gặp rất nhiều hạn chế, làm cho tiến độ giải quyết các khó khăn mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, có nơi, Hội đồng bồi thường, Ban bồi thường, UBND cấp xã không thống nhất quan điểm với chủ đầu tư (như tại ĐZ 220 kV Sông Tranh 2 - Tam Kỳ) gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người dân. 

Một khó khăn nữa không kém phần nan giải đó là những hạn chế từ việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng. Như tại ĐZ 220 kV Nhơn Trạch – Nhà bè, tiến độ phê duyệt phương án bồi thường hành lang tuyến đang bị chậm do phải chờ hướng dẫn về việc hỗ trợ ảnh hưởng hành lang theo Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ…

Tại cuộc họp giữa NPT và EVN về tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trọng điểm diễn ra mới đây, Phó TGĐ EVN Đậu Đức Khởi nhấn mạnh: NPT cần đề cao chủ động trong việc tìm hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án lưới điện trọng điểm hiện nay. Những vấn đề vượt quá khả năng cho phép thì Tập đoàn sẽ tập trung hỗ trợ giải quyết. Với những vấn đề nổi cộm đang tồn tại, Tập đoàn sẽ đề nghị Bộ Công Thương làm việc với UBND các tỉnh để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.  

Theo: TCĐL số 6/2010