Sự kiện

EVN HANOI: Tạo thế chủ động trong cơ cấu tổ chức mới

Thứ năm, 29/7/2010 | 09:28 GMT+7

Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ, do thực dân Pháp xây dựng năm 1892. Năm 1960, nhà máy đèn Bờ Hồ được đổi tên thành Sở quản lý và phân phối điện khu vực I với nhiệm vụ quản lý trạm 110 kV Đông Anh và phần lớn đường dây 110 kV khu vực phía Bắc. Đến nay, EVN HANOI đã quản lý 33 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 2.739 MVA, trên 4.500 trạm biến áp phân phối, Hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã có mặt trên toàn địa bàn Thành phố và bán điện cho trên 1.700.000 khách hàng với sản lượng điện thương phẩm đạt 7.878,9 triệu kWh, doanh thu bán điện đạt 8.438.891 triệu đồng.

 

 . Lớn lên cùng Thủ đô

Từ năm 1984, lưới điện Hà Nội bắt đầu được cải tạo với quy mô lớn nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. Tuy nhiên, do nguồn điện còn nhiều khó khăn nên việc cấp điện cho Hà Nội vẫn không ổn định, chưa thoả mãn được nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Cuối năm 1984, điện năng thương phẩm đạt 604,8 triệu kWh (khu vực Hà Nội là 273,4 triệu kWh) tăng 26,8 lần so với năm 1954 và lưới điện đã phát triển tới 3.647 km đường dây cao hạ thế.

Sau khi đất nước thống nhất (30-4-1975), 5 Chi nhánh điện thuộc ngoại thành Hà Nội được thành lập lại và có nhiệm vụ quản lý và phân phối điện năng tới trên phạm vi các huyện và một vài khu vực lân cận. Sau năm 1975, để đảm bảo cấp điện an toàn cho khách hàng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình cung ứng và sử dụng điện, đồng thời có thể quản lý chặt chẽ việc cung ứng điện năng, các Chi nhánh điện nội thành lần lượt được thành lập.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) được thành lập, là đơn vị sản xuất và kinh doanh điện năng trên phạm vi toàn quốc. Ngày 8-7-1995, Sở Điện lực Hà Nội được thành lập lại và được đổi tên thành Công ty Điện lực TP. Hà Nội, là Công ty Nhà nước; thành viên hạch toán độc lập trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các Chi nhánh điện được nâng cấp thành các Điện lực và từng bước được phân cấp để chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đến năm 2003, Công ty Điện lực TP. Hà Nội có 12 Điện lực trực thuộc, gồm: Điện lực Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy; Ban quản lý dự án lưới điện Hà Nội là thành viên trực thuộc Công ty Điện lực TP. Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 166 EVN/HĐQT-TCCB.ĐT ngày 4-7-2000 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiệm vụ thay mặt Công ty Điện lực TP. Hà Nội quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện và một số dự án khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tháng 4-2004, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tách địa dư hành chính và thành lập 2 quận mới, Công ty Điện lực TP. Hà Nội cũng thành lập thêm 2 Điện lực mới: Điện lực Hoàng Mai và Điện lực Long Biên. Năm 2008, theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội được mở rộng trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hoà Bình vào Thủ đô Hà Nội; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có quyết định sáp nhập nguyên trạng hoạt động SXKD tại Điện lực Hà Tây, Chi nhánh điện Mê Linh và 4 xã huyện Lương Sơn thuộc Công ty Điện lực 1 vào Công ty Điện lực TP. Hà Nội. Công ty Điện lực TP. Hà Nội chính thức tiếp nhận, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo địa giới Hà Nội mới, kể từ ngày 1-8-2008. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng và viễn thông công cộng sau khi tiếp nhận duy trì hoạt động ổn định; bảo đảm quản lý vận hành lưới điện an toàn, cung ứng điện phục vụ đời sống văn hoá xã hội và sản xuất của Thủ đô.

 Tranh thủ cơ hội, điều kiện phát triển của các địa phương, quận, huyện mới được thành lập trong giai đoạn mới, để hỗ trợ cho Công ty Điện lực TP. Hà Nội trong công tác tiếp nhận xoá bán tổng, đầu tư, cải tạo, xây dựng phát triển và hoàn thiện hệ thống lưới điện.

. Hoàn thiện trong cơ cấu tổ chức mới

Ngày 5-2-2010, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 738/QĐ-BCT thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.
Khác với các ngành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thông thường, sản phẩm điện năng sản xuất ra được bán ngay tới hộ tiêu thụ. Muốn bán điện cho khách hàng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội phải đưa điện đến tận nơi người tiêu dùng thông qua hệ thống lưới điện phân phối. Chính vì lẽ đó, hệ thống phân phối điện phải trải ra khắp thành phố, len lỏi đến từng ngõ xóm. Do đó, việc quản lý lưới điện trung và hạ thế trở nên vô cùng phức tạp tuỳ theo địa hình, điều kiện cụ thể của từng khu vực dân cư. Để đảm bảo cấp điện an toàn cho khách hàng mua điện, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình cung ứng và sử dụng điện, đồng thời có thể quản lý chặt chẽ việc kinh doanh điện năng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội phân chia khách hàng thành nhiều khu vực tương ứng với đơn vị hành chính cấp quận (khu vực nội thành) và huyện, thị xã (đối với khu vực ngoại thành).

Ứng với mỗi địa bàn (quận, huyện, thị xã) có một đơn vị của Tổng công ty quản lý gọi là Công ty Điện lực. Toàn Tổng công ty khối Công ty Điện lực có 29 Công ty Điện lực tham gia quản lý vận hành, kinh doanh điện năng và 6 Công ty khác, Trung tâm, Ban Quản lý dự án gồm:  Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội; Trung tâm Điều độ - Thông tin; Công ty Thí nghiệm điện Điện lực Hà Nội; Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội; Công ty Cơ điện Điện lực Hà Nội; Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội.

Mỗi Công ty Điện lực là một doanh nghiệp hoạch toán phụ thuộc, trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội. Công ty Điện lực là nơi đầu tiên tiếp nhận đơn mua điện của khách hàng theo sự phân cấp của Tổng công ty, tổ chức khảo sát, thiết kế thi công hệ thống cấp điện và ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng có đủ điều kiện cấp điện. Công ty Điện lực còn là cơ quan quản lý trực tiếp các khách hàng mua điện, là nơi thực hiện các hoạt động quản lý kinh doanh: Ghi chỉ số công tơ, tính toán tiền điện, in hoá đơn, thu tiền điện phát sinh, sửa chữa các sự cố, thay định kỳ công tơ đo đếm điện, vận hành lưới điện từ cấp điện áp 35 KV trở xuống kể cả cáp ngầm và lưới điện trên không.

Ngoài các nghiệp vụ trên, Công ty Điện lực còn thường xuyên kiểm tra, chủ động lập các phương án cải tạo lưới điện, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, chủ động lập kế hoạch và cải tạo các khu có tỷ lệ tổn thất cao.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN HANOI Trần Đức Hùng cho biết, với định hướng chiến lược đúng đắn, linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô và ngành điện, trong những năm qua, EVN HANOI đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp điện năng cho Thủ đô với tỷ lệ phát triển hàng năm từ 12%-15%. Đồng thời, chủ động từng bước tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác theo cơ chế thị trường. Trong đó, kinh doanh viễn thông công cộng được xác định là một trong những nhiệm vụ kinh doanh chính, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tổng Công ty.

Trong những năm tới, ngoài việc thực hiện có hiệu quả kinh doanh điện năng và kinh doanh viễn thông công cộng, EVN HANOI tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác đầu tư và phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh đặc biệt đối với các công trình, dự án nguồn điện, lĩnh vực tài chính và các hoạt động kinh tế khác… phù hợp với khả năng của Tổng công ty và chủ trương của EVN cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp trong Tổng Công ty với khẩu hiệu “ Thắp sáng niềm tin” của ngành Điện phù hợp với bản sắc văn hoá của Thủ đô Hà Nội./

. 29 Công ty Điện lực hạch toán phụ thuộc được chuyển đổi từ các Điện lực, Chi nhánh điện, gồm:  Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Mê Linh, Hà Đông, Sơn Tây, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà.

Thanh Mai