Sự kiện

Truyền tải điện Tây Bắc : Trưởng thành từ những khó khăn

Thứ tư, 17/11/2010 | 11:02 GMT+7

Đi thực tế trên các tuyến đường dây cùng anh em công nhân của Truyền tải điện Tây Bắc, tôi mới được trải nghiệm và thấy hết những gian nan của người làm điện trên vùng cao Tây Bắc. Mới 5 giờ chiều mà trên đường đi Lào Cai, những cơn mưa cuối mùa cứ xối xả, lại thêm sương mù trời tối như bưng, chiếc xe ôtô cứ lầm lũi vượt núi đưa chúng tôi đến đỉnh Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi buổi sáng hôm sau tại đội đường dây Lào Cai. Đội ngũ công nhân đa phần trẻ tuổi, mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm được điều động lên đây. Trong số đó chỉ mới có vài anh là có gia đình ở quê.

 

Công nhân đội Truyền tải điện Lào Cai phát dọn hành lang tuyến
Hiện nay, TTĐ Tây Bắc đang quản lý 7 trạm biến áp 220-50 kV với tổng dung lượng 1.388 MVA, trong đó có 01 trạm 500kV; 10 đội đường dây với 950 km đường dây (220+500) kV trong đó có 161 km ĐZ 500kV. Đây là những đường dây chủ yếu thực hiện theo chương trình hợp tác mua điện Trung Quốc của Chính phủ 2 nước để hòa vào lưới điện Quốc gia và truyền tải điện năng cho các phụ tải từ nhà máy thủy điện Sơn La và từ các nhà máy thủy điện lớn trong khu vực Tây Bắc, như thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát… đồng thời tạo mối liên kết các đường dây giữa các khu vực trong hệ thống điện toàn quốc. Nói đến Tây Bắc, ai cũng biết rằng đây là các địa phương thuộc miền núi, là vùng kinh tế - xã hội khó khăn nhất của cả nước, các địa phương có đường dây đi qua phần lớn là người dân tộc thiểu số, dân trí thấp, địa hình đồi núi cao, rừng sâu phức tạp, thường xuyên xảy ra lũ quét, mưa bão gây sạt lở, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn.

Để cung cấp điện kịp thời cho các tỉnh phía Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung đang trong tình trạng thiếu điện, từ năm 2004 đến 2007, EVN đã gấp rút triển khai xây dựng hàng loạt các công trình lớn liên quan đến dự án mua điện 220 kV Trung Quốc qua hướng Lào Cai, Hà Tuyên. TTĐ Tây Bắc đã tiếp nhận nhiệm vụ thực hiện tư vấn giám sát, nghiệm thu các đường dây; chuẩn bị sản xuất toàn bộ các công trình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để lại rất nhiều kỉ niệm khó quên, vì đây là lần đầu tiên đơn vị nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát, vừa phải giám sát thi công, vừa phải kiểm tra những bất hợp lý để tư vấn giúp công trình được tốt hơn. Mặt khác, đường dây và trạm lại đi qua những địa hình cực kỳ phức tạp, là địa bàn lần đầu tiên đơn vị đặt chân tới. Nơi đây, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những người biết tiếng Kinh không nhiều, đường dây chủ yếu nằm trên đồi cao, cách xa đường quốc lộ, có những vị trí phải đi bộ trên 2 tiếng đồng hồ, tiến độ thi công đòi hỏi gấp rút trong điều kiện thực hiện vô cùng khó khăn. Cung đoạn từ Bắc Mê - Hà Giang đến Na Hang - Tuyên Quang chỉ dài 100 km, nhưng xe ô tô phải đi hết 10 giờ đồng hồ. Khu vực này nhiều ruồi vàng, bọ chó, mà dân cư lại thưa thớt, nên khi kiểm tra sửa chữa đường dây trên tuyến, anh em đều phải chuẩn bị sẵn lương khô, bánh mỳ và nước uống đem theo để ăn trên đường. Có những vị trí nằm trong lòng hồ, phải đi thuyền, đi bộ từ 3 - 5 km từ đường quốc lộ, vượt nhiều đồi dốc cheo leo. Bên cạnh đó, vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong công tác quản lý, vận hành đường dây mua điện Trung Quốc cũng là một rào cản lớn. Chính vì vậy, bằng tính chủ động, ngay từ khi bắt đầu thi công công trình TTĐ Tây Bắc đã mở lớp học tiếng Trung Quốc cho cán bộ kỹ thuật và công nhân quản lý vận hành trực tiếp tại các đội, trạm đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và kèm cặp bồi huấn anh em công nhân ngay trên tuyến. Những khó khăn đã lần lượt được tháo gỡ, sau gần một năm giám sát và nghiệm thu, đóng điện và đến nay hầu hết các cung đoạn đường dây của TTĐ Tây Bắc đều được vận hành an toàn. Năm 2008, do sự thay đổi bất thường của khí hậu, 2 cơn bão lớn số 4 và số 6 liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đối với đường dây và trạm thuộc đơn vị quản lý bị sạt lở kè, đất sạt lở vào móng cột đường dây ở hầu hết các vị trí, hư hỏng mặt bằng ngăn lộ 271, 272, sạt taluy trạm biến áp 220 kV Lào Cai… Song tập thể TTĐ Tây Bắc đã dồn toàn bộ tâm trí sức lực, vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả cơn bão. Đơn vị đã không quản ngày đêm, mưa to, gió lớn gồng mình khắc phục ngay các sự cố, chằng néo, san gạt đất đá các vị trí móng nguy hiểm, cũng như các trụ đỡ thiết bị khu vực nứt nền trạm biến áp 220 kV Lào Cai, đồng thời, tư vấn thiết kế khảo sát các vị trí sạt lở để đề ra các biện pháp khắc phục lâu dài, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, liên tục lưới truyền tải điện đơn vị quản lý trong những ngày mưa. Thật vậy, trong quá trình đi tuyến, trên con đường ngoằn nghèo đầy sỏi đá, hố gà, chúng tôi nhìn những lính truyền tải lặng lẽ song hành cũng với đường dây trên đỉnh núi cao khiến chúng tôi mỗi người đều cảm thấy chạnh lòng.

Công nhân đội Truyền tải điện Lào Cai kiểm tra bu lông cột, xà

Anh Chu Công Sơn – Trưởng Truyền tải điện Tây Bắc, anh cho biết là đơn vị trẻ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn đặc biệt là đội đường dây Tuyên Quang, Hà Giang, Mộc Châu, Mường La. Ban đầu đơn vị chỉ có 35 CBCNV tập trung quản lý vận hành trạm biến áp 220 kV Việt Trì và 2 đường dây 220 kV Hoà Bình - Việt Trì; Việt Trì – Sóc Sơn cung cấp điện cho 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái. Qua thời gian, mới chỉ gần 6 năm TTĐ Tây Bắc đã phát triển từng ngày, hiện tại số lượng CBCNV đã lên tới 384 CBCNV. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất được Công ty giao, đơn vị đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, từng bước tập trung làm tốt công tác quản lý vận hành, sửa chữa nâng cấp đường dây và trạm. Bên cạnh đó tậy trung đẩy mạnh vai trò chỉ đạo của cấp ủy, xây dựng tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên hoạt động theo guồng máy chung của cả Truyền tải điện; phát động và tham gia các phong trào thi đua sản xuất, hoạt động văn nghệ, thể thao, tổ chức tốt công tác đào tạo… .

Với phương châm mỗi công nhân là một tuyên truyền viên, mỗi người dân trên tuyến là một bảo vệ. Các đội, trạm đã thường xuyên tuyên truyền tới từng người, từng nhà, từng thôn bản đến xã phường huyện thị, tạo ra một hệ thống mạng lưới bảo vệ các cấp. Tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp chính quyền, ban ngành, công an, Sở Công thương của các địa phương, đồng thời, công tác kiểm tra an toàn, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão cũng được đơn vị triển khai cụ thể sâu rộng tới từng CBCNV. Hơn nữa, công tác kế hoạch - tài chính kế toán luôn kịp thời, chi phí Truyền tải tiết kiệm và hiệu quả. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý cũng được đơn vị phát triển mạnh mẽ. Công tác đào tạo được đơn vị quan tâm hàng đầu, đặc biệt với lực lượng công nhân mới, được huấn luyện toàn diện về an toàn, chuyên môn, đạo đức tác phong do đó khi phân công nhiệm vụ về các đội, trạm, anh em nhanh chóng hòa nhịp và hoàn thành tốt công việc. Trong các hội thi thợ giỏi đặc biệt 3 năm (2008-2010) đơn vị luôn luôn đứng đầu toàn Công ty.

Trong 6 năm qua, đơn vị đã gặt hái được nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất, 58 tập thể và cá nhân đã được khen thưởng cấp cao.

Chặng đường xây dựng và phát triển trong những giai đoạn tiếp theo chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tập thể Truyền tải điện Tây Bắc luôn luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng và giữ vững là một tập thể đoàn kết, vững mạnh toàn diện. Trên những cung đường truyền tải điện, trong cái lạnh của tiết thu vùng cao đầy sương gió, những giọt mồ hồi vẫn lan tỏa trên những gương mặt đầy nhiệt huyết của những người thợ truyền tải điện đang âm thầm, miệt mài, hi sinh tuổi trẻ, tất cả cho sự phát triển của lưới điện Quốc gia.

Truyền tải điện Tây Bắc được thành lập từ ngày 1/5/2004, là đơn vị thuộc Công ty Truyền tải điện 1-Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia (NPT). Trong 6 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NPT, trực tiếp là Công ty Truyền tải điện 1, với sự nỗ lực không mệt mỏi, sự đồng lòng hiệp sức của một tập thể đoàn kết, có kỷ luật, chủ động và sáng tạo trước những khó khăn. TTĐ Tây Bắc đã n phát triển và trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cung cấp điện ổn định và an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho 7 tỉnh khu vực Tây Bắc. Sản lượng điện truyền tải trong gần 6 năm, đạt trên 15 tỷ kW, suất sự cố, tổn thất điện năng đạt dưới mức cho phép…
Bài và ảnh: Quang Thắng