Sự kiện

Bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn : Lợi cả nhiều bên

Thứ ba, 23/12/2008 | 08:59 GMT+7

Chi nhánh điện thành phố Bắc Ninh có trên 10 ngàn hộ nông dân (thuộc 9 xã) sử dụng điện lưới quốc gia. Sau khi tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân, Chi nhánh đã tập trung cải tạo lưới điện để đảm bảo phục vụ cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng và tổn thất điện năng đã được giảm đáng kể (từ 30% xuống 14%).

 

Công nhân Ðiện lực Bắc Ninh thay thế công tơ định kỳ tại Xóm 1, xã Ðại Phúc, TP Bắc Ninh
Ông Nguyễn Văn Cẩm - Trưởng Chi nhánh điện thành phố Bắc Ninh: Người dân phấn khởi vì chất lượng điện ổn định, an toàn

Chi nhánh điện thành phố Bắc Ninh có trên 10 ngàn hộ nông dân (thuộc 9 xã) sử dụng điện lưới quốc gia. Sau khi tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân, Chi nhánh đã tập trung cải tạo lưới điện để đảm bảo phục vụ cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng và tổn thất điện năng đã được giảm đáng kể (từ 30% xuống 14%). Ðến nay, chúng tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm là: Công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn phải được triển khai sâu rộng; cùng chính quyền địa phương phân tích những lợi ích cụ thể về mọi mặt cho dân hiểu nếu chuyển giao hệ thống lưới điện cho ngành Ðiện quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ dân. Ðiện được cung cấp ổn định, chất lượng đảm bảo; giá điện chỉ 550 đồng/kWh cho 100 kWh đầu tiên; khi có sự cố, được thợ điện xử lý ngay, đặc biệt là khách hàng không phải đóng góp đầu tư, cải tạo lưới điện trong bất kỳ trường hợp nào; công tơ sẽ được thay thế mới hoàn toàn và đưa vào hòm, hộp đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ðối với “nhân sự” của các HTX điện năng trước đây, Chi nhánh vẫn giữ nguyên, chọn lọc và gửi đi đào tạo lại để sử dụng trong các công việc phù hợp như ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, những người có năng lực, đủ điều kiện thì xếp làm công tác quản lý… Ðến nay, sau hơn 2 năm được Chi nhánh điện thành phố Bắc Ninh phân công bán điện trực tiếp, các hộ dân nông thôn rất phấn khởi vì được cung cấp điện ổn định, an toàn, chất lượng, được hưởng lợi về giá điện do Nhà nước quy định, đồng thời luôn được sự quan tâm, phục vụ chu đáo của CBCNV ngành Ðiện.

Ông Phạm Văn Cầu – Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, TP Hải Dương: Nếu ngành Ðiện không tiếp nhận, Hợp tác xã dịch vụ điện khó lòng tiếp tục cáng đáng

Tân Hưng xây dựng lưới điện từ năm 1989 bằng nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp. Việc quản lý, vận hành và bán điện cho nhân dân do Hợp tác xã dịch vụ điện năng đảm nhận. Trải qua thời gian, lưới điện xuống cấp nặng, tổn thất điện năng rất lớn. Hàng năm, UBND xã phải chi vài chục triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp lưới điện trong khi khả năng tài chính rất eo hẹp. Với tình hình đó, Hợp tác xã điện Tân Hưng khó lòng tiếp tục cáng đáng việc quản lý vận hành và kinh doanh bán điện. Ðến năm 2006, khi Ðiện lực Hải Dương có chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại địa phương, UBND xã Tân Hưng đã nhất trí bàn giao quyền quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp tới hộ dân cho ngành Ðiện.

Sau khi bàn giao, từ lãnh đạo xã cho đến người dân đều rất phấn khởi vì hiệu quả thấy rất rõ ràng. Ðó là chất lượng điện tốt hẳn lên, điện rất “khỏe”, ổn định, tổn thất điện giảm xuống rất thấp (còn 5%) và hạn chế tối đa hiện tượng câu móc trộm. Một cái lợi nữa là người dân được hưởng lợi về giá điện. Nếu như trước đây, hộ dân phải mua giá điện trên 700 đồng/kWh thì nay được mua với giá rẻ hơn (550 đồng/kWh).

Ông Ðinh Văn Thành - nguyên Phó chủ nhiệm HTX dịch vụ điện năng Tân Hưng, thành phố Hải Dương (hiện là Tổ trưởng Tổ điện xã Tân Hưng): Mô hình HTX dịch vụ điện năng không phù hợp

Trước đây, HTX dịch vụ điện năng xã Tân Hưng quản lý 7 thôn với 3 trạm biến áp. Hệ thống lưới điện cũ nát, HTX không có vốn đầu tư, công tơ thì nhiều loại của Trung quốc, Liên Xô (cũ), Bungari… không được kiểm định chất lượng nên hầu hết đo đếm không chính xác. Hòm công tơ cũng bằng nhiều loại như hòm gỗ, hòm sắt, hòm nhựa tự chế không theo quy chuẩn nào, nhiều hộ còn dùng thùng, can nhựa đựng nước làm hòm công tơ. Cùng với hệ thống lưới điện cũ nát, các công tơ thiếu chính xác và sự quản lý lỏng lẻo, đã dẫn đến tổn thất điện năng rất cao (bình thường là 30%). Hơn nữa, HTX lại “biên chế” tới 12 người. Chính vì vậy, giá điện phải cõng nhiều chi phí, có khi lên trên 1.000 đồng/ kWh.

Từ khi Ðiện lực Hải Dương tiếp nhận lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ dân tới nay, nhân dân phấn khởi vì giá điện theo giá quy định của Nhà nước, thấp hơn giá điện của HTX ngày trước nhiều, chất lượng điện tốt, không hay xảy ra sự cố mất điện. Lưới điện được đầu tư cơ bản tới hộ sử dụng. Xã có tổ trực điện để phục vụ kịp thời khi khách hàng yêu cầu. Cả xã chỉ cần 5 người quản lý, mặc dù số trạm và số công tơ đã tăng lên, nhưng các yêu cầu của khách hàng đều được đáp ứng kịp thời. Riêng tôi, từ khi được chuyển về Ðiện lực tới nay, công việc nhiều hơn trước, thu nhập cũng cao hơn, đời sống được đảm bảo. Hằng năm được Ðiện lực cấp phát quần áo và các trang thiết bị bảo hộ lao động cũng như các dụng cụ chuyên ngành phục vụ cho thực hiện công tác chuyên môn. Những vấn đề này, trước đây HTX không có khả năng thực hiện được. Chính vì vậy, so với Ðiện lực trực tiếp quản lý, bán điện tới hộ dân, tôi thấy mô hình HTX dịch vụ điện năng rõ ràng là không phù hợp.

 

Ông Nguyễn Huy Kiểu – Người dân thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, Hải Dương: Ngành điện quản lý, thuận lợi hơn rất nhiều

Trước đây người dân chúng tôi mua điện của HTX với giá 700 đồng/kWh, đắt nhưng chất lượng điện rất kém, có hôm điện quá tải, nồi cơm điện nhà tôi cắm mãi vẫn không sôi, đèn điện thì tù mù. Nói chung là rất bất tiện cho sinh hoạt của người dân. Mấy năm nay, khi ngành Ðiện tiếp quản, bán điện trực tiếp cho chúng tôi, điện ổn định hơn, ít khi bị mất đột ngột do chập cháy đường dây. Người dân dùng điện cũng thấy an toàn hơn, thuận lợi hơn rất nhiều.

Mỗi tháng, gia đình tôi trả khoảng 100 ngàn tiền điện. So với hồi còn Hợp tác xã dịch vụ điện thì giá bán điện của Ðiện lực rẻ hơn nhiều. Người dân dùng điện thấy công bằng hơn vì không những chất lượng điện đảm bảo, giá rẻ mà việc đo đếm điện cũng chính xác hơn do công tơ được thay mới, lại được thay thế kiểm định định kỳ, phong cách phục vụ của ngành Ðiện cũng chuyên nghiệp hơn hẳn.

Theo Tạp chí Điện lực