Sự kiện

Điện về các thôn buôn Tây Nguyên

Thứ hai, 22/12/2008 | 10:10 GMT+7
Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo đầu tư vào tháng 4-2006 với tổng mức đầu tư 1.094 tỷ đồng, trong đó, sử dụng 85% vốn ngân sách và 15% vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và giao cho EVN làm chủ đầu tư. Dự án sẽ cấp điện cho hơn 1.200 thôn buôn với khoảng 116.000 hộ dân trên tổng số khoảng 173.000 hộ dân chưa có điện. Dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện khu vực Tây Nguyên lên trên 90%.

Những đường dây điện, dẫu lúc chậm lúc nhanh, nhưng không khi nào ngừng vươn dài, nối tiếp mãi đến những thung sâu, rẻo cao
Cái tin Chính phủ sẽ “chi” tiền cùng ngành Điện đầu tư từ “A đến Z” để cấp điện đến từng hộ sử dụng ở những thôn buôn chưa có điện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng được thông báo đến các bản làng như những cánh chim báo tin vui.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo tiền khả thi, để đảm bảo mục tiêu và rút ngắn thời gian thực hiện, EVN đã trình Thủ tướng cho phép phân chia dự án thành 5 phần độc lập, theo đó, mỗi tỉnh Tây Nguyên là một dự án độc lập và vừa tiến hành lập dự án đầu tư vừa thiết kế, để khi có vốn ngân sách cấp là có thể triển khai công tác đấu thầu vật tư thiết bị và thi công xây lắp. Đồng thời, EVN đã uỷ quyền cho Công ty Điện lực 2 và Công ty Điện lực 3 thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư cho các dự án thành phần để giảm bớt các khâu trình và phê duyệt. Nhưng do dự án được triển khai vào đúng giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, vật tư thiết bị trượt giá liên tục, vì vậy, việc xét thầu phải làm đi làm lại, đến giữa tháng 8-2008 mới hoàn thành toàn bộ công tác đấu thầu xây lắp và mua sắm vật tư thiết bị.

Đã nhiều lần tôi được lên vùng đất cao nguyên này và nhận thấy Tây Nguyên hay bất cứ bản làng vùng sâu vùng xa, hay hải đảo nào cũng vậy, từ mấy chục năm nay, mặc dù thực lực kinh tế của Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng những đường dây điện, dẫu lúc chậm lúc nhanh, nhưng không khi nào ngừng vươn dài, nối tiếp mãi đến những thung sâu, rẻo cao, dẫu nơi ấy chỉ lèo tèo chục nóc nhà của bà con dân tộc thiểu số, dẫu không biết đến bao giờ thu được hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Vì vậy, mà mỗi khi nói về việc cung cấp điện cho khu vực nông thôn nói chung và vùng sâu vùng xa hay hải đảo, chúng tôi gọi đó là “bài toán ưu việt” của Nhà nước Việt Nam.Thực ra, nếu ai đã một lần đi tới các bản làng xa côi hẻo lánh mới thấy khái niệm ấy cũng chưa phản ánh trọn vẹn ý nghĩa của những chương trình đưa điện về  miền núi mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã dành cho đồng bào các dân tộc.

Anh em thi công nói, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện dự án cấp điện cho 1.200 thôn buôn của Tây Nguyên là địa hình lại phức tạp, hộ dân sống rải rác, khí hậu khắc nghiệt, nếu để nhỡ một mùa khô là coi như mất 1 năm, do mùa mưa nơi đây không thể chuyên chở vật liệu thiết bị được. Còn nhớ, đã vài lần tôi được đi theo an hem bên khảo sát thiết kế thuỷ điện, cũng phải vào tận những nơi thâm sơn cùng cốc của Tây Nguyên. Nói là xa thì không hẳn là xa xôi lắm, mà là cách trở. Ở Tây Nguyên hay vùng cao phí Bắc đều như vậy, không thể tính đường đi bằng kilômét, bởi vì với khoảng cách trên dưới 200km mà là đường cái quan thì đánh vèo một cái là đến nơi. Đường ở vùng cao Tây Nguyên được tính bằng thời gian đi, vì nếu gặp trận mưa  thì chỉ còn cách duy nhất là …”nằm” lại với thôn buôn. Thế mới hiểu được nỗi vất vả của những người công nhân điện đem ánh sáng đến cho những vùng sâu. Khó có thể gói gém trong vài, trên vài trang giấy. Nhưng với người thợ đường dây, có sao đâu, họ chỉ mong ánh điện sớm đến được với đồng bào dân tộc. Ánh điện sẽ nói lên tất cả, đã thể hiện nhiều hơn tất cả mọi ngôn từ, nhất là đối với những con người sống gần thế kỷ mà lần đầu tiên mới nhìn thấy chiếc tivi.

Hiện nay, các đơn vị thi công đang đồng loạt triển khai 30/61 gói thầu xây lắp trên địa bàn 35 huyện của 5 tỉnh Tây Nguyên và trong dịp Quốc khánh 2-9-2008, Công ty Điện lực 3 đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đóng điện một phần huyện Buôn Đôn để đồng bào dân tộc đón tết độc lập.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại Buôn Đôn. Bây giờ Buôn Đôn có điện rồi, điện về làm thỏa lòng ước mơ từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Buôn Đôn. Chỉ mới cách đây 3 tháng, điện đối với người dân Buôn Đôn thật xa lạ, bây giờ cái ánh sáng “không khói” ấy thật sự giúp họ được rất nhiều trong cuộc sống. Dân Buôn Đôn đã có điện thắp sáng. Tuy cái nghèo vẫn còn nhưng có điện, nhiều nhà đã cố gắng có đài, ti vi, có quạt, nồi cơm nấu bằng điện…tất cả những thứ ấy phần nào làm đổi thay nếp nghĩ, cách làm lạc hâu từ ngàn đời xưa để lại trong đời sống của những người dân nơi đây. Họ không còn lo lắng hàng đêm phải thổi lửa, mà chỉ cần ấn nhẹ vào công tắc điện là ánh sáng tỏa khắp nhà. Văn minh điện đã đến với Buôn Đôn. Đó là những đêm lễ hội bên nhà Rông, những đêm Pơ Thi điện cũng được thắp sáng để cùng với ánh sáng truyền thống của lửa củi, trong tiếng chuông cồng, những vòng xoay như không bao giờ dứt, những gương mặt ngất ngây bởi men rượu thấy rõ hơn, đẹp hơn…Những ngày ở Buôn Đôn, ở đâu tôi cũng được nghe những người dân bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Họ nói, chỉ có cách mạng mới có thể biến giấc mở thành hiện thực, chỉ có cách mạng mới làm được những điều kỳ diệu như thế.

Tết này sẽ có 240 buôn được đóng điện. Có điện, đồng bào dân tộc vùng sâu Tây Nguyên sẽ có cơ hội thoát nghèo. Cuối năm, tiết trời ở Tây Nguyên se lạnh. Tôi rời Tây Nguyên để lại sau lưng một mùa xuân hứa hẹn vụ cà phê, vụ điều bội thu./

Thanh Mai